Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lạm dụng phụ gia xăng dầu làm tăng nguy cơ cháy xe

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều qua 12.11, nhóm nghiên cứu đề tài khoa học công nghệ (KHCN) độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu xác định nguyên nhân và các giải pháp kỹ thuật phòng chống cháy, nổ đối với ô tô và xe máy” (thực hiện từ tháng 6.2012 đến 11.2013), đã đưa ra đánh giá bước đầu về nguyên nhân cháy, nổ đối với ô tô, xe máy.
Lạm dụng phụ gia
Kết hợp các số liệu khảo sát, phân tích với các thông tin thu thập được, nhóm nghiên cứu nhận thấy hiện nay có một số cơ sở pha chế nhiên liệu mà ở đó xăng có chất lượng thấp (xăng A83, naphtha condensat) được pha chế gian lận thành xăng A92, A95. Phụ gia tăng RON đối với xăng đã bị lạm dụng trong quá trình pha chế nhiên liệu. Diesel 0,05S (500 ppm) được pha trộn với diesel 0,25 S (2.500 ppm) hoặc phân đoạn diesel từ quá trình tái chế dầu thải, dầu nhờn, cặn dầu.
 
Phụ gia trong nhiên liệu được xem là làm tăng nguy cơ cháy xe – Ảnh: Đỗ Trường
PGS-TS Vũ Thị Thu Hà (Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc hóa dầu, Bộ Công thương) phân tích: “Việc lạm dụng phụ gia dẫn đến trong nhiên liệu thu được hoặc có thành phần phụ gia vượt tiêu chuẩn hoặc có các thành phần khác với các thành phần phụ gia thông dụng dễ làm nhiên liệu biến chất; khiến các vật liệu polymer dùng làm các chi tiết tiếp xúc với nhiên liệu bị trương nở hoặc bị phá hủy; tạo nên các hợp chất trung gian không có lợi, chẳng hạn các màng polymer làm tắc bơm xăng, vòi phun; các oxit kim loại làm hỏng bugi, bộ chuyển đổi xúc tác, sensor oxy; các hợp cất FeS tự bắt cháy trong không khí đồng thời có khả năng ăn mòn cao làm tăng nguy cơ cháy xe”.
Nhóm nghiên cứu cũng khẳng định, việc cho các phụ gia tiết kiệm không có hiệu quả như quảng cáo. “Theo kết quả phân tích khi cho viên phụ vào xăng, dầu sự thay đổi về công suất và suất tiêu hao nhiên liệu lớn nhất là 3%, hoàn toàn không như ghi trên bao bì tiết kiệm 10% nhiên liệu. Việc sử dụng phụ gia tiết kiệm chứa hợp chất sắt hoặc mangan một cách tùy tiện có thể làm tăng lượng sắt, mangan trong nhiêu liệu. Đây cũng chính là nguyên nhân làm tăng nguy cơ cháy xe”, bà Hà cho biết.
Tập trung nghiên cứu về ảnh hưởng của phụ gia nhiên liệu
Từ kết quả trên, thay mặt nhóm nghiên cứu, PGS-TS Vũ Thị Thu Hà kiến nghị xóa bỏ xăng A83, đồng thời, nên xem xét đầu tư để chế biến condensat, bằng con đường hóa học, thành các cấu tử có RON cao, không nên cho phép sử dụng naphtha condensat như là thành phần trực tiếp để pha xăng.
Để chống việc lạm dụng phụ gia tăng RON để pha chế gian lận, nhóm nghiên cứu kiến nghị kiểm soát chặt chẽ chất lượng nhiên liệu; đồng thời kiểm soát nghiêm nhặt quá trình chế biến dầu nhờn thải, dầu biến thế thải, cặn dầu thành phân đoạn DO để pha chế thành nhiên liệu. Các loại chất thải này cần được quản lý tập trung và được xử lý hoặc chế biến theo quy trình quản lý nghiêm ngặt để thu được sản phẩm là dầu DO đạt tiêu chuẩn thương phẩm chứ không phải là phân đoạn DO. Bà Hà khuyến cáo không nên sử dụng phụ gia tiết kiệm nhiên liệu, mua xăng dầu ở những cơ sở uy tín.
Ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, chủ nhiệm đề tài cho hay, nhóm nghiên cứu tiếp tục thử nghiệm để xác định toàn diện, đầy đủ căn cứ khoa học về nguyên nhân gây cháy, nổ ô tô và xe máy. Trong đó tập trung nghiên cứu về ảnh hưởng của phụ gia nhiên liệu và nhiên liệu đến các vật liệu làm chi tiết tiếp xúc với nhiên liệu trong phương tiện giao thông, đánh giá khả năng gây cháy từ các bộ phận trong phương tiện…
Theo TNO

 

Bình luận (0)