Khi trẻ bỏ nhà đi bụi, dù chủ đích với thời gian ngắn hay dài thì rõ ràng đã có bế tắc và xung đột trong tâm lý trẻ. Dưới đây là hai trường hợp học sinh bỏ nhà đi bụi vì mâu thuẫn với gia đình.
Tham vấn viên đang tư vấn cho một nữ sinh THCS khi em có mâu thuẫn với cha mẹ (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi
Trường hợp 1:
Thanh (học sinh lớp 9 ở quận Phú Nhuận, TP.HCM) bỏ nhà theo bạn đi bụi khi gần đến ngày thi tuyển sinh vào lớp 10. Cả gia đình tán loạn chạy đi tìm, gọi cho người này người kia hỏi thông tin… Tất cả đều vô vọng, vì em không nghe điện thoại của ai. Khi tôi đến nhà phụ huynh sau khi nhận được tin nhờ giúp đỡ, tôi liền gọi cho Thanh thì em bắt máy sau gần chục cuộc điện thoại và mấy tin nhắn nhẹ nhàng cho em.
Thanh nghe điện thoại và chỉ muốn gặp riêng tôi, vì tôi gần gũi em nhất mà không phải là người thân trong gia đình. Em kể rằng cha mẹ lo lắng cho kỳ thi lên lớp 10 nên đã hối thúc em học liên tục, kể cả thuê thầy về dạy kèm (trong đó có tôi). Thanh nói em muốn ngủ, nhưng khi ngủ em có cảm giác bị ai đó gọi dậy, mơ màng với những bài văn, bài toán chưa làm xong. Song thực tế, thì em cũng học được tương đối và hoàn thành bài tập chứ không như giấc mộng.
Nhưng, tôi rất đồng ý với cách tiếp cận vấn đề của gia đình phụ huynh này. Vì biết chính những người trong gia đình tạo áp lực cho con nên khi Thanh trở về phụ huynh đã “dành trọn” cuộc trò chuyện đầu tiên cho thầy giáo tâm sự. Qua thầy giáo được Thanh tin tưởng và quý mến, gia đình hiểu con hơn, lắng nghe con nhiều hơn. Không còn yêu cầu phải đạt bao nhiêu điểm nữa mà “Ba mẹ muốn con cố gắng hết sức, điểm số quan trọng nhưng cái ba mẹ muốn nhìn thấy ở con là sự vươn lên dù kết quả không được như mong đợi. Ba mẹ tin ở con”.
Trường hợp 2:
Chị Thủy – một phụ huynh ở quận Tân Phú – lại la mắng con mình “te tua” khi trong tháng 9 đầu năm học này, con chị – Khánh (học sinh lớp 7) – đã nhận tới 5 bản kiểm điểm. Lý do, nào là nói chuyện, nào là không thuộc bài, nào đánh bạn… Không nghe Khánh giải thích, cứ cho rằng em ngụy biện không chịu nhận lỗi nên chị đã đánh con. Sống gần nhà chị Thủy, tôi biết chị và chồng đi làm suốt ngày không có thời gian nói chuyện cùng con. Những buồn bực, những khủng hoảng trong tâm sinh lý, những mối quan hệ trong độ tuổi đã không được cha mẹ sẻ chia, trong khi Khánh nhạy cảm hay chống đối cha mẹ và thầy cô. Rồi, điều gì đến đã đến, một hôm em đi học và không về. Suốt buổi tối cả nhà chạy tìm khắp nơi, cuối cùng gặp Khánh chơi game cùng vài đứa bạn “cùng chí hướng” bỏ nhà đi bụi trong một tiệm net. Khi về, chị Thủy đánh con nhừ tử, nhưng Khánh lại không khóc. Đây là điều nguy hiểm vì bị đánh đau mà không khóc chứng tỏ em rất gan lì, sẵn sàng chịu đánh đau chứ không nghe lời cha mẹ. Chưa thể kết luận được hai trường hợp trên sẽ như thế nào trong thời gian sắp tới, nhưng bất cứ một sự “trở về” nào cũng đáng trân trọng.
Để tạm kết, tôi xin kể một câu chuyện về cách mà gia đình đón con… quay về. “Một người cha người Do Thái có hai con trai, anh con đầu chăm chỉ làm việc, nuôi cừu nuôi heo phụ giúp cha, còn anh con thứ ăn chơi trác táng, không biết lo cho gia đình. Một hôm anh con trai thứ về nhà đòi cha chia tài sản và sau nhận được phần của mình, anh ra đi tới một vùng khác để chơi bời, rượu chè say sưa. Khi hết tiền anh đi nuôi heo cho một gia đình địa phương trong vùng. Có lúc đói, anh mong được ăn thức ăn của heo mà không được. Rồi anh nghĩ, kẻ hầu người hạ của cha mình ở nhà còn sướng gấp nhiều lần mình. Anh quyết định trở về. Anh nghĩ trở về xin lỗi cha và chỉ xin làm kẻ đầy tớ cho cha là may mắn cho mình rồi. Nhưng, khi anh con thứ đang rụt rè tiến bước về hướng nhà thì người cha (ngày ngày đứng đợi con ở ngõ) đã chạy vội ra ôm lấy con, hôn lấy hôn để. Sai đầy tớ lấy quần áo đẹp mặc cho con, mổ heo mổ cừu béo mừng con trở về như “con ta đã chết nay sống lại”, đón nhận con mình và phục hồi vị trí con thứ cho cậu”.
Nguyễn Minh Thanh (TP.HCM)
Bình luận (0)