Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Làm gì khi học sinh bị sốc tâm lý?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Khi nhận thấy con đang bị sốc tâm lý, cha mẹ cần ở bên cạnh con, chấp nhận sự im lặng hay quậy phá, la hét, không nên cắt ngang những tâm trạng này (ảnh minh họa).
Ảnh: T.L

Sốc tâm lý tác động không nhỏ đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi con người. Làm thế nào để các bậc phụ huynh, thầy cô giáo can thiệp hoặc hỗ trợ kịp thời để tránh nguy cơ kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến tuổi trưởng thành của trẻ?

Đó là chủ đề chính của buổi nói chuyện giữa ông Ngô Minh Uy – Phó giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố (Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam) với hàng trăm phụ huynh tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố ngày 25-9.
1.001 nguyên nhân
Sau khi chứng kiến cảnh cô bạn gái ra đi do bị xe buýt tông phải, cậu học trò N.T.H đã về nhà đóng cửa phòng ngồi im lặng mấy ngày liền, không cho cha mẹ vào thăm hỏi. Lo sợ con tự tử, cha mẹ em đã tìm đến chuyên gia tâm lý. Hoặc, một phụ huynh nam đã chia sẻ: “Khi cha mẹ chưa ly dị, cháu học tập rất bình thường nhưng kể từ khi chúng tôi ra tòa chia tay thì cháu học hành ngày càng sa sút, chúng tôi không biết phải làm thế nào?”… Đó là hai trường hợp điển hình trong rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra do bị cú sốc tâm lý. Ông Ngô Minh Uy cho biết: “Các trường hợp như chứng kiến bạo hành trong gia đình, trường học hoặc cộng đồng; bị bỏ rơi do cha mẹ bận rộn với công việc mà thiếu sự quan tâm; bị bắt nạt, bị lạm dụng tình dục; cha mẹ chia tay hay quá kỳ vọng vào con cái… là những nguyên nhân thường dẫn đến cú sốc trong tâm lý của học sinh. Nếu cú sốc đó kéo dài trong khoảng 5-6 tháng mà các em vẫn chưa thoát khỏi những ảnh hưởng đó thì sẽ chuyển sang giai đoạn hậu sang chấn tâm lý, có thể bị ảnh hưởng tiêu cực đến độ tuổi trưởng thành”.
Những cú sốc tâm lý được các em thể hiện như sợ hãi, co rút người lại, mất ngủ, chán ăn hoặc có hành vi gây hấn với mọi người xung quanh nhưng cũng có nhiều em, cú sốc này chưa thể quật ngã ngay mà nó diễn ra một cách từ từ như bắt đầu sống khép kín, thu mình lại và dần dần tách ra khỏi những người xung quanh. Ông Ngô Minh Uy cho rằng, bốn dấu hiệu đặc biệt ở học sinh khi bị sốc tâm lý mà phụ huynh cần chú ý là: “Từ chối đi đến những địa điểm làm gợi nhớ về sự kiện gây sốc, có vẻ tê cứng về cảm xúc (vô cảm), nhạy cảm quá mức với sự kiện xảy ra bình thường hay có những hành vi được thể hiện theo những cách có thể gây nguy hiểm cho bản thân”.
Gia đình là chuyên gia tâm lý đầu tiên
Làm gì để học sinh vượt qua những cú sốc tâm lý, có nên mời các chuyên gia đến chữa trị ngay lập tức hay không?, một phụ huynh hỏi. Về vấn đề này, ông Ngô Minh Uy trấn an: “Phụ huynh đừng vội vàng coi những biểu hiện trên là bệnh, đừng xem các em như những người bệnh và ngay lập tức tìm đến các chuyên gia để chữa trị mà phụ huynh sẽ là “chuyên gia” đầu tiên giúp các em vượt qua những cú sốc tâm lý”.
Theo ông Uy, khi nhận thấy con đang bị sốc tâm lý, cha mẹ cần ở bên cạnh, chấp nhận những tâm trạng im lặng hay quậy phá, la hét của con, hãy để cho con khóc, không nên cắt ngang những tâm trạng này hoặc khuyên bảo, mắng nhiếc con tại sao con làm thế này thế kia. Một trong những điều phụ huynh cần làm là bình tĩnh quan sát, theo dõi và chia sẻ, lắng nghe con nói như một người bạn. Đặc biệt, khi con bị sốc tâm lý, phụ huynh phải thường xuyên nói cho con biết những điều ngọt ngào như: cha mẹ luôn thương yêu con, sự kiện xảy ra không phải là lỗi của con, việc con cảm thấy buồn là rất bình thường… Bên cạnh đó, gia đình nên giữ nguyên tắc sinh hoạt bình thường, không nên tỏ thái độ quan tâm một cách thái quá làm cho con càng cảm thấy buồn hơn. Qua một vài tháng theo dõi, nếu thấy con không có dấu hiệu bình phục thì lúc đó phụ huynh mới nên gặp chuyên gia tư vấn thêm để điều trị kịp thời nhằm tránh những hậu quả về sau.
Dương Bình

“Một trong những vấn đề mà cha mẹ đặc biệt lưu ý là đừng nên xem trẻ là một đứa trẻ con, ngay cả những trẻ mới học lớp 1 cũng nên tôn trọng và nói chuyện với con như một người lớn. Nếu trong gia đình có chuyện như ba mẹ sắp ly dị… phụ huynh đừng nên giấu giếm, tạo hạnh phúc giả tạo trước mặt con, vì các em rất nhạy cảm đối với những vấn đề này”, ông Ngô Minh Uy chia sẻ.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)