Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Làm gì để có thể ngăn chặn vi phạm bản quyền trên môi trường số?

Tạp Chí Giáo Dục

Tình trạng vi phạm bản quyền diễn biến ngày càng phức tạp trên môi trường số. Nhiều biện pháp được đưa ra trước thực trạng này nhưng thực tế vẫn quá nhiều điểm khó.

Những con số báo động

Tại hội thảo “Khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng” tổ chức ở TPHCM hôm 26/10, ông Lê Hoàng Thạch – Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ WEWE, sách nói Voiz FM – cho biết, trong 4 năm hoạt động đã phải đương đầu với rất nhiều hành vi vi phạm như: USB sách nói (người vi phạm sao chép các sản phẩm trên mạng vào USB, sau đó bán), những kênh trên mạng xã hội, các nền tảng đăng lại để trục lợi, website sách nói “lậu” (ít phổ biến hơn nhưng gây khó vì không có cơ chế xử lý). Từ tháng 7/2020 – 10/2023, Voiz FM đã hỗ trợ các đối tác xử lý hơn 30.000 vụ vi phạm. Số lượng vi phạm lớn nhất trên nền tảng YouTube, các ứng dụng trên App Store, Google Play…

Những trang web phim “lậu” như thế này xuất hiện nhan nhản trên internet (ảnh chụp màn hình)

Những trang web phim “lậu” như thế này xuất hiện nhan nhản trên internet. Ảnh chụp màn hình

Ông Phạm Văn Anh – Trưởng phòng Pháp chế, Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và Dịch vụ SConnect Việt Nam, đơn vị sản xuất phim hoạt hình Wolfoo – cho biết: ngoài việc sao chép, cắt xén, đăng tải trái phép, có đơn vị lạm dụng việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Cụ thể, một doanh nghiệp nước ngoài – gọi tắt là Công ty CEO – đã tự ý yêu cầu YouTube dỡ bỏ hơn 3.000 video phim Wolfoo của SConnect mà không gửi kèm bất kỳ tài liệu, chứng cứ chứng minh nào ngoài đơn khởi kiện 91 video liên quan tại tòa án Anh. Sự việc nghiêm trọng đến mức đơn vị này phải nhờ cơ quan chức năng Việt Nam hỗ trợ.

Theo số liệu từ Media Partners Asia, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực về tỉ lệ vi phạm bản quyền, với 15,5 triệu người thường xuyên truy cập vào các website “lậu”. Có hơn 200 website phim “lậu” thu hút khoảng 120 triệu lượt xem/tháng. Từ tháng 8/2022 – 8/2023, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã phối hợp với Cục An toàn thông tin và các chủ thể quyền ngăn chặn gần 1.000 website bóng đá “lậu”.

Ở mảng trò chơi điện tử, đại diện một đơn vị nêu trường hợp hy hữu là phía đơn vị vi phạm bản quyền đã tìm đến trực tiếp để thương thảo, xin kéo dài thời gian, giúp công ty họ thu hồi vốn, vì đã đầu tư quá nhiều.

Trước đó, theo thông tin tại tọa đàm “Giải bài toán bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp âm nhạc – điện ảnh – truyền hình số” tổ chức vào tháng 9/2023, Việt Nam có đến 80% vi phạm bản quyền diễn ra trên nền tảng số, gây thiệt hại 348 triệu USD năm 2022 (tương đương 7.000 tỉ đồng).

Bài toán chưa có lời giải

Việt Nam đang là thành viên của các hiệp ước quốc tế về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan như: Berne (2004), Geneva (2005), Brussels (2006), Rome (2007), TRIPs (2007), WCT (2022), WPPT (2022), Marrakesh (2023). Trong nước, Chính phủ cũng ban hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022; Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, để đáp ứng sự thay đổi của thực tế.

Hình ảnh trong chuỗi phim hoạt hình Wolfoo của SConnect bị CEO báo cáo lên YouTube, yêu cầu xóa 3.000 video một cách thiếu cơ sở - Nguồn ảnh: SConnect

Hình ảnh trong chuỗi phim hoạt hình Wolfoo của SConnect bị CEO báo cáo lên YouTube, yêu cầu xóa 3.000 video một cách thiếu cơ sở. Nguồn ảnh: SConnect

Thạc sĩ, luật sư Võ Trung Tín – Văn phòng Luật sư Phan Law – nhận định: những quy định mới trong luật có nhiều điểm tiến bộ như quy định chính thức về đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian, giả định quyền (giúp chủ thể quyền không phải chứng minh khó khăn như trước)… Những quy định này tiệm cận, hỗ trợ tốt hơn trong việc bảo vệ bản quyền.

Bà Phạm Thị Kim Oanh – Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả – cho biết: sự thay đổi, phát triển kinh tế – xã hội, sự tiến bộ về công nghệ, kỹ thuật và việc thực thi cam kết nghĩa vụ tại các hiệp định đặt ra yêu cầu tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tăng cường thực thi pháp luật về bản quyền.

Tuy nhiên, việc thi hành luật cũng còn không ít khó khăn. Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho rằng: rất khó để kiểm soát được số lượng người truy cập, trong trường hợp tác phẩm được sao chép trái phép từ một trang web, sau đó được các cá nhân khác tiếp tục chia sẻ lên mạng xã hội hay các website khác. Một số khó khăn khác như: cơ sở để đánh giá mức giảm sút thu nhập đối với chủ sở hữu tác phẩm; xác định chủ thể vi phạm trên môi trường internet rộng lớn; xác định hậu quả của hành vi xâm phạm, tìm ra cách thức phù hợp để ngăn chặn hành vi xâm phạm.

Theo VCPMC, pháp luật đã cập nhật, quy định bổ sung phù hợp với thực tế, nhưng mới dừng ở việc quy định. Các biện pháp chế tài với các đối tượng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng vẫn chưa đủ mạnh, chưa đủ tính răn đe…
Việc hoàn thiện hành lang pháp lý là yêu cầu bức thiết bên cạnh việc bổ sung các chế tài cụ thể đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian; quy định về trách nhiệm liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại…

Đáng ngại hơn là nhận thức về bản quyền còn chưa đầy đủ, chính xác. Tác giả, chủ sở hữu quyền chưa nắm vững các quy định pháp luật để chủ động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Trong khi đó, tình trạng xâm phạm bản quyền trên môi trường kỹ thuật số diễn ra ngày càng phức tạp. Các nền tảng, mạng xã hội cũng có những công cụ hỗ trợ kiểm tra, rà soát nhưng không triệt để. Vì thế, tình trạng vi phạm cứ diễn ra liên tục, ngày càng tăng.

Ứng dụng công nghệ số cũng là bước đi quan trọng, nhiều ưu điểm, có thể góp phần ngăn chặn các hành vi này hiệu quả hơn. Tuy nhiên việc tiếp cận, đầu tư chưa được như mong muốn. VCPMC cho biết, có nhiều khó khăn như: chi phí lớn, đảm bảo các vấn đề về an ninh mạng, quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập tới nội dung thông tin số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian còn nhiều bất cập…

Đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ quan quản lý nhà nước cũng là điều cần thiết, nhằm đảm bảo điều kiện tiếp nhận, xử lý các tài liệu, bằng chứng dữ liệu điện tử; kết hợp các công nghệ, phần mềm để đẩy nhanh quá trình giải quyết hồ sơ chính xác, kịp thời. 

Theo Trung Sơn/PNO

Bình luận (0)