Qua kiểm tra tại Cơ sở dạy nghề – Tạo việc làm cho người tàn tật và trẻ mồ côi Hà Tĩnh (tại xã Thạch Bình- TP Hà Tĩnh), cơ quan chức năng đã phát hiện trung tâm này đã làm giả con dấu, chữ ký của hơn 10 tổ chức trên địa bàn để được hỗ trợ tiền tỷ.
Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC 15) – Công an Hà Tĩnh vừa phối hợp với 1 số cơ quan chức năng khác tiến hành kiểm tra Cơ sở dạy nghề – tạo việc làm cho người tàn tật và trẻ mồ côi Hà Tĩnh (xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh), do ông Phạm Công Ngụ (SN 1966) làm giám đốc.
Ảnh trái: Máy chủ có chứa nhiều mẫu dấu và chữ ký của nhiều cơ quan trên Hà Tĩnh bị tạm giữ. Ảnh phải: Con dấu và chữ ký của UBND xã Thạch Vĩnh (Thạch Hà) – 1 trong những sản phẩm của "công nghệ" này. (Ảnh: Duy Tuấn) |
Bước đầu, các cơ quan chức năng đã phát hiện cơ sở này có dấu hiệu về hành vi làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nhà nước và các tổ chức từ thiện.
Thủ đoạn cơ sở này là quét vào máy chủ của trung tâm các mẫu dấu và chữ ký của cán bộ chủ chốt cấp xã và cơ quan, gồm: Mẫu dấu của UBND Thành phố Hà Tĩnh, UBND xã Thạch Bình và UBND của 7 xã khác thuộc huyện Thạch Hà (Thạch Việt, Thạch Thắng, Thạch Kênh, Thạch Vĩnh…) và cả phòng khám đa khoa…
Sau khi 1 “khóa học” kết thúc, sơ sở này sẽ dùng những con dấu và chữ ký có sẵn trong máy tính này để lập thành hồ sơ danh sách các học viên khuyết tật, trẻ mồ côi đã được đào tạo, xin dự án, nhận tiền hỗ trợ từ Nhà nước và các tổ chức khác.
Thủ đoạn của Cơ sở này là lập các danh sách học viên được đào tạo có xác nhận của chính quyền địa phương, nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức. (Ảnh: Duy Tuấn) |
Trong năm 2008, với thủ đoạn tinh vi trên, trung tâm này đã xin được Dự án hỗ trợ cải thiện cho người nghèo (IPAD) Hà Tĩnh, Dự án khuyến công, xin ngân sách tỉnh, Hội hỗ trợ tàn tật mồ côi Việt Nam và lập các danh sách đã đào tạo người tàn tật để thanh quyết toán, nguồn kinh phí đã được hỗ trợ.
Bước đầu, mới phát hiện được số tiền mà trung tâm này chiếm đoạt được trong năm 2008 là khoảng hơn 1,3 tỷ đồng. Và có thể, con số sai phạm sẽ không dừng lại ở đó.
Cơ sở dạy nghề này được thành lập năm 2001, trong những năm tiếp theo ông Ngụ lại tiếp tục “xin” các cấp có thẩm quyền cho thành lập thêm 2 trung tâm nữa là: Trung tâm Thành Sen và Trung tâm Miền trung, đều do ông Ngụ làm giám đốc. Lúc cao điểm, ở 3 địa điểm này có tới hàng trăm trẻ em, người khuyết tật theo học.
Theo báo cáo của cơ sở này gửi tới các cơ quan chức năng về số lượng học viên khuyết tật được đào tạo tại trung tâm trong năm 2008 là 60 học viên, nhưng thực tế số lượng này là không chính xác.
Ông Phạm Công Ngụ – Giám đốc Cơ sở dạy nghề, tạo việc làm cho người tàn tật và trẻ mồ côi Hà Tĩnh. (Ảnh: Duy Tuấn) |
Khi vào học tại trung tâm, các trẻ khuyết tật chẳng những không được đào tạo như những gì trung tâm đã hứa mà phải lao động, làm các việc nặng nhọc, phục vụ trung tâm.
Chiều ngày 22/12, tại cơ quan điều tra, ông Phạm Công Ngụ đã thừa nhận 1 số sai phạm của mình, nhưng về các con dấu có sẵn trong máy chủ của trung tâm thì ông lại đổi cho 1 nhân viên trong cơ quan tự ý làm giả, bản thân ông không hề hay biết (?)
Ông Phạm Văn An – Phó Trưởng phòng PC 15, Công an Hà Tĩnh cho biết: ”Đoàn kiểm tra đã lập biên bản thu giữ bộ máy chủ chứa dữ liệu mẫu dấu mà cơ sở dạy nghề này dùng vào việc làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức. Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xác minh, mở rộng điều tra các sai phạm của ông Ngụ cũng như các trung tâm này”.
Theo Duy Tuấn (VietNamNet)
Bình luận (0)