Năm học này, một trường đã phát động đóng góp quỹ khuyến học trong học sinh. Cứ mỗi thứ hai đầu tháng, sau khi chào cờ, các em bỏ tiền vào thùng để giữa sân trường. Tháng đầu tiên, các em đóng góp thật nhiều, thầy hiệu trưởng hớn hở khen ngợi lòng nhiệt tình của các em, khen ngợi các giáo viên chủ nhiệm đã làm tốt công tác chủ nhiệm. Thế nhưng đến tháng thứ hai, thứ ba, thứ tư… thì số tiền đóng góp của các em càng ít dần. Thầy hiệu trưởng buồn, trước sân trường, thầy “làm công tác tư tưởng” học sinh. Sau đó, thầy họp tất cả giáo viên chủ nhiệm để xin ý kiến, tìm nguyên nhân. Lúc này, thầy mới vỡ ra nhiều điều. Các giáo viên chủ nhiệm đã có cơ hội nêu những ý kiến phản ảnh từ học sinh mình.
Thu tiền xong, trong thứ hai tuần kế tiếp, thầy hiệu trưởng phát cho các học sinh nghèo mỗi em một trăm ngàn đồng để mua đồ dùng học tập. Có học sinh nhận xong, không đem về cho cha mẹ mà xuống căng tin mua quà bánh ăn, có em còn bao cả bạn. Có học sinh thì mua đồ chơi vào khoe bạn. Chính vì lẽ đó mà các em thấy rằng tiền mình đóng góp không có ý nghĩa gì hết, giống như là mình tiết kiệm tiền ăn sáng, tiền quà để cho bạn tiền xài.
Nhiều giáo viên còn nêu ý kiến là bắt các em đóng góp quá nhiều khoản trong tháng: đóng tiền ủng hộ đồng bào bị lũ lụt; đóng tiền “Nụ cười hồng”; đóng tiền “Kế hoạch nhỏ”(Kế hoạch nhỏ hiện nay đã quy thành tiền và bắt mỗi học sinh phải nộp tiền theo quy định). Riêng tháng gần Tết vừa qua, mỗi lớp còn nhận một con heo đất để đóng góp cho phong trào “Nuôi heo đất giúp bạn vui xuân”… nên dẫn đến việc các em không đủ tiền hoặc có nhưng không muốn đóng góp vì thấy “sao cứ bắt tụi em đóng đủ thứ tiền”.
Việc phát động các phong trào ủng hộ, đóng góp trong học sinh ở nhà trường đều là những việc có ý nghĩa giáo dục, thế nhưng nếu thực hiện không khéo và quá nhiều sẽ phản tác dụng do bản thân các em (cả phụ huynh nữa) nghĩ rằng nhà trường thu tiền các em bằng mọi cách. Vì vậy, nhà trường cần cân nhắc khi phát động các phong trào có sự đóng góp tiền từ học sinh.
Lê Phương
Bình luận (0)