Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Làm công nhân để có tiền đi học

Tạp Chí Giáo Dục

 

Rất ghét hai chữ “thất học”, Lê Thị Mộng Hằng trốn nhà lên Sài Gòn làm công nhân kiếm tiềm để được tiếp tục đến trường.

Hằng rất ghét ai đó nói hai chữ “thất học”, “nghỉ học”. Với em, chỉ có thể học chậm chứ không thể không học.
Trốn nhà đi làm công nhân
Câu triết lý mà  Hằng hay tự nhủ là "Hãy tự mang cái giỏ, lúc nhỏ bà ngoại đã mang giùm mình rồi".Vì sao lại là cái giỏ, đơn giản vì đó là câu nói mà em còn nhớ được sau khi đọc ké mấy cuốn sách Hạt giống tâm hồn của cô giáo dạy Văn năm lớp 10. 
Sống với bà ngoại  ở TP Vĩnh Long từ năm lớp 9 nhưng chưa bao giờ em tự cho mình đã tự lập, vì mọi chuyện đều do bà lo liệu. Vừa kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT vào đầu tháng 6 thì sau hai tuần sau đó, em đã khăn gói lên đường đi Sài Gòn. Tự lo liệu hành lý cho mình, cô bé vừa tròn 18 tuổi không dám nói với bất kỳ ai trong gia đình. Bà ngoại thì không bao giờ cho phép. Xưa nay, cả nhà chẳng có ai đi xa. 
Cơ hội đến khi em biết có thể làm công nhân ở TPHCM qua một trung tâm giới thiệu việc làm. Chỉ cần lên Sài Gòn là có thể học ngành mình yêu thích, có thể sống tự lập được rồi, Hằng nghĩ vậy.
Đến Sài Gòn, gọi điện về nhà cho ngoại hay, nói: “Mai mốt con về thăm ngoại”. Nhưng ngoại giận: “Con đi ngoại không mời, con về ngoại không rủ”. Vậy là từ đó, em không dám gọi về cho ngoại nữa. Ở TPHCM được hơn một tháng, chỉ có cậu mợ gọi điện hỏi thăm rồi cũng thưa dần. 
Chấp nhận làm công nhân là chấp nhận những tháng ngày dài đằng đẵng. Làm thời vụ nên thu nhập của em tính bằng từng ngày công. Mỗi ngày có 3 ca: ca sáng có tiền công là 92 ngàn đồng, ca chiều 98 ngàn đồng và ca đêm từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng là 103 ngàn. Vậy là, em chọn ca đêm để có nhiều tiền. Ngày chỉ có một lần ăn cơm trước giờ làm. Nửa đêm, có cơm nhưng chẳng ăn nổi. Sáng dậy thì ăn bánh cam, bánh còng hoặc gói xôi khoảng 2 ngàn đồng. Bữa trưa là gói mì. Em cười: “Em chuẩn bị hẳn một thùng mì gói để trường kỳ kháng chiến”. 
Chỉ thích ngành du lịch
Cô bé Hằng trốn nhà đi Sài Gòn cũng chỉ là để được học ngành du lịch. Hằng chỉ có độc một ước mơ là làm cô hướng dẫn viên dễ thương, nói hay lại được mọi người yêu mến, được đi đây đi đó. Có lần nói với ngoại ước mơ đó, bà gạt phăng đi. Cả tuần sau, Hằng như người mất trí, chết điếng vì không còn hứng thú làm bất cứ việc gì nữa. Ngoại muốn cháu gái thi vào ngành sư phạm để ra trường dạy mầm non, vì bà có quen với hiệu trường ngôi trường mầm non gần đó.  
Ngày làm hồ sơ thi đại học, em đành nói dối với gia đình thi vào sư phạm  ở Cần Thơ nhưng nộp vào ngành du lịch của  ĐH Tôn Đức Thắng (TPHCM). Đợt thi ĐH – CĐ  tháng 7/2009 vừa qua, em chỉ chọn mỗi trường này. Buổi sáng thi đại học, em vừa tan ca đêm, chỉ kịp thay chiếc áo xanh công nhân là đón xe buýt từ Thủ Đức lên quận Bình Thạnh dự thi. Không biết đường, nên tốn tiền cho mấy lần đi xe buýt nữa. Hằng đi thi mà mặt mũi còn xanh lét, hốc hác vì liên tục thức đêm đến tận 6 giờ sáng mới tan ca. 
Cất công đi thi nhưng Hằng dự đoán kết quả chắc không khả  quan lắm. Chỉ có mỗi môn Văn là làm được, còn Toán và Anh thì chỉ sơ sơ thôi, Hằng cho biết. Hỏi có ôn bài không?, cô bé cười: “Em làm ca đêm. Mỗi lần giở cuốn sách ra là mắt cứ díp lại”. 
Hằng ở trong phòng với 7 chị công nhân khác ở khu lưu trú  công nhân. Mấy chị nói: “Thức đêm một tháng là già đi 3 tuổi đấy em ạ”. Mà đúng thật. Mấy hôm nay, vì ham làm mà cô bé tăng ca, làm từ 6 giờ tối đến tận 6 giờ sáng, gót chân sưng vù lên.  Hằng cho biết: “Làm để bù vào 2 ngày xin nghỉ thi đại học”. Vừa rồi lãnh lương được hơn triệu thì bị mất hai trăm ngàn. Gửi về cho mẹ ở Vĩnh Long hai trăm, trả nợ cho bạn bè hai trăm. Vậy là còn bốn trăm ngàn chờ đến giữa tháng 8 lãnh lương tiếp. 
Lúc còn học phổ thông, mỗi lần nhà nói em nghỉ học vì khó khăn quá là mỗi lần em khóc sưng cả mắt. Em rất ghét ai đó nói hai chữ “thất học”, “nghỉ học”. Với em, chỉ có thể học chậm chứ không thể không học. Làm công nhân cũng chỉ là để kiếm tiền đi học. Giờ cô bé đã có giấy báo gọi nhập học vào ngành du lịch của trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật Vạn Tường ở TPHCM. Nỗi lo lớn nhất của em là làm sao kiếm được chỗ ở và chỗ làm khi vào học ở nội thành TPHCM. Hằng cứ xuýt xoa sao gần chỗ làm của em (ở Khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức) không có trường nào để em vừa học vừa làm. 
Bài và ảnh: Hiếu Hiền/dan tri

 

Bình luận (0)