Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Lạm dụng đề tài đồng tính trong nghệ thuật

Tạp Chí Giáo Dục

Bài 2: Đồng tính lên sân khấu kịch…

Cảnh trong vở Trai mới lớn

Thời gian gần đây, sân khấu kịch thành phố xuất hiện khá nhiều vở kịch khai thác đề tài đồng tính. Bên cạnh một vài vở kịch mang thông điệp giáo dục, đi tìm sự thông cảm, chia sẻ nơi khán giả, còn lại hầu hết các vở khác đều khai thác đề tài này như một chiêu thức nhằm tạo sự tò mò của khán giả hòng để bán vé…
“Hút”khán giả bằng đề tài nhạy cảm

Có thể nói, đề tài đồng tính là một đề tài khá nhạy cảm nhưng luôn tạo được sự chú ý của khán giả, nhất là những khán giả trẻ. Nắm bắt được điều này, các sân khấu kịch đã đua nhau đưa đề tài này lên sàn diễn, mỗi nơi khai thác theo một khía cạnh khác nhau. Cách đây không lâu, vở Tiếng chim vườn Ngọc Lan của đạo diễn Minh Nguyệt công diễn trên sân khấu IDECAF đã gây nên một hiện tượng sốt vé. Vở nói về một nhân vật đồng tính tên Đạo Kinh do NSƯT Thành Lộc thủ diễn. Đạo Kinh yêu người đồng giới nhưng không dám thổ lộ, anh phải gánh chịu một nỗi đau trong tâm hồn mà không thể chia sẻ với ai, dẫn đến sự trầm cảm. Lúc đầu, đạo diễn Minh Nguyệt dự kiến cho nhân vật này kết thúc bi kịch của mình bằng một liều thuốc độc hoặc thức tỉnh để trở lại làm một người đàn ông đích thực. Tuy nhiên, cả hai kết thúc này không thuyết phục cũng như không thể tìm sự chia sẻ sâu sắc nơi khán giả. Cuối cùng đạo diễn đã đưa ra một kết thúc lửng, khán giả có thể hiểu được nhân vật đồng tính này sẽ chấp nhận số phận “không bình thường” của mình nhưng sẽ không làm hại ai mà sống làm một người tốt, có ích cho đời.
Gần đây, sân khấu kịch Sài Gòn đã “làm mưa làm gió” với vở kịch đề tài đồng tính Phận làm trai của tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn Trần Ngọc Giàu. Khải (Hữu Nghĩa) là giám đốc công ty vàng bạc đá quý, hiền lành, chăm chỉ. Sau 20 năm sống với vợ là luật sư Thanh (Phương Dung) có một mặt con nhưng trong lòng anh lúc nào cũng bị giằng xé bởi một tình cảm khao khát với người đồng giới. Cho đến một ngày, Khải bị vợ bắt quả tang khi đang quan hệ với một chàng trai tên Chương (Tiết Cương) tại ngôi nhà của mình. Rất đau khổ và kinh tởm, nhưng vì quá yêu chồng, Thanh quyết định tìm mọi cách kéo chồng ra khỏi vũng bùn lầy này. Thanh đã giúp chồng vạch bộ mặt thật của Chương, hắn chỉ là một tên làm tiền không hơn không kém chứ không hề yêu Khải thật lòng như anh đã tưởng. Trước sự thật phũ phàng này, không kiềm chế được bản thân, Khải đã tìm đến vũ trường dùng dao đâm Chương để trả thù… Chương không chết nhưng anh ta phải trả giá cho việc làm của mình khi quan hệ bừa bãi với những người phụ nữ và cả những người đồng giới để đổi lấy đồng tiền mặc dù bản thân đang mắc phải căn bệnh AIDS. Nội dung của vở thuyết phục được người xem, nhưng sự cường điệu quá mức của các diễn viên tham gia đã “phá hỏng” thông điệp chính của vở. Lần đầu tiên trên sân khấu, hai người con trai hôn nhau một cách thắm thiết làm người xem rờn rợn… Cũng trên sân khấu kịch Sài Gòn, nhân vật đồng tính Hùng trong vở Trinh nữ của đạo diễn Ngọc Tưởng do nghệ sĩ Tấn Hoàng thủ diễn khiến khán giả khó chịu nhiều hơn là sự thông cảm. Bởi sự giễu cợt, quăng bắt của nhân vật này với các bạn diễn vô tình đã làm xúc phạm đến những người của thế giới đồng tính. Đạo diễn Trần Ngọc Giàu cho biết: “Khi nhận lời dàn dựng vở kịch đề tài đồng tính, tôi rất băn khoăn vì nếu làm không khéo sẽ khiến những “người trong cuộc” bị tổn thương. Cách làm của chúng tôi luôn có chừng mực, nhưng các diễn viên khi ra sân khấu không kiềm chế được mình nên đôi khi diễn quá lố, làm mất đi nội dung sâu sắc của vở…”.
Mới đây nhất, vở Trai mới lớn của đạo diễn Vương Đình Hải trên sân khấu kịch Phú Nhuận được khán giả đón nhận nồng nhiệt, đơn giản vì đây cũng là vở có đề tài về đồng tính với khá nhiều “cảnh nóng”. Vở kịch đề cập đến một vấn đề xảy ra khá nhiều trong xã hội hiện nay. Đôi khi môi trường giáo dục không phù hợp khiến người trẻ ngộ nhận và phát triển lệch lạc về giới tính. Nếu không phát hiện, có sự điều chỉnh và quan tâm giúp đỡ kịp thời, rất có thể đẩy sự ngộ nhận thành bi kịch thực sự trong cuộc sống. Giống như trường hợp của Tân (Gia Bảo), cậu con trai 18 tuổi, gia đình giàu có, mẹ mất sớm, ba Tân (Đức Hải) bận rộn với nhiều công việc, hiếm khi có dịp gần gũi với con, song mỗi lần gặp gỡ là mỗi lần quát mắng. Ngược lại, cô ruột của Tân (Vân Anh) lại chăm sóc Tân thái quá, không khác gì nuôi dạy một đứa cháu gái. Sự cô đơn trong chính ngôi nhà của mình khiến cho Tân trở nên ủy mỵ, yếu đuối và đặt trọn tình yêu của mình vào Vinh ( Ngọc Thuận) – chàng sinh viên ở trọ trong nhà Tân. Rất may, Vinh và những người bạn của Tân đã sớm giúp cậu trở lại với giới tính đích thực của mình. Vở kịch có nhiều tình huống bất ngờ, đồng thời cũng khiến cho không ít phụ huynh phải giật mình khi nhìn lại cách nuôi dạy con cái của mình?
Sẽ còn tiếp tục
Đề tài đồng tính vẫn còn đang tiếp tục nóng lên trên các sàn diễn. Sân khấu nhỏ 5B đang chuẩn bị tái dựng một vở về đề tài này với tên gọi Những con thú thủy tinh do Đoàn Khoa đạo diễn. Đoàn Khoa cho biết: “Trong khi xã hội đang có những cái nhìn tích cực về người đồng tính thì vở kịch của tôi sẽ giúp khán giả hiểu và thông cảm hơn với thế giới của những người này”. Đạo diễn Thanh Điền vừa dàn dựng cho HTV vở kịch Tôi không yêu đàn bà cũng nói về những mối tình trai. Vở dự kiến sẽ phát sóng trong dịp Tết 2009. Hiện, đạo diễn Đức Thịnh cũng đang “chạy nước rút” cho vở Hoa cúc dại (dự định sẽ đổi tên Tôi là gay) do chính anh viết kịch bản xoay quanh thế giới những người đồng tính trong lãnh vực điện ảnh. Đức Thịnh cho biết sẽ rất thận trọng khi xử lý những tình huống nhân vật với đề tài “tế nhị” này. Không lên án cũng như không nhìn nhận họ như những con bệnh cần loại trừ bởi giới tính và bản chất của một con người tốt là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, cho dù hấp dẫn khán giả nhưng thật sự đề tài đồng tính không phải là một đề tài mới.
Kỳ 3: Đồng tính trên phim Việt

SONG MINH

Các sân khấu cứ đua nhau lạm dụng đề tài đồng tính không sớm thì muộn khán giả cũng sẽ bội thực. Đó là chưa nói đến sự “tiếp tay” cho giới đồng tính ngày càng phát triển nhiều hơn trong xã hội thì quả là nguy…

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)