Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Làm gì để giảm tai nạn giao thông từ xe khách?: Kỳ cuối: Nâng cao chất lượng đào tạo và cấp giấy phép lái xe

Tạp Chí Giáo Dục

Đưa các xe đời mới vào giảng dạy lái xe để nâng cao chất lượng đào tạo. Ảnh: I.T

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Mạnh Hùng, ngành GTVT đang cố gắng làm tốt hơn công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) và phối hợp với công tác tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm minh của lực lượng CSGT để cải thiện được tình hình trật tự ATGT.
Nhu cầu đào tạo lái xe ngày càng tăng
Những năm gần đây, Bộ GTVT đã tích cực chỉ đạo hướng dẫn đầu tư xây dựng các trung tâm sát hạch hiện đại theo hướng xã hội hóa phù hợp với quy hoạch và tiêu chuẩn ngành. Chỉ trong một thời gian ngắn, cả nước đã đầu tư xây dựng được 54 trung tâm sát hạch lái xe ô tô hiện đại, với 31 trung tâm loại 1 và 23 trung tâm loại 2 thuộc đầu tư của nhiều thành phần kinh tế, được phân bố hợp lý, đáp ứng thuận lợi nhu cầu của người dân, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, hạn chế đáng kể tiêu cực. Theo Cục Đường bộ Việt Nam thì thời gian gần đây nhu cầu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ tăng mạnh. Tổng số GPLX đã cấp trên cả nước hiện nay lên đến hơn 24,5 triệu GPLX mô tô và hơn 2,1 triệu GPLX ô tô. Trong đó, riêng từ ngày 1-1-2008 đến 30-9-2009, cả nước đã cấp thêm hơn 3,4 triệu GPLX mô tô và gần 500 ngàn GPLX ô tô.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển, do đó mà trong những năm tới số lượng phương tiện cơ giới đường bộ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhanh. Theo quy hoạch phát triển GTVT đường bộ VN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 cả nước sẽ có khoảng 2,8 đến 3 triệu xe ô tô. Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, Cục Đường bộ Việt Nam dự kiến đến năm 2020 cả nước có khoảng 6 triệu người có GPLX ô tô, cộng thêm nhu cầu phải bù đắp 4% số lượng người lái xe hết tuổi lao động, thì trong khoảng thời gian 11 năm này cần đào tạo, sát hạch, cấp GPLX ô tô cho khoảng 4,8 triệu người có nhu cầu, tức là mỗi năm trung bình cần đào tạo, sát hạch, cấp mới GPLX ô tô cho 430.000 người – trung bình lớn hơn 150% hiện nay.
Trong khi đó, cả nước hiện có 217 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, trong đó có 150 cơ sở công lập và 67 cơ sở của các thành phần kinh tế khác. Ngoài các cơ sở đào tạo lái xe ô tô hoặc vừa đào tạo lái xe ô tô vừa đào tạo lái xe mô tô này, cả nước còn có 409 cơ sở chuyên đào tạo lái xe mô tô và máy kéo (đến 1.000kg) được các sở GTVT cấp phép.
Phải kiểm soát chất lượng đào tạo
Bên cạnh công tác đào tạo, sát hạch cũng là khâu hết sức quan trọng. Bởi vì sát hạch nghiêm có tác động tích cực đến công tác đào tạo, hạn chế tiêu cực, giúp đảm bảo được chất lượng bằng lái xe. Hệ thống các câu hỏi lý thuyết và bài thi thực hành sát hạch được Bộ GTVT xây dựng và ban hành theo sát nội dung sát hạch của các nước tiên tiến trong khu vực. Bộ đề thi lý thuyết đã tăng thêm 105 câu so với đề cũ phủ kín các nội dung cần biết của người lái xe. Vấn đề này được Cục Đường bộ nhận định: Trong thời gian qua, đặc biệt với 2 năm thực hiện chủ trương của Bộ GTVT về việc nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, đã có sự tập trung nỗ lực rất lớn của các ban ngành liên quan. Nhờ đó, hệ thống văn bản quản lý được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu quản lý, phù hợp với thực tiễn. Cơ sở vật chất, cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, sát hạch viên cũng được tăng cường, từng bước chuẩn hóa. Năng lực đào tạo, sát hạch có tiến bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu xã hội. Việc thực hiện nội dung, chương trình đào tạo, công tác kiểm tra, cấp chứng chỉ có nề nếp hơn trước. Các kỳ sát hạch được công khai, minh bạch, đạt kết quả khách quan hơn. Quá trình quản lý đào tạo sát hạch, cấp GPLX đã gắn chặt với công tác phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính, thanh kiểm tra, tiếp thu và giải quyết kịp thời các bức xúc của xã hội.
Như Thủy

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay số lượng giáo viên dạy lái xe của cả nước hơn 12.000 người, trong đó có 9.430 giáo viên dạy thực hành và 3.298 giáo viên dạy lý thuyết. Với nhu cầu đào tạo ngày càng tăng mạnh, ngành GTVT đang thiếu giáo viên dạy lái xe, đặc biệt là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ngọc Mai
 

 

Bình luận (0)