Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Làm gì khi trẻ bị lạm dụng tình dục?

Tạp Chí Giáo Dục

Cha mẹ cần quan tâm nhiều để trẻ tránh bị LDTD (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: T.L

Gần đây, những cảnh báo mới về tình trạng lạm dụng tình dục (LDTD) trẻ vị thành niên được đưa ra bởi tính phức tạp và nhạy cảm của vấn đề. Bởi vì, một khi đã bị LDTD thì tâm lý, tinh thần của các em thường bị khủng hoảng trầm trọng, kéo dài.
“Giao trứng cho ác”
Chồng đi công tác xa, chị Nguyễn Thị Phượng (Long An) mở một quán hàng tạp hóa ngay tại nhà, vừa có đồng ra đồng vào lại tiện trông nom cô con gái mới 3 tuổi. Phía sau nhà chị là một xí nghiệp nên khách mua hàng quen cũng khá đông. Mỗi khi đi lấy hàng, chị Phượng vẫn nhờ những người quen ở đó trông hộ nhà và con gái. Ngày hôm đó, chị cũng gửi con cho một thanh niên là công nhân của xí nghiệp thường sang mua hàng của nhà chị. Đi lấy hàng gần 2 tiếng đồng hồ, về đến nhà, chị thấy con bé cứ bám riết lấy mẹ khóc oằn người, dỗ thế nào cũng không nín. Nghi ngờ có chuyện không hay xảy ra, chị Phượng vội mang con lên trạm y tế huyện khám và được xác định có dịch tinh trùng ở vùng kín của con. Nhìn con bé ngơ ngác, thất thần, người mẹ trẻ càng đau đớn đến điên dại, trách mình đã tin người mà “giao trứng cho ác”.
Đây thực sự là một bài học cho các bậc phụ huynh khi quyết định gửi con cho người khác. Người đó có thể hiền lành, tốt tính, nhưng trong hoàn cảnh chỉ có một mình với bé trong thời gian dài như vậy vẫn có thể nảy sinh những ham muốn không kiểm soát được. Qua câu chuyện cho thấy trẻ không đủ vốn từ, cũng như không đủ khả năng diễn đạt cho chúng ta biết chuyện gì đã xảy ra. Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm đến những dấu hiệu bất thường xuất hiện ở con trẻ như: Thay đổi tính khí thất thường, không cho bố mẹ đụng chạm vào chỗ kín…
Cách ứng xử khi trẻ bị LDTD
Khi trẻ bị LDTD, các bậc phụ huynh cần biết một số cách ứng xử để tránh làm trẻ tổn thương thêm:
Tin tưởng: Trẻ đã phải dằn vặt rất nhiều trước khi quyết định nói ra, và chúng cũng sợ người lớn quở trách, kết tội hoặc không tin. Vì thế nếu bạn tỏ ra nghi ngờ, trẻ sẽ khép lòng lại và bạn khó giúp đỡ con được. Ngược lại, sự tin tưởng của bạn sẽ góp phần giúp con vượt qua sang chấn, giảm nỗi đau.
Cố bình tĩnh: Khi biết chuyện, phụ huynh, nhất là các ông bố, thường nổi cơn thịnh nộ. Điều này sẽ làm trẻ, vốn đang sợ hãi, mặc cảm, suy diễn rằng chính trẻ là người có lỗi. Vì vậy, nên cố gắng bình tĩnh, cho con biết rằng nhiều trẻ cũng bị như vậy để nó thấy rằng mình không bị cô độc. Các bà mẹ thường hay quan tâm con mình quá mức có thể không kiềm chế được cảm xúc nên la lên hoặc bật khóc, lo sợ trước mặt trẻ, như thế sẽ làm cho trẻ căng thẳng hơn.
Lắng nghe: Các bậc phụ huynh nên chăm chú nghe những gì trẻ muốn nói, đừng thăm dò bằng cách hỏi thêm theo ý chủ quan của mình vì có thể làm bóp méo bằng chứng. Chấp nhận những gì con nói với mình, không phán xét, vặn vẹo, thêm bớt.
Khuyến khích trẻ nói ra cảm giác của mình: Hãy nói với con rằng con đã làm đúng và thật dũng cảm khi kể lại. Nên làm trẻ vững dạ bằng câu nói: “Bố mẹ sẽ ở bên cạnh con nếu con muốn”, “Bố mẹ sẽ cùng con giải quyết chuyện này”. Bạn cần khẳng định với con rằng sự việc xảy ra hoàn toàn không phải do lỗi của trẻ.
Chuẩn bị cho con lường trước những điều có thể xảy ra: Bạn đừng hứa với trẻ là sẽ không nói với ai bởi bạn khó thực hiện nếu trình báo. Tốt nhất là nên chuẩn bị tinh thần cho trẻ, làm cho con hiểu rằng sẽ không thể một mình vượt qua chuyện này, mà cần phải có sự giúp đỡ của nhiều người khác. 
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, khi con bị lạm dụng, tốt nhất là không nên nhắc đến chuyện này, để cho trẻ dần quên đi. Theo thời gian, khi thấy con có vẻ bình thường, họ thở phào nghĩ mọi chuyện đã qua. Nhưng thực tế, nhiều trẻ mang nỗi ám ảnh, đau đớn đến tuổi trưởng thành, thậm chí không dám yêu và kết hôn dù vẻ ngoài “rất ổn”. Nhiều nhân cách bị lệch lạc vì vết thương lòng tuổi ấu thơ. Nếu không được giải tỏa, những ký ức hãi hùng đó không bao giờ mất đi. Trẻ cần phải nói ra, cần chia sẻ và đối mặt với sự việc để thoát ra khỏi ảnh hưởng của nó. Vì vậy, thay vì né tránh, phụ huynh nên giúp con giải tỏa với sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý. Qua trị liệu, trẻ sẽ chấp nhận thực tế rằng tai nạn quả thật đã xảy ra và các em có thể vượt qua để sống tiếp. Trẻ sẽ biết rằng nhân phẩm của mình không vì thế mà trở nên nhơ bẩn.
Đỗ Văn Sự
(Chuyên viên tâm lý Trung tâm Đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt TP.HCM)
Một vấn đề cốt lõi là các bậc phụ huynh phải làm sao tạo cho trẻ môi trường sống thật tốt, quan tâm đến trẻ thật nhiều để việc bị LDTD không thể xảy ra.
 

Bình luận (0)