Nhiều thửa đất, căn nhà bị giả mạo toàn bộ giấy tờ, từ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất đến hộ khẩu, CMND… rồi đem đi bán mà chủ đất không biết.
Sổ đỏ trong vụ mua bán của ông N.Q.V. đang được cơ quan công an giám định – Ảnh: Hữu Thuận |
Mới đây, trong lúc kiểm tra hồ sơ công chứng hợp đồng mua bán căn nhà tại đường Nguyễn Hữu Dật, P.Tây Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM), chuyên viên Phòng công chứng Việt An (Q.Bình Tân) phát hiện nhiều giấy tờ được làm giả và báo ngay cho cơ quan công an.
Tuy nhiên, người bán đã nhanh chóng biến mất.
Thuê nhà, làm giả giấy tờ để đi lừa
Người mua là vợ chồng bà B.T.T. (Q.Bình Thạnh) sững sờ vì mất 500 triệu đồng. Qua một “cò” đất, bà T. được giới thiệu mua căn nhà nói trên. Để yên tâm, vợ chồng bà đến tận nơi tìm hiểu.
Hôm đó có hai người được giới thiệu là chủ nhà còn niềm nở mở cửa cho bà xem nhà. Họ đưa bản chính sổ đỏ, giới thiệu rành rẽ gốc tích căn nhà. Do chủ nhà làm ăn thua lỗ, cần tiền trả nợ nên bán gấp.
Ngay sau đó, bà T. thỏa thuận mua với giá 2,3 tỉ đồng. Hai bên hẹn ngày ra công chứng ký hợp đồng. Bà T. kể ngày đi công chứng, vợ chồng người bán nói bị bệnh bịt mặt kín mít, đứng ngồi nhấp nhổm.
Trong lúc chờ kiểm tra giấy tờ, họ nói bà T. cho ứng trước 500 triệu đồng trả nợ. Số tiền còn lại ký xong sẽ trả. Bà T. đưa tiền ngay không mảy may nghi ngờ. Một lúc sau họ nói đi mua thuốc uống rồi “chuồn” biệt tăm. Bà T. gọi điện thì máy tắt ngấm.
Sau khi phát hiện giấy tờ giả, bà T. lập tức đến địa chỉ thường trú của chủ nhà là ông N.X.P. (Q.Tân Bình) tìm hiểu. Nghe tin nhà của mình bị bán, ông P. hoảng hồn. Ông đưa cho bà T. xem giấy tờ tùy thân, sổ đỏ căn nhà.
Đối chiếu toàn bộ thông tin của chủ đất ghi trong hai hợp đồng mua bán đều giống nhau. Các con dấu, chữ ký của cơ quan chức năng và chữ ký người bán gần như một. Người bán chỉ thay hình ảnh của họ vào hai CMND mang thông tin chủ nhà.
Ông P. cho hay một tuần trước ngày việc mua bán giả bị phát hiện, ông có đăng báo tìm người cho thuê hoặc bán căn nhà. Ngay hôm sau có người tới đặt hai tháng tiền cọc để thuê nhà lâu dài. Người này yêu cầu lấy chìa khóa vào sửa lại nhà trước khi dọn đến ở.
Sau đó ông có lên nhà kiểm tra một lần. Thấy người thuê mua vật liệu đổ trước nhà ông mới yên tâm giao nhà. Nghe tin nhà bị đem bán, ông gọi ngay cho người thuê nhưng không liên lạc được. Căn nhà cũng khóa cửa kín mít.
Chuyên viên Nguyễn Thế Cần – Phòng công chứng Việt An, người phát hiện giấy tờ bị giả mạo – cho biết toàn bộ giấy tờ, hồ sơ người bán cung cấp giống như thật. Con dấu, chữ ký của các cơ quan chức năng và chủ nhà khá chính xác, đúng chuẩn quy định.
Tuy nhiên, ông thấy hình quốc huy trên CMND có dấu hiệu khác thường về kích thước, hình vẽ. Kiểm tra kỹ toàn bộ hồ sơ, ông phát hiện thêm giấy đăng ký kết hôn, hộ khẩu người bán cũng làm giả.
Theo ông Cần, hiện việc làm giả giấy tờ để mua bán nhà đất rất phổ biến. Hầu như phòng công chứng nào cũng gặp phải. Nếu giấy tờ bị làm giả hoàn toàn sẽ rất dễ phát hiện.
Tuy nhiên, người bán thường tinh vi bằng cách dùng phôi thật, in thông tin của chủ đất lên để qua mắt công chứng viên.
Làm giả… như thật
Nhiều hồ sơ làm giả đã qua mắt công chứng viên, việc mua bán trót lọt khiến người mua đất, nhà điêu đứng.
Tháng 4-2015, ông N.Q.V. (Q.Bình Thạnh) đến một phòng công chứng tại Q.Bình Tân để ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất trên đường Huỳnh Văn Nghệ (Q.Gò Vấp). Thủ tục nhanh chóng được công chứng, ông V. trả hết tiền mua đất cho người bán.
Một tháng sau, ông đi đóng thuế và đến chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.Gò Vấp đăng ký sang tên. Ông V. được thông báo thửa đất đã được bán cho người khác.
Tá hỏa, ông gọi điện cho “chủ đất” nhưng không được. Lên tận nhà tìm thì họ đã chuyển đi. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.Gò Vấp sau đó mời ông lên làm việc với vợ chồng chủ đất. Chủ đất khẳng định không biết ông, còn thửa đất họ đã chuyển nhượng cho một người khác.
Hiện người mua đã cập nhật tên trong sổ đỏ và đang xây dựng nhà ở. Ông V. kể trước khi mua, một “cò” đưa ông đến tận nơi xem đất, sau đó chở đi gặp “chủ đất” để thương lượng giá cả.
Hai bên đồng ý giá bán 1,5 tỉ đồng. “Nghĩ hợp đồng mua bán có công chứng là yên tâm, ai ngờ giấy tờ bị làm giả tinh vi vậy…” – ông V. nói.
Cũng với việc bị làm giả giấy tờ, thửa 575 tại ấp 6, xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) do vợ chồng ông N.V.L. đứng tên sổ đỏ đã bị bán. Năm 2007, ông L. bán một phần thửa đất và căn nhà trên đất cho người khác. Sau đó ông đi làm thủ tục tách thửa, hợp thức hóa nhà cho người mua.
Quá trình nộp hồ sơ, sổ đỏ của ông L. bị thất lạc. Công an xã Đông Thạnh sau đó có văn bản xác nhận việc sổ đỏ bị mất.
Tuy nhiên, một thời gian có người đến báo toàn bộ thửa đất của ông đã được bán với giá 1 tỉ đồng. Người này đưa cho ông hợp đồng mua bán có công chứng. Mọi thông tin chủ đất đều giống của vợ chồng ông. Chỉ có hình ảnh trên CMND bị đổi.
Công an xã Đông Thạnh cho biết do sơ suất của cán bộ UBND xã Đông Thạnh trong việc tiếp nhận hồ sơ làm thất lạc bản chính sổ đỏ, tạo điều kiện cho các đối tượng có cơ hội thực hiện hành vi lừa đảo.
Trong văn bản gửi Phòng tài nguyên – môi trường huyện Hóc Môn, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.5 cho biết qua điều tra nhận thấy việc ông L. bị mất sổ đỏ nhưng lại bị người khác mạo danh để dùng sổ đỏ này bán đất cho người khác, có dấu hiệu làm giả giấy tờ và giả mạo chữ ký của ông L. nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Đến văn phòng đăng ký đất đai nhờ tư vấn Luật sư Nguyễn Văn Phú (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết để hạn chế rủi ro vì giấy tờ bị giả mạo, những người có nhu cầu chuyển nhượng đất, nhà chỉ nên cung cấp bản photo sổ đỏ cho người có nhu cầu tìm hiểu. Hạn chế cung cấp quá nhiều giấy tờ liên quan đến thông tin cá nhân, tạo điều kiện cho người có ý đồ xấu lợi dụng làm giả. Đối với người bị mất sổ đỏ cần trình báo ngay cho công an phường, xã để làm thủ tục xin cấp mới. Quan trọng nhất khi muốn mua đất, nhà thì người mua phải đến chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện tìm hiểu kỹ thông tin quy hoạch, tình trạng tranh chấp của thửa đất. Thậm chí để chắc chắn cần tìm hiểu thêm thông tin về nhân thân của chủ đất. |
TIẾN LONG/TTO
Bình luận (0)