Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Làm gì để du lịch biển đảo Việt Nam phát triển?

Tạp Chí Giáo Dục

Với ưu thế gần bờ, đẹp, hệ sinh thái phong phú… nhưng du lịch biển đảo Việt Nam chưa thu hút được khách du lịch quốc tế.
Chưa ai biết khai thác

Đây là nhận xét của ông Hà Văn Siêu – Viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch), tại buổi tọa đàm về du lịch biển đảo Việt Nam với chủ đề “Khai thác và bảo tồn”, vừa được tổ chức vào cuối tuần qua tại TPHCM. Tham dự buổi tọa đàm có đại diện Tổng cục Du lịch, các Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch, các công ty tổ chức du lịch biển đảo trên cả nước.

Biển Mỹ Khê, Đà Nẵng lúc nào cũng đông khách
Mặc dù chiếm những ưu thế như vậy nhưng theo ông Siêu, hiện chúng ta chỉ biết khai thác những ưu thế, chưa thu hút được khách quốc tế vào du lịch biển Việt Nam. Điều đó thể hiện ở tỷ lệ khách cao cấp còn thấp (chủ yếu là khách du lịch nội địa có mức chi tiêu thấp). Được biết, gần đây tỷ lệ khách du lịch Nga đến các vùng biển Việt Nam như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hội An… có tăng nhưng chỉ là lượng khách “quá cảnh” sau khi thăm các vùng biển của Indonesia, Thái Lan… Chúng ta thiếu lượng khách du lịch bằng đường biển vì chưa có nhiều doanh nghiệp tổ chức loại hình này, thiếu những cảng biển du lịch, dịch vụ du lịch biển.
Hiện nay, việc thiết kế và chào bán sản phẩm du lịch biển đảo Việt Nam chỉ có vài công ty du lịch lớn thực hiện, các doanh nghiệp nhỏ lại không đủ sức. Các địa phương có biển muốn phát triển du lịch biển thành ngành kinh tế mũi nhọn nhưng lại thiếu nhân lực, kinh phí và trên hết là chưa biết cách thức tổ chức. Vì thiếu nhiều yếu tố quan trọng nên sản phẩm du lịch biển còn quá đơn điệu. Các công ty du lịch chỉ khai thác những giá trị thu hồi vốn nhanh như: xây dựng khu nghỉ dưỡng mà thiếu những đầu tư mang tính lâu dài như cảnh quan, giá trị sinh học của vùng biển và ven bờ, văn hóa Việt Nam tại các vùng biển…
Thiếu bãi biễn để khai thác chung
Ông Lê Ngọc Tú, khu du lịch Hồ Tràm (Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu), bức xúc: “Việt Nam thiếu những bãi biển công cộng để khai thác chung”. Nhiều địa phương khai thác biển theo hình thức: cấp đất, chia lô để các doanh nghiệp xây dựng resort. Đất của ai thì tự rào chắn, không còn đường xuống biển.
Chính việc khai thác du lịch biển manh mún, sản phẩm du lịch đơn điệu, không có chiến lược quảng bá, tiếp thị… nên du lịch biển đảo của ta hiện khá đơn điệu, khó thu hút, tiếp cận với khách du lịch quốc tế. Theo bà Thu Hiền – Công ty du lịch Hoàn Mỹ, để thu hút khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài, cần thực hiện ba tiêu chí: ấm, yên tĩnh và an toàn. Bà cho rằng: “Tùy theo chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp mà cần xác định đối tượng khách. Nên tập trung khai thác khách du lịch chịu chi. Nhưng với nhóm khách này, họ đòi hỏi biển Việt Nam phải sạch, thân thiện môi trường… Cũng cần nói thêm, ngành du lịch Việt Nam chưa thu hút được khách nước ngoài vì thiếu những quảng cáo mang tầm thế giới”. Cùng suy nghĩ này, ông Hoàng Văn Quý – Công ty Việt Nam Tourist – cũng thừa nhận các doanh nghiệp Việt Nam chưa chịu quảng cáo, kể cả quảng cáo trên mạng. Ông nhận xét: “Du lịch Việt Nam hiện nay chỉ đầu tư ngắn hạn, chưa có tầm nhìn cho tương lai. Nhiều du khách nước ngoài không muốn đến những bãi biển có khu nghỉ dưỡng năm sao nhưng xen lẫn khu nhà dân”. Riêng ông Trần Thế Dũng – Phó giám đốc Công ty du lịch Thế hệ trẻ – bức xúc: “Hiện nay, nhiều vùng biển chưa thu hút khách du lịch vì chất lượng phục vụ của nhiều khách sạn quá kém. Có những nhà khách (ở đảo Cô Tô) đã hư máy bơm gần nửa tháng mà họ vẫn không sửa”. Bên cạnh đó, khó khăn của du lịch biển Việt Nam là “đông theo mùa”. Vào mùa đông, giá phòng ở Cát Bà (Hải Phòng) chỉ có 300 ngàn đồng/phòng/ngày nhưng mùa hè thì lại trên 1 triệu đồng/phòng/ngày. Vệ sinh môi trường biển cũng là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch phản ánh. Khách du lịch nước ngoài khen biển Việt Nam đẹp nhưng chê nhiều vùng biển chưa sạch. Phú Quốc là khu du lịch biển đảo lớn nhất Việt Nam nhưng hiện nay nhiều vùng biển bị ô nhiễm vì dự án thoát lũ biển Tây. Dù là khu du lịch biển đảo lớn nhất cả nước, Phú Quốc hiện vẫn thiếu cảng biển dành cho du lịch. Nhiều doanh nghiệp làm du lịch bức xúc vì hiện nay chưa có cảng biển du lịch theo đúng nghĩa. Không thể có cảnh khách du lịch cập bến cảng hàng hóa để khai thác du lịch bằng đường biển. Được biết, Viện nghiên cứu du lịch đang hoàn thiện đề án về du lịch biển Việt Nam, chuẩn bị trình Chính phủ.
Theo MINH THƯ
 

(CATP)

Bình luận (0)