Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Làm gì khi nghi ngờ cúm A/H1N1?

Tạp Chí Giáo Dục

Tiến sĩ – bác sĩ Trần Tịnh Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TPHCM có những lời khuyên xung quanh tình trạng dịch cúm A/H1N1 đã lây lan ra cộng đồng hiện nay.

Không phải người nào nghi bị cúm A/H1N1 cũng cần xét nghiệm và điều trị. Khi dịch tiến triển mạnh thì chỉ ưu tiên xét nghiệm và điều trị cho người bị bệnh nặng.
Khi bị sốt, ho, chảy nước mũi nên tự xem mình có bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh suyễn, bệnh phổi hay không. Nếu là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên kiểm tra xem có thai hay không. Nghỉ ngơi ở nhà, nằm phòng riêng hay nơi cách biệt trong nhà và mở cửa thông thoáng. Khi tiếp xúc với người khác cần phải đeo khẩu trang.
Đa số trường hợp khỏi bệnh mà không cần uống thuốc chống virus. Nên uống nhiều nước, không đến nơi làm việc hoặc nơi đông người cho đến bảy ngày sau. Khi ho cần che miệng bằng giấy sau đó bỏ thùng rác hoặc che bằng tay sau đó rửa tay bằng xà phòng hay dung dịch sát trùng nhanh.
Làm gì khi gia đình có người mắc cúm hoặc nghi ngờ?
Người trong nhà cần thường xuyên rửa tay, nhất là sau khi tiếp xúc với người bệnh hay tiếp xúc với các đồ vật gần nơi người bệnh nằm. Thường xuyên lau chùi các mặt bàn ghế, giường bằng dung dịch sát trùng.
Không dùng chung chén đĩa, ly với người bệnh. Rửa bằng xà phòng những vật dụng sau khi bệnh nhân dùng, giặt quần áo bệnh nhân ngay sau khi thay ra. 
Nếu bệnh nhân cách ly ở nhà có triệu chứng nặng thì đưa đến bệnh viện và phải đeo khẩu trang cho bệnh nhân. Đưa đến bệnh viện khi bệnh nhân có các biểu hiện khó thở hay đau ngực, ói nhiều, mệt mỏi, chóng mặt khi đứng dậy.
Khi đến những nơi đông người nên đeo khẩu trang. Đối với những người từ vùng dịch trở về, đã tiếp xúc với bệnh nhân cúm A/H1N1 thì cần mang khẩu trang ít nhất trong vòng bảy ngày.
Riêng đối với phụ nữ mang thai trong thời điểm cúm A/H1N1 bùng phát nên nghỉ làm, nếu đi làm thì tránh tiếp xúc nơi đông người, khi tiếp xúc cần đeo khẩu trang.
Hiện chưa có vaccine phòng cúm A/H1N1 và các loại thuốc khác không có hiệu quả, ngoại trừ Tamiflu. Tuy nhiên, Tamiflu chỉ được bác sĩ kê đơn khi bị bệnh. Việc lạm dụng Tamiflu sẽ có nhiều biến chứng về thần kinh, nhất là đối với trẻ em dưới 15 tuổi.
Lê Nguyễn (TPO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)