Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Làm gì để phát huy trí thông minh cho trẻ?

Tạp Chí Giáo Dục

Ngoài yếu tố di truyền, trí thông minh của trẻ rất cần đến sự giáo dục của gia đình. Vì thế theo thạc sĩ Quách Kim Cương – giảng viên Viện Tâm lý và giáo dục pháp luật TP.HCM, các bậc làm cha làm mẹ luôn có vai trò quan trọng trong việc phát huy trí thông minh của trẻ.

Cha mẹ biết phát hiện kịp thời

Thạc sĩ Quách Kim Cương cho biết, mỗi đứa trẻ từ khi chào đời đã sở hữu 7 loại trí thông minh như ngôn ngữ, đạo đức, logic toán học, âm nhạc, không gian, vận động cơ thể… Nếu thông minh ngôn ngữ giúp con người giao tiếp, thể hiện cảm xúc thì thông minh logic toán học được xem là công cụ hỗ trợ học tập khi trẻ đến tuổi đi học. Ngoài những đứa trẻ có thông minh ngôn ngữ bình thường thì có những bé rất nhạy cảm và có thiên hướng nhiều hơn về phát triển ngôn ngữ. Dù chưa biết chữ nhưng bé lại thích nghe kể chuyện, thích được trao đổi với mọi người. Lớn lên trẻ lại thích đọc sách, nghe thơ và say mê với các trò chơi đố hình đố chữ. Trong hoàn cảnh đó được người lớn quan tâm thì thông minh ngôn ngữ của trẻ được phát huy tốt thông qua việc trau dồi vốn từ vựng, nói năng lưu loát, tư duy mạch lạc. Những bé này thường luôn nhạy cảm với ngữ nghĩa, âm thanh nhịp điệu của các lớp từ. Đây là cơ hội để trẻ sau này trở thành những diễn giả xuất sắc, những nhà ngoại giao giỏi. Nếu chẳng may trẻ thiếu sự quan tâm của cha mẹ và thiếu môi trường trao đổi thì thông minh ngôn ngữ dù có phát triển nhưng khó được thăng hoa. Nhiều bé lại thích thú với các trò chơi ghép hình, các bài toán số và say mê học toán. Điều này chứng tỏ trẻ có thiên hướng nghiêng về thông minh logic toán học. Khi được sự “để ý” của cha mẹ, con cái sẽ có nhiều cơ hội hơn để phát huy sở trường sẵn có của bản thân. Đây chính là cái nôi để sản sinh ra các thần đồng toán học và các học sinh giỏi toán các cấp. Thông minh không gian của trẻ vượt trội sẽ giúp bé nhận diện chính xác các hình ảnh trực quan với những sắc màu riêng biệt thông qua sự phát triển về thị giác. Thông minh âm nhạc sẽ mở đường cho trẻ đến làm quen với các loại nhạc cụ, các tác phẩm âm nhạc. Âm nhạc sẽ là chất xúc tác và người bạn đồng hành giúp trẻ làm việc và học tập hiệu quả hơn.

Các bậc cha mẹ luôn có vai trò quan trọng trong việc phát huy trí thông minh của trẻ. Ảnh: T.Lê

Thạc sĩ Cương khuyên, nên lợi dụng tối đa các điểm mạnh khác của con để lấn át những điểm yếu. Hãy hướng con vào các loại trí thông minh mà con đang sở hữu. Đây cũng là cách làm cho phụ huynh có thêm niềm lạc quan mới khi dạy dỗ con trẻ.

Thạc sĩ Quách Kim Cương cho biết, tuy mỗi đứa trẻ có những loại trí thông minh riêng nhưng không phải lúc nào người lớn cũng dễ dàng nhận thấy được nếu ít quan tâm. Vì thế để phát huy trí tuệ của một đứa trẻ, cha mẹ cần tìm thấy được điểm mạnh, điểm vượt trội nhất của con mình. Có thể nói đây là việc làm đầu tiên và là quan trọng nhất giống như tìm cho được mảnh đất màu mỡ để hạt giống tốt có cơ hội nảy mầm. Theo thạc sĩ Cương, 7 loại trí thông minh ở mỗi đứa trẻ không thể giống nhau dù sinh ra cùng một nhà. Vì thế không thể so sánh con mình với con hàng xóm và ngược lại. Cha mẹ cần tôn trọng những “sở trường bẩm sinh” của trẻ nên đừng quá hoài nghi về “tài năng” của trẻ. Thực tế cho thấy một số cha mẹ khi không cải thiện được điểm yếu của con cái thì lại rất lo lắng.

Tôn trọng năng lực sẵn có của con cái

Vẫn có tình trạng con thích văn chương, âm nhạc mà cha mẹ lại ép theo con đường toán học hoặc ngược lại. Như vậy là làm mòn đi giá trị sẵn có của trẻ. Không có gì tệ bằng trí thông minh của trẻ bị chính người lớn rũ bỏ. Trách nhiệm của cha mẹ là giúp con định hướng đúng hướng đi, tích cực tạo điều kiện để trẻ phát triển một cách tốt nhất từng thế mạnh của bản thân. Muốn vậy cha mẹ hãy dành nhiều thời gian chú ý đến trẻ, phát hiện những ưu thế mà trẻ có được khi trẻ chơi đùa cùng với bạn bè. Tốt nhất là cho trẻ tham gia vào nhiều trò chơi để trẻ bộc lộ rõ điểm mạnh và điểm yếu trong người. Đó cũng là cách người lớn phát hiện chính xác từng sở thích và năng lực thật sự của bé. Điều này ở trường mẫu giáo các giáo viên mầm non vẫn thường thực hiện theo nghiệp vụ sư phạm. Tuy nhiên thực tế cho thấy hiện nay do phụ huynh quá cưng chiều hoặc bận bịu với công việc nên chỉ cho con chơi một loại hình nào đó. Tệ hại hơn họ để quá nhiều thì giờ cho con xem ti vi, sử dụng iPad quá sớm nên các loại trí thông minh khác không còn cơ hội phát triển.

Hương Thủy

Một điều cũng cần lưu ý thêm ngoài sự giáo dục, trẻ rất cần đến chế độ dinh dưỡng hợp lý và khoa học. Có như vậy trí thông minh của trẻ mới được phát triển toàn diện trong một cơ thể khỏe mạnh. Vì thế, cha mẹ phải biết chăm sóc con đúng cách và phù hợp với từng độ tuổi.

 

Bình luận (0)