Chất lượng xe buýt ngày càng được nâng cao để đáp ứng nhu cầu của người dân. Ảnh: Mê Tâm |
Qua 6 năm phục hồi và phát triển hệ thống xe buýt TP.HCM, đến nay theo báo cáo của Trung tâm Quản lý và Điều hành VTHKCC, khối lượng vận chuyển của VTHKCC TP.HCM đạt 380,2 triệu hành khách/năm, với tổng số tiền trợ giá gần 529 tỉ, tức vượt được kế hoạch do UBND thành phố giao 2,7% và tăng hơn 23% về sản lượng, nhưng chỉ tăng 8,6% về tổng số tiền trợ giá so với năm 2006; mức trợ giá so với chi phí đã giảm từ 68% (2002) xuống còn 44,7% (2007). Tuy nhiên, mạng lưới tuyến còn trùng lắp, số đầu mối vận tải còn nhiều nhưng qui mô lại nhỏ và yếu, năng suất phương tiện chỉ ở mức trung bình, phương tiện đã bắt đầu xuống cấp và không còn phù hợp với tình hình ngày càng kẹt xe hiện nay và đặc biệt là chất lượng phục vụ khách còn chưa tốt, chưa tương xứng…
Nâng cao chất lượng phục vụ
Muốn hệ thống xe buýt ngày càng phát triển tốt hơn, đạt được mục tiêu tối thiểu đã đề ra là thỏa mãn nhu cầu đi lại của nhân dân thành phố 8% (vào năm 2010), 15% (vào năm 2015), thì cần phải nhanh chóng khắc phục những tồn tại hoặc khiếm khuyết hiện nay.
Cung ứng một dịch vụ buýt theo định hướng khách hàng: Theo kế hoạch của TP.HCM, đến năm 2014 mới có được tuyến xe métro đầu tiên. Như vậy, trong 5-10 năm nữa chắc chắn xe buýt vẫn còn đóng vai trò chính trong việc vận chuyển phục vụ khách đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng. Do đó, không còn nghi ngờ gì nữa, ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ thông qua những chương trình “cung ứng một dịch vụ theo định hướng khách hàng” như mở rộng mạng lưới tuyến, tăng số chuyến, tăng giờ phục vụ trong ngày; áp dụng chính sách giá cước dưới 10% thu nhập, đảm bảo chạy đúng giờ; tái cấu trúc lại các đơn vị vận tải theo hướng thu gom còn dưới 10 đầu mối nhằm tăng năng suất vận chuyển, tăng chất lượng phục vụ hành khách… để thu hút khách là biện pháp sống còn của ngành.
Mở rộng chính sách dành ưu tiên cho xe buýt trong giao thông: Qua các khảo sát và điều tra gần đây, một trong những nguyên nhân chính không thu hút hành khách đi xe buýt là do tốc độ vận doanh xe buýt thấp (dưới 15km/h vào lúc cao điểm) nên mất nhiều thời gian, không thuận lợi cho hành khách đi lại.
Nhằm tăng tốc độ vận doanh, rút ngắn thời gian đi lại, đảm bảo đúng giờ, thu hút khách đi lại chúng ta có thể áp dụng nhiều biện pháp như: trước mắt, chúng ta vận dụng thành công đề án làn đường ưu tiên và làn đường dành riêng cho xe buýt mà Houstrans-Nhật đã thí điểm thành công trên tuyến đường Trần Hưng Đạo (năm 2003), vận dụng vào các luồng tuyến có lượng hành khách đi lại đông, đang thường xuyên bị kẹt xe hiện nay như đường Hoàng Văn Thụ, Đinh Bộ Lĩnh, Trường Chinh…
Kinh nghiệm ở thành phố Seoul – Hàn Quốc cho thấy: đến năm 2004 đã có 191,2 km đường dành riêng cho xe buýt trên 16 trục lộ chính hoặc ở thành phố Grenoble – Pháp khi xe buýt hoạt động dưới tốc độ 50km/giờ cho phép xe buýt chạy vào làn dành riêng cho trường hợp khẩn cấp…
Đưa công nghệ tiên tiến vào giao thông công cộng
Nếu cứ để xe buýt tiếp tục chìm – nổi trong dòng xe gắn máy bao quanh như hiện nay, chắc chắn xe buýt phải thoái trào. |
Tiến tới sử dụng xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch: Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường về tiếng ồn và khói xả do phương tiện cơ giới nói chung và do phương tiện VTHKCC nói riêng luôn là nỗi lo của bất cứ thành phố đô thị nào. TP.HCM cũng không ngoài qui luật đó. Việc này, trước đây công ty Enerteam và cơ quan ADEME – Pháp đã có nghiên cứu nhưng cũng chỉ ở mức độ chung chung là phân vùng ô nhiễm và xác nhận nguyên nhân gây ô nhiễm hoặc tích cực hơn là đã ứng dụng khí hóa lỏng (LPG) cho taxi tải thuộc HTX Thu Ngân. Gần đây hơn, PGS.TS Phạm Xuân Mai đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ CNG cho xe buýt TP.HCM. Nếu chúng ta ngay từ bây giờ mạnh dạn đầu tư đưa vào sử dụng công nghệ CNG cho xe buýt thành phố chắc chắn tình hình ô nhiễm môi trường về tiếng ồn và khí xả sẽ được cải thiện rõ rệt và việc tiết kiệm nhiên liệu là điều khỏi phải bàn. Thành phố Seoul – Korea là một mô hình tốt về việc ứng dụng công nghệ sạch và xanh này, chắc chắn sẽ vận dụng được với điều kiện thực tế tại TP.HCM nếu chúng ta quyết tâm triển khai.
Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý – điều hành hoạt động vận tải công cộng như GPS, GIS…: Tuy mới chỉ đáp ứng được khoảng 6,2 % nhu cầu đi lại của cư dân thành phố nhưng bộ máy quản lý của Trung tâm Quản lý – điều hành VTHKCC đã là 220 người. Do đó, về lâu dài để nâng tỉ lệ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thành phố lên đến 10-15%, chúng ta không thể tiếp tục mở rộng bộ máy – nâng số nhân sự hiện nay của Trung tâm lên gấp 2-3 lần. Do đó, ngay từ bây giờ chúng ta cần có một kế sách dài hơi cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý – điều hành như mở rộng việc quản lý GPS đã thí điểm trên 2 tuyến hiện nay cho toàn hệ thống, quản lý hệ thống trạm dừng nhà chờ bằng hệ thống thông tin địa lý(GIS), quản lý hệ thống vé bằng Smart Card…
Th.S Lê Trung Tính
(Trưởng phòng QL VTCN – Sở GTVT TP.HCM)
Bình luận (0)