Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Làm gì khi trẻ sợ vào lớp 1?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
 Sau mấy ngày đầu đến lớp, nhiều bé nôn ọe, đau bụng, mất ngủ và không chịu đi học. Đó chính là chứng ám sợ học đường ở trẻ mới vào lớp một.
Rất nhiều trẻ sau những ngày đầu vào lớp một có những biểu hiện bất thường về tâm sinh lý như hay khóc nhè, nôn ọe, đau bụng, ngủ không ngon và không sâu, kém ngoan, bất hợp tác và không muốn đến lớp… Theo thạc sĩ tâm lý Nguyền Thị Anh Thư,  ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, đó là chứng sợ học đường ở trẻ từ nầm non vào lớp một. Hội chứng này bắt nguồn từ sự thay đổi đột ngột môi trường học tập và vui chơi, cách thức học tập, giao tiếp… Nói cách khác, trẻ chưa được chuẩn bị tâm thế (sẵn sàng về tâm lý) trước khi bước vào lớp một.
Dưới đây là một số giải pháp chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp một trong năm học tới.
Bảo đảm cho con sức khỏe tốt nhất
Một cơ thể khỏe mạnh là tiền đề quan trọng cho việc tiếp thu kiến thức và hoạt động vui chơi của trẻ. Chuẩn bị về sức khỏe cho con không đơn thuần là phát triển chiều cao, trọng lượng cơ thể mà còn tạo cho con sự bền bỉ, dẻo dai, có khả năng chống lại sự mệt mỏi của thần kinh, cơ bắp, có độ khéo léo của bàn tay, tính nhanh nhạy của các giác quan…
Để trẻ có được các phẩm chất đó, cha mẹ và các giáo viên mầm non cần tạo chế độ sinh hoạt, ăn uống, học tập, nghỉ ngơi, luyện tập… hợp lý về thời gian cũng như phù hợp với đặc điểm phát triển riêng của từng trẻ.
Chuẩn bị nền tảng trí tuệ
Nền tảng trí tuệ của trẻ ở bậc học mầm non chính là những hiểu biết ban đầu về bản thân, về thế giới các loài cây và con vật, các hiện tượng thời tiết xung quanh, mối quan hệ của trẻ với bạn và người khác… và đặc biệt là mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng với nhau.  Điều đó giúp trẻ chủ động trong các hoạt động học tập và vui chơi. 
Trẻ cần được dạy và được rèn luyện về các thao tác trí tuệ. Trẻ cần hiểu biết vể bản thân, gia đình, môi trường xung quanh, các biểu tượng về thời gian, không gian, đồng thời có kỹ năng so sánh, phân tích, tổng hợp…. Nâng hiểu biết nhất định của trẻ về các sự vật, hiện tượng xung quanh như nắng, mưa, nóng, lạnh, thứ bậc trong gia đình…
Chuẩn bị về ngôn ngữ 
Khi trẻ vào lớp một, tất cả nội dung, kiến thức đều phải truyền đạt thông qua tiếng mẹ đẻ. Vì vậy việc chuẩn bị cho trẻ sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ trong sinh hoạt hằng ngày là việc quan trọng nhất. Mặt khác, trẻ có ngôn ngữ mạch lạc phát triển tốt thì các quá trình tâm lý như tư duy, tưởng tượng, trí nhớ, tri giác… cũng theo đó mà phát triển.
Cần quan tâm sát sao đến sự phát triển ngôn ngữ, khả năng sử dụng ngôn ngữ của trẻ trong cuộc sống hằng ngày. Hãy thông qua giao tiếp với trẻ,  lắng nghe trẻ nói, đọc truyện cho trẻ nghe để uốn nắn trẻ không nói ngọng, nói lắp, nói lí nhí.  Hình thành ở trẻ một số kỹ năng chuẩn bị cho việc đọc, viết, thông qua các hoạt động sinh hoạt, học tập, lao động, các buổi tham quan, dạo chơi
Khuyến khích trẻ sử dụng tiếng mẹ đẻ, mở rộng vốn từ về thế giới xung quanh, tập cho trẻ biết diễn đạt một cách rõ ràng, mạch lạc. Khuyến khích trẻ đặt câu hỏi và tập cho trẻ cách đặt câu hỏi về điều mà trẻ quan tâm.
Truyền cho trẻ sự tự tin
Theo các nhà khoa học, yếu tố tự tin trong các hoạt động phù hợp với lứa tuổi sẽ tạo đà cho trẻ phát triển về tư duy và năng lực sau này. Việc trẻ tự tin thực hiện nhiệm vụ một cách độc lập, có khả năng tập trung, chấp hành những qui định và sự chỉ dẫn của người lớn là vô cùng thiết yếu giúp trẻ học tập tốt ở lớp một.
Khi tự tin, trẻ sẽ học được cách chủ động, độc lập trong việc thực hiện nhiệm vụ đến cùng. Vì vậy, hãy  để trẻ được tự làm những việc từ đơn giản nhất đến khó dần, như tự đánh răng, tự rửa mặt, tự lựa chọn các đồ chơi, tự ăn uống… và lựa chọn quần áo dưới sự quan sát của người lớn. Khi trẻ làm, việc người lớn cần hướng dẫn, quan sát và  khích lệ, giúp đỡ khi trẻ thật sự cần.
Cho trẻ tham gia khóa học chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp một
Hiện có nhiều lớp chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp một. Đây là một lựa chọn ưu việt cho các bậc cha mẹ quan tâm đến con nhưng chưa có nhiều thời gian dành cho con, chưa biết cách chuẩn bị tâm thế cho con. Ở các lớp này, trẻ được tham gia các hoạt động và trò chơi khám phá môi trường mới, được rèn luyện một số kỹ năng cơ bản của hoạt động học tập như việc sắp xếp bàn ghế, cách cầm bút, cầm sách, mở sách, tư thế ngồi đúng… 
Bên cạnh đó, trẻ được trang bị những kỹ năng khác như giới thiệu về bản thân và nghe bạn giới thiệu về mình, tham gia các trò chơi tập thể, các trò chơi theo nhóm. Trẻ còn được tham gia khám phá môi trường mới, thế giới cỏ cây và muôn loài,  được trang bị cách điều khiển bàn tay nhỏ bé của mình, điều khiển cơ thể để thực hiện một cách gọn gàng, dẻo dai các thao tác vận động trong học tập thông qua các trò chơi
Theo Đất Việt
 


 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)