Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Làm gì khi phụ huynh hiểu lầm giáo viên?

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh tiểu học chăm chú lắng nghe giáo viên giảng bài (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh

Tình huống: Chuyện xảy ra ở một trường tiểu học có yếu tố nước ngoài. Phụ huynh học sinh Nguyễn Văn A. (lớp 2) đưa con đến trường tỏ thái độ rất bất bình về việc con mình bị giáo viên chủ nhiệm Y. phạt, đuổi ra khỏi lớp học. Ngoài ra, phụ huynh còn nói cô chủ nhiệm Y. tự ý cắt tiết học của con mình. Phụ huynh này đứng giữa sân trường to tiếng, gây sự chú ý với rất đông phụ huynh khác.

Giải quyết tình huống

Thầy hiệu trưởng biết chuyện, ngay lập tức đến gặp phụ huynh, nhẹ nhàng mời vào phòng tiếp khách rồi từ tốn hỏi chuyện. Phụ huynh trình bày rằng chị ấy nghe con kể bị cô chủ nhiệm phạt, phải đứng trước cửa lớp. Ngoài ra, theo lời A., giờ các bạn học thể dục, cô chủ nhiệm bắt em ở lại lớp, không cho đi học. Phụ huynh còn tỏ ra có hiểu biết bằng cách nêu tên một số quy định trong ngành giáo dục về việc giáo viên vi phạm cắt giảm chương trình học của học sinh (Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT). Chị rất bức xúc và mong muốn lãnh đạo trường sẽ có biện pháp xử lý thích đáng đối với cô chủ nhiệm Y. Thầy hiệu trưởng trấn tĩnh phụ huynh bằng thái độ ân cần và hứa sẽ giải quyết sự việc một cách êm đẹp.

Sau khi phụ huynh ra về, thầy mời cô Y. vào phòng và thông báo với cô về thông tin vừa trao đổi với phụ huynh em A. Cô Y. chia sẻ sự việc như sau: Ba mẹ em A. dù chưa ly dị trước pháp luật nhưng trên thực tế đã sống ly thân, mẹ thường xuyên đi công tác ít gần con. Em A. chỉ được ba đưa đón nên hay bị bạn bè trêu chọc rằng không có mẹ. Đôi khi em A. nổi nóng và có những lời lẽ không hay với các bạn. Đỉnh điểm là vào tuần trước, em A. đã đánh một bạn cùng lớp vì bị bạn chọc nhiều lần về việc không có mẹ. Cô đã mời A. ra nói chuyện riêng trước cửa lớp, hỏi em vì sao đánh bạn và giáo dục em không được đánh bạn dù bất cứ lý do gì. Bên cạnh đó, cô còn khuyên bảo học sinh trong lớp rằng hoàn cảnh A. rất đáng được thông cảm hơn là bị chọc ghẹo. Sau đó, cô cho A. vào lớp, em đã xin lỗi bạn bị đánh cũng như các bạn trong lớp hứa sẽ không chọc A. nữa.

Về việc tự ý cắt giảm chương trình học của em A., cô Y. trình bày rằng em đang yếu môn toán, cô đã giữ em ở lại lớp vào giờ học võ thuật (là một trong 2 tiết giờ năng khiếu tự chọn, không thuộc chương trình của Bộ GD-ĐT). Việc cô Y. giữ em A. ôn tập toán trong giờ học võ thuật nằm trong kế hoạch “phụ đạo học sinh yếu” của cô, đã được sự đồng thuận của ba em và sự phê duyệt của cô phó hiệu trưởng chuyên môn. Nói chuyện với cô Y. xong, thầy hiệu trưởng kiểm chứng lại thông tin bằng cách trao đổi với cô phó hiệu trưởng chuyên môn để nắm kế hoạch phụ đạo chi tiết. Giờ ra chơi thầy còn đến lớp cô Y. và hỏi chuyện một vài học sinh.

Nắm được thông tin hai chiều từ phụ huynh và cô Y., thầy hiệu trưởng tổ chức một buổi họp gồm có phụ huynh em A., cô Y. và cô phó hiệu trưởng chuyên môn. Thầy mở đầu buổi họp bằng việc cảm ơn phụ huynh đã quan tâm đến việc học của con, dành thời gian cho buổi họp, cám ơn phụ huynh đã tin tưởng gửi con cho nhà trường giáo dục. Thầy cho cô Y. trình bày lại sự việc với những văn bản, kế hoạch phụ đạo của cô. Cuối cùng thầy gửi lời xin lỗi phụ huynh về những hiểu lầm không đáng có và mong phụ huynh hãy dành nhiều thời gian cho con để có thể nắm trọn vẹn những thông tin từ phía nhà trường. Buổi họp kết thúc trong không khí ấm áp, phụ huynh em A. đã xin lỗi cô Y., cảm ơn cô vì sự tận tâm dành cho A. và hứa sẽ dành nhiều thời gian cho con, bình tĩnh kiểm chứng thông tin trước khi có những hành động không hay.

Kết luận

Qua sự việc trên, có thể thấy rằng thầy hiệu trưởng đã nắm vững quy chế chuyên môn, kiến thức quản lý, đồng thời đã rất khéo léo trong cách ứng xử với phụ huynh và cả giáo viên. Trong khi phụ huynh đang bức xúc và to tiếng ngay giữa sân trường trước sự có mặt của rất nhiều phụ huynh khác thì thầy đã mời phụ huynh vào nói chuyện ở phòng tiếp khách, tránh gây náo loạn trật tự và lan truyền những thông tin không chính xác ảnh hưởng đến uy tín nhà trường. Có thể nói đây là nghệ thuật làm chủ tình thế và nghệ thuật lắng nghe. Thầy hiệu trưởng không tiếp nhận thông tin một chiều, vội vàng dựa vào các văn bản mà máy móc ra quyết định kỷ luật hay trách mắng cô Y. Thầy đã tìm hiểu từ cô Y. và cả học sinh trong lớp cô dạy. Đó là nghệ thuật nắm thông tin. Khi trao đổi với phụ huynh, thầy xin lỗi họ về những hiểu lầm (chứ không xin lỗi về sai phạm của cô Y.), thầy không nói phụ huynh sai, cô Y. đúng mà cho là có sự hiểu lầm về thông tin. Nhờ vậy, phụ huynh không cảm thấy tự ái. Đó là nghệ thuật giao tiếp. Nhà trường đã hiểu sâu hơn về hoàn cảnh em A. để có biện pháp giúp đỡ kịp thời. Ngoài ra, thầy còn phát hiện và nêu gương sự tâm huyết của cô Y. Đó là nghệ thuật dùng người.

Sự việc trên làm sáng tỏ luận điểm “Quản lý là một nghề vừa có tính khoa học, vừa có tính nghệ thuật”.

Đặng Dân Phú
Nghiêm Ý

Bình luận (0)