Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Làm gì khi con thất hứa?

Tạp Chí Giáo Dục

Để tạo chữ tín cho con các bậc phụ huynh không nên hứa suông. Ảnh: N.Trinh

Hầu hết các bậc phụ huynh đều ý thức rằng, trong quá trình giáo dục con cái, nếu mình có uy tín thì sẽ được trẻ tin tưởng và tự giác tuân theo những yêu cầu mà cha mẹ đặt ra.
Tuy nhiên, cuộc sống với bao vấn đề nảy sinh khiến không ít bậc phụ huynh đã thiếu nhất quán trong lời nói và việc làm, thậm chí hứa hẹn thật nhiều mà đáp ứng cho trẻ chẳng bao nhiêu với suy nghĩ rằng trẻ con vô tư, hồn nhiên nên mau quên chẳng để ý đến lời hứa của mình. Song, nếu việc hứa hẹn cứ lặp đi lặp lại nhiều lần mà cha mẹ không thực hiện, thì con trẻ sẽ ấm ức, hụt hẫng và nảy sinh tâm lý chống đối, không tin tưởng vào người thân trong gia đình. Một lần thất tín, vạn lần mất tin là vậy! Điều nguy hại là, khi trẻ thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ “nói một đằng, làm một nẻo” mà vẫn không sao thì chúng sẽ bắt chước. Hậu quả là nhân cách của trẻ sẽ bị “méo mó” trong quá trình trưởng thành.
Tại sao trẻ “nói một đằng, làm một nẻo”?
Chị Ngọc Lan (huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu) còn nhớ như in lời hứa của cậu quý tử những ngày đầu năm học: “Ba mẹ cứ yên tâm, thế nào con cũng đạt điểm cao nhất môn toán ở trường chuyên năm nay”. Vậy mà, khi biết được điểm thi của con ở tốp dưới của lớp, con chị đã không đồng cảm với nỗi thất vọng của cha mẹ mà còn bực tức: “Ba mẹ còn hứa với con nhiều lần mà không thực hiện thì bây giờ con cho ba mẹ biết được thế nào là cảm giác thất vọng khi người khác không giữ chữ tín chứ”. Chị Ngọc Lan cho biết: “Đúng là tôi có hứa với con nếu thi được vào lớp 10 ở trường điểm của thành phố thì sẽ mua cho con cái laptop và điện thoại xịn. Vậy mà, sau đó do việc làm ăn gặp khó khăn, nên dù con trai có nhắc nhở, tôi cũng cố ý phớt lờ cho qua. Rồi một vài lần muốn con đạt điểm cao, tôi đã hứa mua cho con thứ này thứ kia nhưng rồi do bộn bề công việc mà tôi cũng quên đi không thực hiện được. Không giữ được chữ tín nên giờ tôi rất khó ăn nói với con”.
Trong suốt quá trình dạy dỗ con cái, những lời của phụ huynh đã hứa với trẻ cũng đều rất quan trọng. Và thái độ ứng xử của cha mẹ về việc thực hiện lời hứa sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cảm xúc, hành vi của con cái. Những hành vi ứng xử của cha mẹ luôn ăn sâu trong từng nét tính cách của trẻ. Vì thế, việc cha mẹ thất tín cũng dễ ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển tính cách của trẻ, trẻ đâm ra bất an, hoài nghi và mất lòng tin về gia đình – điểm tựa tinh thần đặc biệt quan trọng của trẻ. Một khi trong tâm hồn trẻ là hình ảnh cha mẹ với những việc làm bất nhất, thiếu chân thành thì sẽ rất khó để trẻ có thể lĩnh hội và ghi nhận những lời dạy bảo, khuyên răn sau này.
Phụ huynh gương mẫu – con đường giáo dục ngắn nhất!
Trong trường hợp nào cha mẹ cũng phải nhất quán giữa lời nói và việc làm. Cụ thể, khi cha mẹ được tín nhiệm, trẻ sẽ hành động một cách tích cực và sẽ ứng xử theo khuôn mẫu mà cha mẹ đã thể hiện. Dạy con chữ tín, có nghĩa là cha mẹ đã dạy trẻ biết sống có trách nhiệm trong lời nói và hành động của mình đúng với những gì chúng đã nói hay đã hứa. Tạo chữ tín cho con chính là cách dạy con ứng xử và hành động phù hợp giữa lời nói và việc làm, giáo dục cho trẻ thái độ sống. “Nói lời phải giữ lấy lời. Đừng như con bướm đậu rồi lại bay”. Ngoài ra, dạy cho trẻ chữ tín còn thể hiện trong việc cha mẹ biết cân nhắc trước khi hứa và làm điều gì với trẻ. Từ đó, sẽ khắc phục cho trẻ thói quen vòi vĩnh, gây áp lực với cha mẹ. Bởi có những đứa trẻ lợi dụng vào việc cha mẹ đưa ra điều kiện để mè nheo, đòi hỏi… cho rằng cha mẹ không đáp ứng là vì không yêu thương mình.
Để tạo chữ tín cho con các bậc cha mẹ cần lưu ý: Người lớn có thể hứa với trẻ, tạo một động lực để trẻ phấn đấu thực hiện công việc của mình. Song, không được thất hứa với chúng, nó có thể trở thành “con dao hai lưỡi”. Bởi trẻ đang sống trong hy vọng rằng mong muốn, ước ao của trẻ sẽ được cha mẹ đáp ứng. Trẻ cố gắng quyết tâm hết mình để đạt những điều được hứa hẹn. Trẻ sẽ ghi nhớ rất kỹ những gì cha mẹ đã nói. Nhưng vì một lý do nào đó không thể thực hiện được điều kiện mình đặt ra thì cha mẹ không nên giải thích qua loa, đại khái cho xong việc. Cha mẹ cần thẳng thắn chủ động nhận lỗi và thực hiện càng sớm càng tốt những gì mình đã hứa. Điều này không những không hạ thấp uy tín của bạn trong mắt trẻ, mà còn tạo được sự gần gũi, thông cảm, tin tưởng ở trẻ dành cho cha mẹ. Nhưng tốt nhất cha mẹ không nên hứa suông với con. Bởi vì chính những việc làm nhất quán của cha mẹ là một phương tiện giáo dục sinh động để dạy chữ tín cho trẻ.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý giáo dục)
Để dạy chữ tín cho con, cha mẹ phải là người biết giữ chữ tín. Uy tín không phải tự nhiên mà có, cũng không phải là sự trấn áp bằng quyền lực hay sự gia trưởng mà là sự gần gũi, lắng nghe và thấu hiểu những nỗi lòng của trẻ…
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)