Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Làm gì khi trẻ thích phản biện trên mạng?

Tạp Chí Giáo Dục

Trong bối cảnh phát triển của kỹ nghệ, ngày nay, hầu như mọi trẻ đều tiếp xúc ít nhiều với mạng xã hội. Ngoài mục đích để thể hiện cuộc sống hàng ngày của bản thân và giao tiếp bạn bè, các trang cá nhân còn là nơi để trẻ chia sẻ những vấn đề đang quan tâm. Đặc biệt, có nhiều trường hợp trẻ rất thích bình luận các vấn đề xã hội. Quan tâm đến các vấn đề xã hội là tốt; góp phần phản biện và chia sẻ những góc nhìn của bản thân lại càng tốt hơn nữa, nhất là với ý kiến, góc nhìn của người trẻ. Tuy vậy, trong nhiều tình huống, trẻ đã tỏ ra có phần nôn nóng trong việc nắm bắt câu chuyện, mang nhiều bức xúc khó chịu khi đánh giá vấn đề. Có những trang cá nhân chỉ dày đặc những câu chữ chửi bới, ngôn ngữ có phần kích động, tiêu cực… Vậy chúng ta làm gì khi trẻ thích bình luận trên mạng xã hội? Thiết nghĩ, đó là trách nhiệm của cả gia đình và nhà trường. 

Phụ huynh cần lưu ý theo dõi các câu chuyện mà trẻ chia sẻ. Nếu trẻ nhìn nhận đúng bản chất của sự việc thì nên khuyến khích các em đưa ra những phân tích thuyết phục, giải pháp mang tính xây dựng, giải quyết vấn đề. Từ đó phát huy thái độ dấn thân của trẻ đối với xã hội. Nhưng nếu trẻ chưa có cái nhìn chính xác, toàn diện về vấn đề thì phụ huynh cần dành thời gian trao đổi để các em hiểu rõ hơn tính chất của câu chuyện mà mình đang quan tâm. Cần để trẻ nhận thức được rằng nếu không nắm bắt ngọn ngành thì những nhận định của chúng ta chỉ là ý kiến phiến diện, một chiều, chưa thỏa đáng và chưa thuyết phục. Đặc biệt, phụ huynh cần tập cho trẻ thái độ bình tâm khi tiếp nhận một vấn đề bất kỳ trong cuộc sống. Sự bình tâm giúp cho trẻ có độ dừng, độ lùi đủ để lựa chọn những từ ngữ phù hợp khi tranh luận, vốn thường nặng về hùng biện, và mang tính chất trái chiều.

Ở góc độ của trường học, thầy cô giáo cần lồng ghép trong các giờ giảng chuyên môn hoặc giờ sinh hoạt lớp những nội dung liên quan đến phản biện xã hội sao cho văn minh, lịch sự, hữu ích và hiệu quả. Trẻ cần ý thức được việc sử dụng ngôn từ chuẩn mực cũng là một hình thức cho thấy giá trị của lời phản biện. Ở phương diện tổ chức, nhà trường cần thiết kế và thực hiện các chuyên đề trong giờ chào cờ hoặc những buổi nói chuyện riêng biệt với các chủ đề liên quan đến nhận thức và chia sẻ quan điểm cá nhân trên mạng xã hội. Song song đó, nhà trường cũng từng bước đưa ra các nội quy học đường nhằm siết chặt tình hình chửi bới vô tội vạ của học sinh trên mạng xã hội.

Trần Xuân Tiến

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)