Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Làm gì để giảm áp lực tâm lý về thi cử?

Tạp Chí Giáo Dục

Giờ ôn thi môn địa lý của lớp 12CB8 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6, TP.HCM. Ảnh: Trần Huy

Hiện nay, việc ổn định tâm lý như thế nào, và làm sao để đảm bảo sức khỏe trong mùa thi là vấn đề được các sĩ tử quan tâm hàng đầu. Th.S Nguyễn Quỳnh Dao, Trưởng bộ môn tâm lý Trường ĐH Sài Gòn cung cấp những thông tin bổ ích giúp các em HS giữ vững tâm thế trước khi “xông trận”.
PV: Theo cô, tâm lý có tác động như thế nào đến chuyện thi cử của HS?
Th.S Nguyễn Quỳnh Dao: Trước khi thực hiện một việc gì, sự chuẩn bị tâm lý có ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đến thành bại của mỗi người. Nếu tâm trạng bi quan chán nản, các em khó có thể vượt qua những trở ngại trong quá trình học tập cũng như thi cử. Nếu có tinh thần lạc quan, tự tin, thì khả năng thành công sẽ cao hơn nhiều. Điều quan trọng là các em phải có niềm tin vào bản thân. Bên cạnh đó, mỗi người cũng cần có sự chuẩn bị về mặt tâm lý để đón nhận thất bại (nếu có) và kiên trì phấn đấu vươn lên.
Tâm lý căng thẳng dễ làm cho sức khỏe giảm sút, gây ảnh hưởng đến việc học của các em, nhất là trong thời điểm mùa thi đã cận kề. Vậy làm thế nào để giúp các em HS ổn định tâm lý?
– Căng thẳng là một trạng thái tâm lý thường có ở các em HS, đặc biệt khi các em đối diện với những kỳ thi có tính chất quan trọng trong cuộc đời. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Một phần là do áp lực từ bản thân (do kỳ vọng vào bản thân), cha mẹ, thầy cô và bạn bè (kỳ vọng của cha mẹ và sợ quê với bạn bè). Mặt khác, lượng kiến thức ngày càng tăng và độ khó của các bài tập chuẩn bị cho các kỳ thi cũng tạo nên căng thẳng cho sĩ tử. Để giảm áp lực, các em cần có kế hoạch ôn tập điều độ, tránh tình trạng học dồn vào những ngày sắp thi. Nhà trường và gia đình nên động viên thay vì răn đe, ép buộc các em nhồi nhét kiến thức.
Gia đình và nhà trường có vai trò như thế nào trong việc tác động tâm lý cho các em HS trong giai đoạn nước rút này? Với tư cách là chuyên gia tâm lý, cô có thể cho các bậc phụ huynh, nhà trường một vài lời khuyên.

Học sinh lớp 12 đang giúp nhau ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010. Ảnh: Ngọc Anh

– Đối với nhà trường nênhỗ trợ các em thông qua nhiều hình thức: GV giúp HS xác định mục tiêu, đơn vị kiến thức cần đạt được trong mỗi tiết học, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các em. Hỗ trợ phụ huynh trong việc nhắc nhở các em học tập. Đồng thời GV cũng cần có kế hoạch cụ thể với từng nhóm HS khác nhau nhằm giúp các em đạt kết quả cao nhất trong chuỗi kỳ thi sắp tới. Ví dụ HS trung bình mục tiêu sẽ khác HS khá giỏi… Bên cạnh đó, cũng nên tạo ra những giây phút thư giãn cho các em giữa những tiết ôn tập căng thẳng. Đối với phụ huynh: Cho con em mình học tập và sinh hoạt đúng giờ giấc, ăn uống đầy đủ dưỡng chất. Kiểm tra, đôn đốc, động viên các em thực hiện kế hoạch ôn tập hợp lý. Tổ chức các hoạt động thư giãn trong gia đình để các em cùng tham gia như cùng nấu ăn, đi dạo công viên, xem một bộ phim hài… Đặc biệt không tạo áp lực theo kiểu: “Nếu con không đậu thì đừng nhìn mặt ba mẹ”. Nên tạo động lực bằng những viễn cảnh tươi đẹp.
Theo cô, các em HS nên sắp xếp lịch học như thế nào để giữ được sức khỏe trong giai đoạn này?
– Lập kế hoạch ôn tập thật cụ thể: Thiết lập các mục tiêu, đơn vị kiến thức cần nắm vững hay học thuộc trong từng khoảng thời gian nhất định. Càng cụ thể càng tốt, thời điểm hoàn thành càng gần càng tốt. Ví dụ, ngày hôm nay sẽ học thuộc chương mấy của môn lịch sử, ngày hôm sau sẽ là mục tiêu kế tiếp và phải ôn lại phần đã học của ngày hôm trước.
Nên ôn xen kẽ các môn học trong một ngày để tránh bị nhàm chán. Làm vậy, chúng ta có cảm giác mình đạt được nhiều mục tiêu trong khoảng thời gian hạn hẹp của một ngày, từ đó cảm thấy hứng thú với việc học.
Chọn thời điểm học tùy thuộc vào từng cá nhân: Sáng sớm hay tối là tùy thuộc vào đặc điểm riêng của từng bạn. Lưu ý: Nếu là buổi sáng sớm thì nên thức dậy ngay khi nghe chuông báo thức. Vệ sinh cá nhân rồi một bài tập thể dục. Tất cả những việc trên nhằm giúp các em nhanh chóng tỉnh ngủ và tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn.
Nếu học khuya thì nên kết thúc trước 11 giờ, tối đa là 12 giờ, vì thức khuya liên tục không tốt cho sức khỏe, nó làm chúng ta không còn đủ tỉnh táo để học vào ngày hôm sau. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến suy nhược cả về thể chất lẫn tinh thần, rất dễ bị stress và thiếu minh mẫn…
Cám ơn cô!
Nguyên Hải (thực hiện)

 

Bình luận (0)