Hóa chất trong thuốc nhuộm, duỗi hay uốn tóc dễ gây viêm da tiếp xúc dị ứng.
Vừa qua, có trường hợp bệnh nhân nữ, 27 tuổi, bị trọc đầu sau khi duỗi tóc đến điều trị tại Bệnh viện Da liễu TPHCM. Theo lời kể, trước đó bệnh nhân này đi duỗi tóc ở một cửa hiệu làm đẹp ở quận 1. Khi về nhà, da đầu cô phát ngứa, một vài ngày sau, tóc bắt đầu rụng dần. Thực tế, việc nhuộm tóc, duỗi tóc và uốn tóc đều có thể làm tổn thương da, tóc và mắt.
Làm đẹp tóc với nhiều loại hóa chất dễ gây hư tóc và tổn hại da đầu. Ảnh: C.T.V
Người bị dị ứng không nên nhuộm tóc
Trước đây, cũng có rất nhiều người bị dị ứng rụng hết tóc do xài mỹ phẩm uốn, duỗi, nhuộm không an toàn. Nhuộm tóc có thể gây ra các vấn đề như rụng tóc, nóng rát, đỏ da đầu, ngứa, sưng mặt. Nhiều trường hợp sau khi dùng thuốc nhuộm bị viêm da tiếp xúc kích ứng do thuốc.
Khi đó toàn bộ da đầu, da vùng trán, thái dương, đằng sau gáy xuất hiện ban đỏ, nóng rát, tróc da với vảy nhỏ, nặng hơn là sưng nề da đầu, mụn nước rồi bội nhiễm vi trùng tạo thành mụn mủ. Trong trường hợp nặng, sẽ xảy ra viêm da tiếp xúc dị ứng, các mụn nước, sẩn phù có thể xuất hiện ở các vùng da khác trên thân thể.
Dễ bị phỏng da đầu do duỗi tóc
Bất kể loại thuốc duỗi tóc nào, kể cả có dung dịch kiềm hay không, cũng có thể làm phỏng rát da đầu nếu bạn dùng không đúng cách. Kiềm là chất có trong nhiều thuốc duỗi tóc, nó giúp thuốc duỗi tóc có tác dụng nhưng cũng làm phỏng rát da đầu. Không để thuốc duỗi tóc trên da đầu quá thời gian quy định, gội đầu sau khi duỗi. Sử dụng chất dưỡng tóc sau khi duỗi, không nên tự duỗi tóc một mình vì khó trộn đều thuốc lên tóc và gội sạch sau khi kết thúc. Duỗi tóc quá nhiều cũng gây tổn thương tóc.
|
Nguyên nhân do cơ địa dị ứng ở bệnh nhân hay các thuốc nhuộm tóc không bảo đảm chất lượng, tuy nhiên đối với những người có cơ địa dị ứng cho dù sử dụng thuốc tốt cũng có thể bị dị ứng, do đó cần thận trọng khi dùng thuốc.
Tốt nhất là nên hạn chế nhuộm tóc. Tuy nhiên, nếu thích nhuộm tóc, bạn nên kiểm tra da đầu bằng cách nhuộm một phần nhỏ bên trong khuỷu tay hay sau tai và để y nguyên như vậy trong vòng hai ngày. Nếu vùng da có thuốc nhuộm tóc nổi ban đỏ thì không nên dùng loại thuốc nhuộm đó.
Bạn nên làm kiểm tra lại mỗi khi muốn nhuộm tóc. Tuyệt đối không nên nhuộm lông mày hay mi mắt, nó có thể làm tổn thương mắt, có thể dẫn tới mù lòa. Không để thuốc nhuộm trên đầu lâu hơn thời gian khuyến cáo. Rửa sạch da đầu với nước sau khi nhuộm và không được trộn nhiều loại thuốc nhuộm tóc với nhau. Nếu kết hợp cả nhuộm và duỗi thì tóc dễ bị hư hại hơn, thông thường duỗi tóc trước và sau đó nhuộm bằng sản phẩm nhuộm không vĩnh viễn sẽ giảm tổn thương tóc hơn các sản phẩm vĩnh viễn.
Tóc hư do uốn
Rụng tóc do hóa chất trong làm tóc rất thường gặp, cho dù là tóc khỏe cũng có thể bị do các hóa chất mạnh. Một số người nhận thấy mình rụng tóc 2-3 tháng sau khi làm tóc. Một trong những cách dễ gây rụng tóc nhất là uốn tóc. Để kiểm tra tóc có khỏe hay không, trước khi uốn tóc nên nhổ một vài cọng cho vào tô nước, nếu nổi lên chứng tỏ tóc bạn còn khỏe, nếu không thì có nghĩa là tóc bạn mất độ ẩm và đã bị hư hại.
Quá trình uốn tóc làm bẽ gãy cầu nối tự nhiên của tóc và tái cấu trúc tạo hình dạng mới cho tóc, do đó làm tổn hại nhiều cho tóc, ngoài ra rụng tóc còn do hóa chất để trên tóc quá lâu hay sử dụng quá nhiều thuốc. Do vậy, cần đến tiệm uốn tóc có nhiều kinh nghiệm và chuyên nghiệp.
Những người uốn tóc cũng thường dùng máy sấy tóc nên làm hư hại tóc, tóc khô, giòn, dễ gãy. Sau khi gội nên để tóc tự nhiên ngoài không khí đến hơi khô rồi sấy tóc, dùng mức nhẹ-trung bình, giữ máy sấy cách tóc 15 cm-20 cm.
Những sản phẩm chăm sóc tóc có chứa cồn và formaldehyde sẽ dễ làm khô tóc hơn.
Theo Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Văn Út / Người Lao Động
(Bệnh viện Nguyễn Tri Phương)
(Bệnh viện Nguyễn Tri Phương)
Bình luận (0)