Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Làm gì để có thể bảo vệ bản quyền cổ phục phục chế?

Tạp Chí Giáo Dục

Các vụ việc nghi vấn “đạo, nhái” ý tưởng từ cổ phục phục chế mới đây mở ra vấn đề bảo vệ ý tưởng cho các sản phẩm này như thế nào.

Lùm xùm chuyện "đạo" ý tưởng 

Anh Vũ Đức – sáng lập nhóm Great Vietnam, đơn vị chuyên thực hiện cổ phục – cho biết mẫu phục sức của nhóm anh nghiên cứu, chế tác đã bị người khác ăn cắp ý tưởng để làm lại, có kênh còn đăng các video clip, lập lờ kiểu như họ chính là người nghiên cứu, chế tác.

Theo anh Vũ Đức, mẫu cổ phục này đã bị “đạo” ý tưởng

Theo anh Vũ Đức, mẫu cổ phục này đã bị “đạo” ý tưởng

Anh Vũ Đức cũng phát hiện một mẫu áo quan lại do Great Vietnam nghiên cứu, thực hiện nhưng bị lỗi sau đó được quảng bá trong một dự án, mang danh thương hiệu khác tại Huế. Hình ảnh của mẫu áo này cũng được đăng trên fanpage C.T.H.C. 

Chúng tôi đã liên hệ với chị H.M. – chủ của fanpage C.T.H.C. – để tìm hiểu về phản ánh của anh Vũ Đức. Chị H.M. yêu cầu chúng tôi gửi email để được phản hồi, không tiếp chuyện qua điện thoại. Khi chúng tôi gửi email rồi, chị thông báo chưa nhận được và đề nghị chúng tôi trực tiếp đến cửa hàng ở đường Huỳnh Tấn Phát (TP Huế) để trao đổi. Sau đó, chị lại tiếp tục yêu cầu chúng tôi liên hệ với người đại diện tên L. chứ chị không đưa ra bất kỳ phát ngôn nào. Anh L. thì cho biết nếu những người liên quan trực tiếp có ý kiến thì anh sẽ phản hồi, còn không sẽ không phát ngôn.

Đến sáng 5/8, tài khoản tên N.P. – người từng được anh Vũ Đức nhắc đến trong câu chuyện lùm xùm này – lên tiếng. N.P. cho biết chiếc áo đó do anh mua lại từ một người đăng bán thanh lý áo trên trang Việt Phục Hội ngày 26/6/2022 với yêu cầu không nêu tên người bán. Tháng 5/2023, anh nhượng áo cho đơn vị C.T.H.C. trên cơ sở không tiết lộ thông tin người chủ đã bán áo. Còn việc có vi phạm bản quyền, hợp đồng giữa bên bán áo cho anh và Great Vietnam hay không thì anh không biết.

Với chi tiết trên mẫu phục sức, anh cũng cho biết do người quen giới thiệu với một thợ chạm. Người thợ này gửi các mẫu đã sản xuất để hợp tác, yêu cầu không công khai thông tin. Sau đó, vì là chỗ quen biết, nên khi phát hiện sự việc, anh cũng đành cho qua.

Chiếc mũ do nhóm của Vũ Đức thực hiện bị ăn cắp ý tưởng khiến anh bức xúc

Chiếc mũ do nhóm của Vũ Đức thực hiện bị ăn cắp ý tưởng khiến anh bức xúc

Anh Nguyễn Đức Lộc – người sáng lập Ỷ Vân Hiên, một trong những đơn vị chuyên thực hiện cổ phục – cho biết, qua 5 năm hình thành, phát triển anh cũng đã trải qua những vấn đề tương tự. Nhiều mẫu, sản phẩm do đơn vị anh nghiên cứu nhưng sau đó lại xuất hiện tràn lan trên thị trường, dưới tên các thương hiệu khác.

Bảo vệ ý tưởng ra sao? 

Theo anh Vũ Đức, có 2 vấn đề với các sản phẩm cổ phục hiện tại. Những sản phẩm tái hiện/phỏng dựng là những sản phẩm không thể bảo hộ, bởi tác giả là người xưa, thuộc về của chung nền văn hóa. Với những sản phẩm thiết kế mới từ chất liệu xưa thì mặc nhiên có quyền tác giả và nếu có vấn đề thì hoàn toàn có thể có các hành động pháp lý. “Tuy vậy, với chỉ một vài món phục sức thì chúng tôi không đủ điều kiện về tài chính, thời gian, sức lực để khiếu kiện” – anh Vũ Đức chia sẻ.

Anh Nguyễn Đức Lộc nói, nhiều sản phẩm bị “đạo” ý tưởng bởi pháp luật hiện chưa có quy định bảo hộ các sản phẩm văn hóa này hữu hiệu. Theo anh, các sản phẩm về cổ phục thuộc dạng sản phẩm phái sinh từ sản phẩm văn hóa truyền thống. Có quan điểm cho rằng trang phục thuộc về lịch sử, là tài sản chung thì khi phục dựng, sao lại trở thành sở hữu bản quyền cá nhân? Thế nhưng thực tế, cùng một sản phẩm/tài liệu gốc về trang phục, các bên sẽ nghiên cứu, tạo ra sản phẩm phục dựng có khác biệt về kỹ thuật, cách thực hiện…

Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội – cho biết, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về khái niệm cổ phục, Việt phục cũng như quy định về việc phục chế cổ phục.

Không gian triển lãm cổ phục của Great VietNam tại Ngày hội văn hoá 2023, tổ chức tại Khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM vào tháng 4/2023

Không gian triển lãm cổ phục của Great VietNam tại Ngày hội văn hoá 2023, tổ chức tại Khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM vào tháng 4/2023

Việc đăng ký bản quyền hay đăng ký quyền tác giả là một thủ tục hành chính và không bắt buộc. Bởi quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay ch­ưa đăng ký (theo khoản 1, điều 6, Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi năm 2022). 

Bên cạnh đó (theo điểm g, khoản 1, điều 14, Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi năm 2022) tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là một trong các loại hình được bảo hộ quyền tác giả. Theo đó, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, trong đó bao gồm cả thiết kế thời trang (theo khoản 8 điều 6 Nghị định 17/2023/NĐ-CP).

Có thể thấy, thiết kế do các nhóm phục chế sáng tạo ra và thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định sẽ được tự động bảo hộ mà không cần làm thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, các chủ thể này vẫn nên đăng ký bản quyền để bảo vệ tối ưu quyền lợi, tránh những rủi ro không đáng có trong tương lai. Theo đó, các nhóm phục chế có thể đăng ký bản quyền đối với bản thiết kế do mình sáng tạo, với loại hình tác phẩm mỹ thuật ứng dụng theo quy định (điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ). 

Theo Trung Sơn/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)