Để dạy con hiệu quả, phụ huynh cần dựa vào những gì trẻ đang có. Ảnh: N.Trinh |
Tâm lý chung của nhiều phụ huynh trong cách dạy con cái là hay so sánh, đối chiếu với bạn bè cùng lứa, con nhà hàng xóm hay họ hàng, kể cả với những thần tượng của con do mong muốn con mình nhận ra cái hay, cái tốt của người được so mà phấn đấu tiến bộ.
Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng việc so sánh, người lớn vô hình trung đã gây áp lực, làm cho con trẻ cảm thấy tự ti, ác cảm với mọi người, đặc biệt là làm nảy sinh tâm lý thù ghét vô cớ người được so sánh. Kết quả đạt được trong học tập cũng như trong cuộc sống không như mong muốn làm nhiều trẻ nhụt chí, cảm thấy sợ, thậm chí có biểu hiện hỗn xược, cãi lại hoặc ngại giao tiếp, muốn xa lánh cha mẹ.
Đừng đem con đối chiếu với người khác
Nhìn kết quả học tập “không đâu vào đâu” của Quế Anh (8 tuổi, Long Thành, Đồng Nai), chị Quế Hương – mẹ bé – mắng xối xả: “Xem con Hà My nhà hàng xóm kìa, vừa học vừa chăm em giúp mẹ, mà năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Con nhà mình thì chỉ ăn với học mà… không học được, sau này có nước đi bán vé số con ạ!”. Chị Quế Hương đâu có biết rằng, bé Hà My dù cùng tuổi với Quế Anh, nhưng nhanh nhẹn, khỏe mạnh, lại được cha mẹ sắp xếp một kế hoạch học tập rất khoa học. Hà My học tập và sinh hoạt rất thoải mái, trong khi đó Quế Anh vừa ốm yếu, vừa phải đi học cả ngày, vào giờ nghỉ thì bị mẹ bắt ép học các môn năng khiếu cho bằng anh bằng em, lúc nào mặt mày Quế Anh cũng ỉu xìu, rầu rĩ, không muốn nói chuyện với người khác.
Còn gia đình anh Hoàng Long (Biên Hòa, Đồng Nai) thì than phiền: “Từ khi có em bé, cháu Lành ngày càng lầm lì, ương ngạnh, khó bảo, luôn có thái độ thù hằn với em mình”. Trong khi đó cháu Lành bức xúc kể: “Ba mẹ chẳng tôn trọng cháu gì cả, cháu lớn rồi vậy mà lúc nào cũng so sánh cháu với em bé, rồi bảo cháu không ngoan bằng em. Khi nào nựng em bé mẹ cũng bảo: Sau này con lớn đừng hư hỏng như chị Hai con nhé!”.
Chị Quế Hương, anh Hoàng Long cũng như nhiều bậc phụ huynh khác có chung tâm sự: “Tưởng rằng so sánh với người giỏi hơn để con mình tự đối chiếu mà tiến bộ, không ngờ nó cố tình học tập sút kém, cãi lại để chống đối cha mẹ”. Các bậc phụ huynh vì quá cầu toàn, cộng thêm tâm lý của không ít người cho rằng: “Không có lý do gì để con mình phải thua bạn kém bè”, bạn bè con làm được cái gì thì con mình cũng phải làm được mới vừa lòng. So con cách này không khác gì chê trách con không đúng sự thật, đánh giá thấp năng lực thực của con; thậm chí khi đem so con với bản thân trong quá khứ, các bậc phụ huynh vô tình đã xúc phạm nhân cách con mình mà không nhận ra.
Cha mẹ hãy ghi nhận những gì trẻ có
Con người sinh ra không có ai hoàn hảo, toàn diện, cha mẹ đừng quá kỳ vọng ở con cái dẫn đến so sánh con với người này người kia. Hậu quả nhận được chỉ là gây áp lực làm cho trẻ luôn trong trạng thái ức chế, mệt mỏi. Thậm chí còn làm nảy sinh tâm lý ganh ghét, ác cảm, thù hằn với người được so sánh. Bé Quế Anh bộc bạch: “Ngày trước cháu rất thích chơi với bạn Hà My, nhưng từ ngày mẹ hay so sánh cháu với bạn rồi chê trách, quát mắng, bỗng dưng cháu thấy ghét Hà My, không muốn gần gũi bạn ấy nữa”.
Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có sự khác nhau về cơ địa, đặc điểm tâm sinh lý, khả năng nhận thức, khí chất, tính cách, năng lực, hoàn cảnh sống khác nhau, không ai giống ai. Một điều mà các bậc cha mẹ cần lưu ý là mỗi đứa trẻ đều có thế mạnh riêng, nếu biết quan tâm phát hiện được sở trường, tạo điều kiện cho trẻ thể nghiệm, phát triển, thế mới là dạy con đúng cách. Đừng bao giờ cố gồng mình lên để áp đặt, bắt ép con mình phải giỏi giang giống như người khác, bởi việc đó rất khó thành. Nếu có thành thì chỉ đáp ứng cái lợi trước mắt (con chỉ hành động đối phó để cha mẹ hả dạ với mọi người). Vả lại, khả năng và sức khỏe của con trẻ là có hạn, nên có so sánh, thúc ép thì các cháu cũng chỉ tiến triển ở một mức độ nhất định.
Hơn ai hết, cha mẹ là người hiểu con mình nhất, để dạy con hiệu quả nhất, cần phải xuất phát từ những gì trẻ đang có. Không phải ai muốn con mình như người được so sánh đều đạt ý nguyện, nên các bậc phụ huynh thay vì ca thán, trách mắng hãy chú ý đến những mong muốn sở trường của con, khi gặp thành công dù nhỏ cũng phải kịp thời khen ngợi, động viên giúp con tiến bộ.
Lê Phạm Phương Lan (Giảng viên tâm lý học)
Bình luận (0)