Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Làm gì để tránh bị ốm khi trời chuyển lạnh?

Tạp Chí Giáo Dục

Giữ ấm cơ thể, tăng cường dinh dưỡng, vận động, tránh đến nơi đông người hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh là cách bảo vệ cơ thể khi trời lạnh.
Bác sĩ Đinh Thế Tiến, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho biết đây là môi trường thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn gây cúm phát triển, làm tăng nguy cơ các bệnh lý như viêm đường hô hấp, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng nguy cơ đột quỵ và chảy máu tiêu hóa, đặc biệt đối với nhóm có bệnh lý nền, người lớn tuổi hoặc trẻ em.
Từ 30/11, gió mùa tràn về các tỉnh phía Bắc. Đây là đợt lạnh nhất tính từ đầu mùa đông.
Bên cạnh đó, người già dễ bị đau nhức xương khớp; trẻ nhỏ, người bị say rượu, suy dinh dưỡng, tim mạch, thiểu năng tuyến giáp… có nguy cơ hạ thân nhiệt. Thời tiết lạnh khiến sức đề kháng của con người giảm, dễ bị đau, vướng họng khi nuốt; sốt, khàn tiếng, ho, sổ mũi, mệt mỏi, cần tiêu tốn nhiều năng lượng để thích nghi.
Ngoài ra, Hà Nội và một số tỉnh phía bắc bùng phát nhiều dịch bệnh như sốt xuất huyết, cúm,… Theo bác sĩ Tiến, năm nay thời tiết diễn biến thất thường, như cúm A lại bùng phát vào mùa hè còn mùa đông thì chưa có đợt lạnh nào lạnh dài và sâu nhưng vẫn rất nhiều người bị ốm nặng.
Một số yếu tố nguy cơ khác như môi trường ô nhiễm, khói bụi, kẹt xe, lười vận động, tiêu thụ nhiều đồ ăn nhanh cùng với stress trong công việc, học tập cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý. Đặc biệt, sau khi Covid-19 được kiểm soát, các sinh hoạt trở lại bình thường, người dân chủ quan hơn trong phòng chống dịch, ví dụ không đeo khẩu trang, không rửa tay sát khuẩn thường xuyên…
Mặt khác, cách phòng bệnh phản khoa học cũng là yếu tố nguy cơ làm trầm trọng tình trạng bệnh khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột, theo bác sĩ Cao Minh Thành, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ví dụ, mặc quần áo quá dày và nhiều lớp khiến trẻ ra mồ hôi, khó thở. Mồ hôi thấm ngược vào cơ thể có thể gây lạnh, làm giảm thân nhiệt, dễ dẫn đến viêm phổi.
Ngoài ra, nhiều gia đình dùng than tổ ong để sưởi ấm khi trời lạnh. Tuy nhiên, trong môi trường thiếu không khí như phòng ngủ, sưởi than sẽ tạo loại khí cực độc là CO, nguy cơ tổn thương não, thần kinh, nhịp tim, hôn mê, thậm chí tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo, khi thời tiết chuyển lạnh, người dân cần giữ ấm đầy đủ, nhất bàn tay, ngực, cổ đầu; khi đi xe máy, làm việc ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm. Đeo khẩu trang mỗi khi ra đường, hạn chế đến những chỗ đông người.
Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Dọn dẹp nhà cửa và giữ vệ sinh sạch sẽ với các loại vật dụng (cốc chén, bát đũa…), nhất là khi có người ốm trong gia đình.
Đối với nhóm nguy cơ cao như trẻ nhỏ, cần tiêm phòng cúm trước hai tháng, người già cần tuân thủ điều trị bệnh lý nền, không tự ý bỏ thuốc, kiểm soát tốt huyết áp, theo dõi các chỉ số thường xuyên, kiểm soát mỡ máu.
Riêng trẻ cần được giữ ấm, nhất là hai bàn chân, ngực, cổ, đầu, tránh ra gió và ra ngoài vào ban đêm. Không nên ủ bé quá kỹ và thường xuyên kiểm tra xem bé có bị ra mồ hôi hay không để kịp thời lau khô hoặc thay áo. Với trẻ nhỏ, cần thay tã thường xuyên để tránh bé nhiễm lạnh vì tã ướt quá lâu. Phụ huynh cũng không nên dùng tinh dầu thoa lên da trẻ (để phòng bệnh hô hấp), do làn da trẻ rất nhạy cảm, có thể bị rộp, kích ứng, dị ứng. Tuyệt đối không đốt lửa, sưởi ấm cho trẻ bằng than tổ ong dẫn đến ngạt khí CO.
Đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất như tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh sử dụng những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
Tăng cường vận động, tập thể dục; hạn chế tập sáng sớm vì dễ dẫn đến đột quỵ, nhất là người già. Nên tập ngoài trời nơi có nắng và mái che, khởi động kỹ và mặc quần áo thoải mái, không quá mỏng hay dày.
Bác sĩ dự báo, trong thời gian tới, đặc biệt thời điểm cận Tết, số trẻ em, người già mắc bệnh hô hấp và truyền nhiễm có thể tăng. Tuy nhiên, người mắc cúm mùa có thể chăm sóc tại nhà, điều trị triệu chứng bằng cách uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
Khi có dấu hiệu nặng lên như sốt cao liên tục không hạ, mệt mỏi, bứt rứt, khó chịu, đau đầu, buồn nôn mới cần đưa đến bệnh viện. Không tự ý mua thuốc, trích trữ và sử dụng thuốc kháng virus. Không tự truyền dịch hay xét nghiệm tại nhà, gây tốn kém và chẩn đoán sai bệnh.
NT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)