Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Lạm dụng thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau hạ sốt: Hậu quả khó lường

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Không nên lạm dụng các loại thuốc giảm đau hạ sốt
Paracetamol, Panadol, Efferalgan là những loại thuốc có tác dụng tốt trong việc hạ sốt, giảm đau. Nhưng cũng bởi tính năng vượt trội này mà không ít người đã dùng nó như một công cụ hữu hiệu nhất để làm giảm cơn đau và sốt trong người. Tuy nhiên, việc lạm dụng các loại thuốc này đã để lại nhiều hậu quả khó lường.
Nhiều lần đi khám bệnh được BS cho uống các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, chống nhức mỏi như Para-cetamol, Panadol, Efferalgan nên nhiều người đã “quen mặt” và khi nào cũng trữ vài vỉ trong tủ thuốc gia đình của mình phòng khi có sự cố xảy ra.
Lợi trước mắt
Do cơ thể nhạy cảm với thời tiết nên chị Phan Thu H. – giáo viên một trường THPT ở quận 9, TP.HCM thường bị nhức mỏi, đau đầu mỗi khi trái gió trở trời. Trước đây, đi khám ở Bệnh viện Quân đoàn 4, chị thường được BS kê đơn cho thuốc chủ yếu là các loại như Panadol, Parace-tamol cho một tuần lễ. Thấy mỗi lần đi khám bệnh quá đông người phải mất công chờ nên lần sau có triệu chứng nhức mỏi khi trời chuyển mưa là chị ra đầu đường tự mua thuốc về uống. Lâu ngày biết không thể thiếu được các loại thuốc này, có khi chị lên phòng y tế nhà trường xin sẵn một vỉ cất để dành. Gần 2 năm nay, các loại thuốc đó đã trở thành “người bạn đường” không thể thiếu trong việc tự điều trị bệnh của chị H.
Đó cũng là giải pháp mà anh Nguyễn Xuân L. nhà ở đường Trần Não, quận 2 tìm cách “tự cứu” mình khi bị cảm sốt. Không chỉ “tự phục vụ bản thân” anh L. còn tự làm “BS” chẩn đoán bệnh và kê toa cho hai cậu con trai trong nhà mỗi khi chúng bị ho và sốt cao. Efferalgan hay Panadol luôn là sự lựa chọn đầu tiên của “BS gia đình” gần 40 tuổi này. Anh L. nói: “Những căn bệnh không rõ nguyên nhân, không biết mua thuốc nào để tự điều trị tôi mới đành phải đi bệnh viện còn bệnh cảm sốt, ho sổ mũi thì cứ uống một bịch Efferalgan cho trẻ con hay một viên Panadol cho người lớn là khỏi hẳn”. Chị H. cũng đưa ra cái lý của mình: “Mỗi lần bệnh tật đi khám chờ đợi mất công lắm, chi bằng chạy ù ra ngoài tiệm mua vài viên uống cho xong, hơn nữa thuốc thang bây giờ chỗ nào cũng có sẵn không còn hiếm hoi như trước nữa”.
Theo báo cáo gần đây nhất của Trường ĐH Dược Hà Nội, số người lạm dụng thuốc hiện nay đã tăng gấp 5 lần so với trước đây. Rõ ràng đây là điều cần phải khuyến cáo và báo động. Trước hết về nguyên nhân chủ quan do nhiều người còn thiếu hiểu biết, đôi khi xem thường tính mạng của mình.
Nhưng hại về sau
Có thể ngay sau khi uống thuốc, cơn đau đã được kéo giảm nhưng có những tác dụng phụ sau đó mà nhiều người không thấy được. BS.TS Tạ Thị Phương Dung – Trưởng khoa Ngoại niệu (Bệnh viện Nhân dân 115) đã khẳng định, Paracetamol chính là thủ phạm số 1 của bệnh suy thận, nhất là những ai quá lạm dụng loại thuốc này.
Theo BS. Dung, nhiều bệnh nhân khi lớn tuổi bị suy thận, cả suy tủy đều có tiền sử là dùng quá nhiều thuốc Paracetamol. Bên cạnh đó các loại thuốc khác như Streptomycin nếu uống liều cao cũng dễ bị điếc và suy thận. Hậu quả khi dùng Paracetamol với liều cao mà thực tế đã chứng minh là nhiều trường hợp bị ngộ độc một cách oan uổng. Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã từng cấp cứu nhiều ca ngộ độc do uống thuốc Paracetamol quá liều. BS. Nguyễn Thị Mỹ Linh – Trưởng khoa Khám Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, so với các loại thuốc giảm đau hạ nhiệt khác, Paracetamol ít có tác dụng phụ hơn nhưng nếu dùng quá liều hay coi đó như loại thuốc giã rượu thì vô cùng nguy hiểm, có khi dẫn đến tử vong. Thế nhưng, theo BS. Linh, do tâm lý uống nhanh để chặn bệnh trước những cơn đau khó chịu mà nhiều người không dùng đúng liều lượng, thiếu sự chỉ định của BS nên nó trở thành con dao hai lưỡi. Điều nguy hiểm hơn là có nhiều ca ngộ độc rơi vào trẻ em do phụ huynh dùng nhiều loại thuốc có tên gọi khác nhau nhưng cùng một dòng thuốc Paracetamol mà không hay biết. BS. Linh cũng cảnh báo, vì thuốc Paracetamol hạ sốt khá an toàn lại được bán khắp nơi không cần toa của BS nên dễ bị nhiều người lạm dụng. Một số người lại dùng Paracetamol để giã rượu mà không biết nguy hiểm của nó đối với lá gan trong cơ thể.
Lời khuyên của BS. Linh là không dùng thuốc điều trị quá 5 ngày ở trẻ em và quá 10 ngày cho người lớn, nhất là những người mắc bệnh gan, suy dinh dưỡng, suy thận, cả người cao tuổi do chức năng gan bị yếu hơn. Đặc biệt là không được dùng quá liều khi chưa có chỉ định của BS và hãy bỏ ngay thói quen tự mua thuốc về nhà để uống.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh
Theo báo cáo của Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm trung tâm tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân ngộ độc do uống thuốc Paracetamol liều cao sau ngộ độc thuốc ngủ và thuốc an thần.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)