Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Làm gì để giáo dục đại học vươn tới đẳng cấp quốc tế?

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo dục đại học đang cần một hướng đi, một cách để tiếp cận với tiêu chuẩn chất lượng quốc tế – đó là một đòi hỏi cấp thiết của xã hội. Nhưng lựa chọn một cách làm phù hợp đối với hoàn cảnh của Việt Nam là vấn đề đặt ra. Và một trong những giải pháp được coi là cách tiếp cận hợp lý để từng bước đưa GDĐH Việt Nam vươn tới đẳng cấp quốc tế là phải đi tắt đón đầu. Tức là lập trung đầu tư cho một bộ phận nhỏ tiếp cận nhanh với trình độ thế giới, lấy đó làm mô hình chuẩn và động lực để nâng dần chất lượng đại trà. Việc thành lập những trường đại học chất lượng quốc tế đang là một cách làm được cho là phù hợp trong giai đoạn này.
Trong năm 2008, bước đi đầu tiên trong lộ trình đưa GDĐH Việt Nam vươn tới đẳng cấp quốc tế là việc thành lập Đại học Đức – Việt (GVU). Là dự án cấp quốc gia được sự quan tâm đầu tư lớn của Chính phủ và ngành Giáo dục, Đại học Đức – Việt được đặt tại khu Đại học Quốc gia Tp.HCM. Các nguồn lực của trường được sử dụng theo cơ chế hợp tác, lấy chất lượng quốc tế trong đào tạo làm tiên chỉ. Điều hành các hoạt động của nhà trường sẽ là hiệu trưởng người nước ngoài, chương trình đào tạo cơ bản là của Đức, được quốc tế công nhận. Các GS Đức giữ vai trò chủ yếu trong việc điều hành và giảng dạy trong giai đoạn đầu tiên của trường. Khóa đầu tiên đã khai giảng vào năm học 2008-2009 với 35 SV ngành kỹ sư điện, việc học tập và giảng dạy trong trường song song vừa bằng tiếng Anh và tiếng Đức để sau 4 năm sinh viên có thể làm khoá luận tốt nghiệp bằng tiếng Đức. Đây là trường quốc tế độc lập, được xây dựng trên cơ sở hợp tác giữa chính phủ Cộng hòa liên bang Đức và Việt Nam. Đại học Quốc gia TPHCM là đối tác đại diện phía các trường đại học Việt Nam. Mục tiêu của trường sẽ đạt trình độ quốc tế trong vòng 15 năm tới.
Trong một nỗ lực khác của Chính phủ, đầu năm 2009 Trường Đại học Khoa học công nghệ Hà Nội cũng đã được thành lập trên cơ sở Viện Khoa học công nghệ Việt Nam. GS.VS Nguyễn Văn Hiệu nhà khoa học lớn – người rất tâm đắc với chủ trương này của Chính phủ, rất vui với chủ trương này vì chính ông đã kiến nghị việc tận dụng nguồn chất xám quý báu, hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại của Viện vào đào tạo đại học với Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân trong lần về làm việc với Viện (2007). Với tiềm lực hùng hậu các nhà khoa học gồm hơn 200 giáo sư – phó giáo sư, 700 tiến sĩ, hệ thống các phòng thí nghiemp quốc gia hiện đại đảm bảo cho việc học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học chất lượng cao, việc thành lập đại học trong viện sẽ tận dụng được những tinh hoa chất xám, hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại, kỳ vọng đào tạo được chất lượng quốc tế chắc chắn không phải là việc gì to tát. Trước mắt trường sẽ đào tạo cao học là chính, dần dần bổ sung đào tạo đại học. Đối tượng tuyển sinh sẽ là học sinh trường chuyên cả nước. Có thể nói, với nỗ lực xây dựng ngay 2 trường đại học theo chuẩn mực quốc tế đã khẳng định cố gắng rất lớn của Chính phủ trong việc góp phần thúc đẩy, cải cách, nâng tầm GDĐH Việt Nam.
Còn trước đó, Trường Đại học quốc tế Bắc Hà được Chính phủ cho phép đã được thành lập tại tỉnh Bắc Ninh vào năm 2007. Là một trường tư thục, được thành lập với mục tiêu lấy chất lượng và hiệu quả đào tạo làm mục tiêu hàng đầu, không vì mục đích lợi nhuận. Tiêu chí đào tạo của trường đề ra là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuẩn mực quốc tế và phấn đấu sau từ 10 đến 15 năm sẽ đạt đẳng cấp quốc tế. Để thực hiện mục tiêu đó, trường đã tập hợp đội ngũ các nhà khoa học nước ngoài, Việt kiều tham gia giảng dạy, đào tạo theo hình thức du học chuyển tiếp, du học tại chỗ đồng thời mở rộng các mối quan hệ hợp tác với nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là các nước Âu, Mỹ. Thời gian đầu, trường tuyển chọn sinh viên theo tiêu chuẩn chất lượng nước ngoài, lấy bằng của các đối tác nước ngoài và mở rộng hệ đào tạo trong nước để sau này trở thành loại hình đào tạo chủ yếu của trường. Giáo sư Hoàng Hữu Tuệ – hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường sẽ xây dựng các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp phát triển công nghệ có hợp tác với các doanh nghiệp khoa học công nghệ ngoài nước, thu hút người tài vào quá trình hoạt động đóng góp chung cho sự nghiệp đào tạo. Là một trường tư thục, có thể nhận thấy nỗ lực lớn của những người sáng lập ra trường này trong việc huy động nguồn lực. Yêu cầu vốn điều lệ Bộ GD-ĐT ban đầu là 15 tỷ đồng nhưng nhà trường đã huy động được 37 tỷ đồng phục vụ cho xây dựng hạ tầng cơ sở. Bên cạnh đó, lấy tiêu chí đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng cũng để thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội, Trường thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, xác định nhu cầu nhân lực, xây dựng nội dung đào tạo chương trình theo chuẩn quốc tế và phát triển quan hệ hợp tác với Trường trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, hỗ trợ trang thiết bị, tạo môi trường nghiên cứu khoa học, thực hành, thực tập, làm luận văn tốt nghiệp và sẽ thu nhận sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.
Trường Đại học Quốc tế trực thuộc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh được thành lập cũng là một điểm đột phá trong nỗ lực đưa GDĐH vươn tới trình độ quốc tế. Trong định hướng của mình, về lâu dài, Trường Đại học Quốc tế phấn đấu trở thành một Đại học nghiên cứu với mô hình tiên tiến trong quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học, quan hệ quốc tế. Sẽ xây dựng một đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ quốc tế với nhiều công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) được công bố trên thế giới, có mối quan hệ hợp tác trong đào tạo và NCKH rộng và sâu với các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Đào tạo ra đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật có trình độ tốt, đủ sức làm việc và nghiên cứu độc lập và theo nhóm trong môi trường quốc tế. Tốt nghiệp từ Trường Đại học Quốc tế, sinh viên có đủ năng lực theo đuổi các bậc học cao hơn ở các trường Đại học uy tín trên thế giới. Với tiêu chí đặt ra như vậy, môi trường học thuật của trường sẽ mang tính quốc tế, bao gồm các chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, ngôn ngữ giảng dạy, cơ sở hạ tầng cho đào tạo, v.v… Ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Anh và các ngoại ngữ thích hợp khác đạt trình độ quốc tế. Nghiên cứu Khoa học và chuyển giao công nghệ cho xã hội trong phạm vi Tp. Hồ Chí Minh và cả nước. Trường ĐHQT có nhiệm vụ liên kết với các đại học có uy tín quốc tế để tiến hành đào tạo trình độ quốc tế ở bậc đại học và sau đại học cho người Việt Nam và người nước ngoài bằng tiếng Anh và các ngoại ngữ thích hợp khác. Xây dựng mô hình quản lý Đại học tiên tiến mang tính quốc tế được các tổ chức kiểm định quốc tế công nhận.
Trong một nỗ lực khác cũng với việc thành lập trường đại học quốc tế không nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận mà nhằm tạo điều kiện để có được một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho đồng bằng sông Cửu Long, tại Cần Thơ mặc dù đã nghỉ hưu, rời khỏi chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, GS. Võ Tòng Xuân đã tham gia và trở thành một trong những thành viên của Hội đồng sáng lập Trường Đại học Quốc tế tại Tp. Cần Thơ. Một Đề án thành lập trường đại học quốc tế tại Cần Thơ với tôn chỉ, mục đích đáp ứng được nhu cầu xã hội, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đồng bằng sông Cửu Long đã được trình lên Bộ GD-ĐT. Theo nội dung bản Đề án, Đại học Quốc tế Cần Thơ sẽ liên kết với Trường Đại học George Mason, tại Washington D.C (Hoa Kỳ), về việc đào tạo các ngành: tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp… Ngoài Trường Đại học George Mason, dự kiến sẽ hợp tác với Trường Đại học Darmstadt của Đức để đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông. Những yêu cầu để được theo học sẽ là rất khắt khe theo đúng chuẩn mực quốc tế, như để tham gia vào các chương trình của Đại học George Mason, các sinh viên, giảng viên phải đạt những tiêu chuẩn do Trường Đại học George Mason qui định. Chẳng hạn, về trình độ ngoại ngữ, sinh viên phải đạt TOEFL thấp nhất là 550 điểm. Các môn học được giảng dạy bằng tiếng Anh; làm nghiên cứu cũng bằng tiếng Anh…. Trong các nội dung học tập, ngoài nhữn môn học do giảng viên Việt Nam giảng dạy, sẽ có những môn học học do giảng viên của Trường George Mason trực tiếp giảng dạy. Những giảng viên của trường sẽ xem xét để có kế hoạch đưa người sang Trường Đại học George Mason học tập, nâng cao trình độ, đáp ứng đúng các tiêu chuẩn do Trường Đại học George Mason yêu cầu. Dự kiến qui mô đào tạo ban đầu của Trường Đại học Quốc tế tại Cần Thơ là 500 sinh viên. Hiện nay, thành phố Cần Thơ đã qui hoạch đất để xây dựng trường. Đề án đang chờ Bộ GD-ĐT thẩm định để có quyết định chính thức về việc thành lập trường. Nếu mọi việc được tiến hành suôn sẻ, thuận lợi, cuối năm nay có quyết định thành lập trường thì khóa đầu tiên sẽ khai giảng vào năm học 2010-2011.
Xã hội đang đòi hỏi một chuẩn mực mới cho GDĐH, trong điều kiện nước ta còn nghèo, để sớm vươn tới đẳng cấp quốc tế, xem ra “đi tắt, đón đầu” tận dụng nguồn lực chất xám quý báu, huy động các nguồn lực trong xã hội cùng tham gia đào tạo là lời giải thích hợp ở thời điểm này.
Bạch Ngọc Dư (Theo Giáo dục & Thời đại)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)