Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Làm gì để phòng chống cúm A/H1N1?

Tạp Chí Giáo Dục

Những học sinh đang bị cách ly

Tính đến thời điểm này, nước ta đã có khoảng 800 ca dương tính với cúm A/H1N1. Những ngày gần đây, số tỉnh có dịch cũng tăng lên, số ca nhiễm trong ngày tăng từ 30 lên 60 ca. Vậy làm sao để không bị virus cúm A/H1N1 tấn công?
Cơ chế lây bệnh
Cúm A/H1N1 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A/H1N1 gây ra. Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp từ người này sang người khác qua ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, dụng cụ có dính virus sau đó đưa tay lên miệng, mũi.
Thời gian ủ bệnh 7 ngày, thời gian lây truyền là 1 ngày trước khi có dấu hiệu bệnh và kéo dài đến 7 ngày sau khi phát bệnh.
Biểu hiện của bệnh giống cúm mùa thông thường với các triệu chứng như sốt cao (trên 38 độ), đau họng, ho, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Một số trường hợp có thể nôn ói, tiêu chảy. Những trường hợp viêm phổi nặng có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong.
Trước đây, chỉ những người nhập cảnh vào Việt Nam từ các vùng có người nhiễm cúm A/H1N1 và người có tiếp xúc với trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ bệnh cúm A/H1N1 mới có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Nhưng, hiện nay bệnh đã lây lan ra cộng đồng nên ai cũng có thể trở thành nạn nhân của dịch bệnh cúm A/H1N1.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Châu – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thì: “Bệnh nhân dễ bị biến chứng nặng là phụ nữ mang thai, trẻ em, những người đang có bệnh trong người”.
Tuy nhiên bác sĩ Trần Tịnh Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết: “Từ trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên vào cuối tháng 5 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị hơn 200 người. Song vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào bị biến chứng nặng. Phần lớn đều diễn tiến nhẹ, chủ yếu sốt, ho, sổ mũi, đau nhức cơ thể. Qua điều trị cho thấy các bệnh nhân đáp ứng tốt phác đồ điều trị cũng như thuốc tamiflu. Tuy vậy, khi chúng ta bước vào khí hậu mùa thu, mùa đông, rồi mùa tựu trường, tình hình diễn tiến dài thì dĩ nhiên sẽ xuất hiện nhiều trường hợp nặng hơn hoặc có thể tử vong”.
Biện pháp phòng bệnh

Cách sử dụng Chloramine B 25% trong chiến dịch phòng chống dịch bệnh:

+ Đối với nơi không có ca bệnh, cứ 5g thuốc bột (tương đương 1 muỗng cà phê) nồng độ 0,1% clor hoạt tính pha với 1 lít nước – ngâm đồ chơi trong 5 – 10 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch và lau khô; lau ướt sàn nhà và để khoảng 10 phút, tiếp theo lau bằng nước sạch rồi lau khô.
+ Đối với nơi có ca bệnh: nồng độ dung dịch 1 – 2% chloramine (tương đương 0,2 – 0,5% clor hoạt tính). Theo đó cứ 10g (2 muỗng cà phê) dung dịch 1% hoặc 20g (4 muỗng cà phê) dung dịch 2% pha với 1 lít nước – ngâm đồ chơi trong thời gian 5 – 10 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch và lau khô; sàn nhà lau ướt để khô từ 10 – 20 phút, kế đến lau bằng nước sạch rồi lau khô; nhà vệ sinh, ngâm dung dịch 1% trong vòng 20 phút hoặc dung dịch 2% trong thời gian 10 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch.
Để phòng ngừa bệnh cúm A/H1N1, mỗi cá nhân hãy thực hiện các biện pháp sau: thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở, nơi sinh hoạt. Cụ thể, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt sau khi tiếp xúc dịch tiết hầu, họng và các dụng cụ nghi nhiễm bẩn. Che miệng, mũi bằng khăn tay hoặc khăn giấy mỗi khi ho, hắt hơi và bỏ khăn giấy vào thùng rác, rửa tay ngay sau đó. Trong trường hợp không có khăn tay, hoặc khăn giấy thì lấy tay áo che lại. Không đưa tay chạm vào mắt, mũi và miệng bởi rất có thể virus cúm A/H1N1 dính ở tay sẽ nhiễm vào người. Song song đó phải đeo khẩu trang nơi đông người, nhớ phải đeo trùm cả bộ phận miệng, mũi. Tăng cường vệ sinh nơi sinh hoạt, giữ nhà ở thông thoáng bằng cách mở cửa sổ, cửa ra vào. Hạn chế sử dụng máy điều hòa vì khi nhiệt độ xuống thấp virus dễ phát triển.
Người dân cần tránh tụ tập nơi đông người, đặc biệt khi có dịch xảy ra. Nên cân nhắc khi đi đến các vùng đang có dịch, nếu bắt buộc phải đi thì cần áp dụng các biện pháp phòng hộ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Đặc biệt, đối với những trường hợp được đưa vào diện giám sát cấp 1 (là những người đã tiếp xúc với các ca nhiễm, nghi ngờ nhiễm) thì nên hạn chế tiếp xúc với người xung quanh trong thời gian 7 ngày dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Tránh tụ tập nơi đông người, khi cần tiếp xúc phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2m. Tuyệt đối không dùng chung khăn và các dụng cụ ăn uống như chén, muỗng, đĩa và phải ngủ riêng phòng.
Minh Anh

Bình luận (0)