Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Làm gì khi bị thất nghiệp?

Tạp Chí Giáo Dục

Bạn trẻ đặt câu hỏi tại buổi tọa đàm – Ảnh: Nguyễn Như

Ngày 23.6, tại TP.HCM, hơn 100 bạn trẻ có việc làm hoặc đang chờ việc đã có buổi trao đổi, chia sẻ qua tọa đàm "Tự tin để khác biệt"…

Lấp đầy thời gian trống

Trần Kim Khôi (cựu sinh viên trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) không ngần ngại thổ lộ với chúng tôi rằng khoảng hơn 1 tháng nay, bạn đang trong cảnh thất nghiệp. Trước đó, Khôi là kỹ thuật viên cho một dự án. Khi dự án hoàn thành, Khôi cũng… "lên đường". Khôi bộc bạch: "Ban đầu, mình ở trong tâm trạng lo lắng, bứt rứt; thậm chí có lúc nản quá tính đường về quê. Nhưng sau đó, mình tham gia học quản trị kinh doanh vào ban đêm, ban ngày thì học ngoại ngữ. Cũng may, mình còn khoản tiền dành dụm được để trang trải các khoản chi phí, nhà trọ…". Trong thời gian này, anh chàng không quên "lùng sục" tìm kiếm cơ hội việc làm trên internet, báo chí. Khôi cho hay, sắp tới bạn sẽ tạm làm công việc bán hàng – dù trái với chuyên ngành công nghệ kỹ thuật máy tính của mình.

Trong khi đó, Mã Tú Tiên – cựu sinh viên trường ĐH Mở TP.HCM, chuyên ngành Quản trị kinh doanh – cho hay bạn cũng đang tìm việc sau khi tốt nghiệp (tháng 4.2009). Đối với Tiên, thời gian này là một "khoảng lặng" trên đơn xin việc nhưng không hề là "khoảng lặng" trong cuộc đời cô. Bởi lẽ, cô gái năng động này luôn lấp đầy mỗi ngày bằng đủ thứ việc để làm. Khi được hỏi: "Ra trường đúng vào thời điểm này, bạn có nghĩ cơ hội tìm việc sẽ khó khăn hơn?", Tiên tự tin:  "Cũng có nhiều việc để làm, quan trọng nhất là tùy năng lực mỗi người. Ngay trong thời không khủng hoảng, nếu bản thân không đáp ứng thị trường lao động thì cũng khó tìm việc đấy thôi".

Không để khoảng lặng quá dài!

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Tăng Trị Trọng – Giám đốc Phát triển kinh doanh toàn quốc của VietnamWorks.com đưa ra công thức 90/10 và phân tích: "10% là những gì xảy ra ngoài ý muốn con người, chẳng hạn mất việc, ốm đau… Con người ta hơn nhau hay không là ở 90% kia, tức là cách phản ứng của mỗi người trước những điều không mong muốn trên". Ông Trọng cho rằng, từ "nguy cơ" có nghĩa là "trong nguy có cơ"; cuối đoạn đường tưởng chừng bế tắc lại là một khởi đầu mới. Cơ hội, theo ông Trọng, sẽ đến khi mỗi người biết "học từ ngày hôm qua; sống cho hôm nay và hy vọng vào ngày mai".

"Định mệnh, số phận của con người được diễn tả thông qua các từ: Kỹ năng, thái độ và kiến thức" là lời nhắn nhủ của ông Trần Bằng Việt – Phó ban Phát triển kinh doanh thuộc Tập đoàn Mai Linh. Theo ông Việt, một trong những điểm yếu lớn của không ít người lao động chính là khả năng hòa đồng với đồng nghiệp, với văn hóa công ty. Điều đó khiến họ khó thành công, cho dù có người bằng cấp đầy mình, năng lực giỏi. Ông Việt nói như tâm tình: "Bản chất cuộc sống là sự khác biệt. Nhưng, khác biệt không có nghĩa là khác người! Khi mất việc, chúng ta nên nhìn nhận lại hạn chế của bản thân để thay đổi"…

Tuy nhiên, ông Trần Bằng Việt lưu ý: Có thể là tốt nếu khoảng trống trong công việc chỉ từ 3 – 6 tháng. Nhưng nếu để khoảng trống quá dài thì sẽ không hay. Bởi lẽ, nhà tuyển dụng sẽ đặt nghi vấn: Người này ra sao mà nghỉ việc lâu như thế?!

"Tỷ lệ thất nghiệp đã đạt những mức cao mới trong những tháng gần đây, tuy nhiên vẫn còn những vị trí trống dành cho các ứng viên tài năng. Tuy nhìn chung việc tuyển dụng chậm lại nhưng các nhà tuyển dụng vẫn còn đang tìm cách tuyển những vị trí trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của họ và trong một số trường hợp, nhà tuyển dụng đang tìm kiếm những người có một tập hợp các kỹ năng mới. Cuộc khảo sát về "Khan hiếm Tài năng" năm 2009 của Manpower cho thấy rằng 30% số nhà tuyển dụng gặp khó khăn trong việc tuyển một số công việc nhất định. Con số này không thay đổi so với năm trước bất chấp môi trường kinh tế hiện tại và những tỷ lệ thất nghiệp cao hơn. Những kết quả này chứng tỏ rằng suy thoái đang che giấu những sự khan hiếm nhân tài và khi nền kinh tế phục hồi vấn đề này chắc chắn sẽ trở nên trầm trọng hơn…". (Ông PETER HAGLUND, Tổng giám đốc Manpower Việt Nam)

Đăng Trình (ghi)

Nguyễn Như (TNO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)