Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Lạm dụng thuốc chống buồn ngủ: Coi chừng, tai nạn tức thì

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tai nạn giao thông (TNGT) thời gian gần đây liên tục xuất hiện gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản. Nguyên nhân thì nhiều song có một thực trạng đáng báo động là việc giới lái xe, đặc biệt là những “tài công” đường trường do chịu áp lực về thời gian vận chuyển buộc họ phải sử dụng những loại thuốc kích thích trong đó có những loại thuốc chống buồn ngủ (CBN). Việc lạm dụng thuốc CBN ảnh hướng lớn tới sức khỏe của tài xế và những vụ TNGT từ những giấc ngủ sau tay lái tăng lên không ngừng.
 
Ép thời gian, buộc phải uống thuốc
Trò chuyện với cánh tài xế chuyên chạy xe “công” (container) mới thấy được áp lực về thời gian phải vận chuyển hàng tới địa điểm quả thật khó tưởng tượng nổi. Tài xế Vũ Quân Anh với 10 năm chạy xe công xuyên Việt cho biết: Thường mỗi chuyến hàng chuyển từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh nếu chạy đúng quy định, an toàn, tài xế được nghỉ ngơi đầy đủ (ngày chạy, đêm nghỉ – pv) thì ít nhất cũng phải mất 5 ngày (120 tiếng) mới đến điểm giao và nhận hàng. Tuy nhiên, thực tế hầu hết các chủ hàng chỉ cho phép tài xế chạy tối đa là từ 48 – 50 tiếng xe phải đến điểm tập kết.
 

 Một vụ tai nạn do xe container gây ra.

Đặc biệt với những chuyến hàng chạy ra bến cảng như các xe chở hàng từ phía Bắc chuyển hàng ra cảng Hải Phòng, chủ hàng cũng áp thời gian chạy cho các “tài công” khoảng 5 tiếng trên quãng đường gần 300km. Do vậy, buộc các “tài công” phải chạy liên tục, chạy xuyên đêm là chuyện bình thường. Cũng theo giới “tài công” thì ngoài việc đảm bảo chạy an toàn trên một chặng đường dài, bị áp lực thời gian, nỗi lo bị phạt do vi phạm giao thông… thì áp lực bị chủ hàng phạt do trễ thời gian cũng khiến các “tài công” phải sử dụng các loại thuốc CBN. Phần lớn anh em trong giới tài dùng các loại thuốc CBN là do truyền miệng chứ không có chỉ định hướng dẫn.

Cảnh báo: Tỉnh như… ngủ
Theo lời một chuyên gia trong lĩnh vực dược lý Trường đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh thì: Một số loại thuốc có thể trực tiếp tác động trên các chất dẫn truyền thần kinh đặc hiệu, kết quả là chúng có thể kích thích gây ngủ hoặc gây mất ngủ hoặc tác động gián tiếp gây rối loạn giấc ngủ. Rất nhiều các chất dẫn truyền thần kinh được biết có liên quan tới việc thúc đẩy tình trạng thức tỉnh như: acetylcholin, serotonin, noradrenalin, histamin… Một số loại thuốc có thể gây giảm cảm giác buồn ngủ và tăng sự thức tỉnh thông qua việc kích thích các dẫn truyền thần kinh này. Riêng modafinil là loại thuốc có tác dụng làm “tắt” nhu cầu ngủ của người sử dụng và cho phép họ tỉnh táo trong vài tiếng. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng, loại thuốc này rất dễ bị lạm dụng. Người lạm dụng thuốc này rất dễ rơi vào trạng thái ngủ ngay trong lúc tỉnh – vị chuyên gia này cảnh báo thêm.
 

 Một vụ TNGT do “tài công” ngủ gật, mất lái.
 
Ngày 26/12, PV đã trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng, Trưởng khoa Dược học, Trường đại học Y Hải Phòng về vấn đề này được biết: Với các loại thuốc CBN bao gồm modafinil và armodafinil, kể cả nhóm methylphenidate, dextroamphetamin, có tác dụng chống buồn ngủ và tăng tỉnh táo. Do vậy, khi lái xe đường dài sử dụng với mục đích cắt cơn buồn ngủ chỉ có tác dụng trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, các loại thuốc này, nhất là nhóm liên quan đến amphetamin, nếu lạm dụng và dùng không đúng liều lượng sẽ gây bất lợi cho tim mạch. Nếu lái xe sử dụng thường xuyên sẽ dẫn tới rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, đôi khi khó kiểm soát được. Đặc biệt sau khi dùng kéo dài gây tình trạng lệ thuộc thuốc (hoặc nghiện) với nhóm có amphetamin, là sự lạm dụng thuốc hay gặp với nhóm methylphenidate, dextroamphetamin, TS. Hùng cảnh báo.    
Theo Văn Hậu
(suckhoedoisong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)