Sinh viên Trường ĐHKHXH-NV đang dạy kèm cho “học trò” Tây tại khu tự học của trường |
Làm gia sư cho người nước ngoài? Nghe có vẻ lạ lẫm nhưng với nhiều người, đặc biệt là sinh viên (SV) giỏi ngoại ngữ thì đó là “nghề” dễ kiếm tiền và học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu.
“Nghề” của những người giỏi ngoại ngữ!
Gia sư – “nghề” quen thuộc với rất nhiều SV. Tuy nhiên, làm gia sư cho người nước ngoài thì không phải SV nào cũng làm được mặc dù thu nhập rất khá. Quỳnh Anh – SV năm cuối Khoa Ngữ văn Anh, Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM cho biết: “Hiện nay, nhu cầu về gia sư cho người nước ngoài, đặc biệt là người Hàn Quốc sinh sống, làm việc tại TP.HCM rất nhiều nên nhu cầu dạy tiếng Việt cho họ là khá lớn”. Yêu cầu đầu tiên để làm gia sư cho người nước ngoài là phải biết ngoại ngữ. Thứ hai là phải hiểu tiếng Việt và văn hóa Việt. Cao Văn Dương – hiện là nhân viên Ngân hàng Techcombank (cựu SV Khoa Ngữ văn Anh Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) cho biết: “Nếu là người sử dụng tiếng Anh, khi dạy mình vẫn ưu tiên sử dụng tiếng Việt vì họ đang học tiếng Việt. Nhưng khi giảng bằng tiếng Việt họ không hiểu thì mình dùng tiếng Anh giải thích”. “Cơ duyên” trở thành gia sư cho người nước ngoài cũng… khá ngẫu nhiên. Có bạn “bắt mối” khi trò chuyện với người nước ngoài ở khu tự học trong trường. Có bạn tìm mối dạy ở trung tâm dạy tiếng Việt. Có người nhờ bạn bè giới thiệu… Đối tượng học cũng rất đa dạng nhưng nhiều nhất là các doanh nhân người Hàn, người Nhật. Bởi khi sang làm việc ở Việt Nam, họ muốn trao đổi với nhân viên người Việt bằng tiếng Việt. Nhiều doanh nhân muốn tạo sự thân thiện với đối tác người Việt bằng cách sử dụng tiếng Việt khi gặp gỡ. Một số học viên là SV nước ngoài ở Khoa Việt Nam học Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM muốn học thêm ngoài giờ để nhanh chóng tiến bộ. Nhiều gia đình người Hàn Quốc sinh sống lâu năm tại TP.HCM nên người nhà cũng học tiếng Việt để tiện giao tiếp, đi lại. Và con em họ muốn thi vào Khoa Việt Nam học hay thi lấy bằng tiếng Việt cũng tìm đến gia sư. Bạn Trịnh Minh, cử nhân ngành tiếng Hàn, Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, nhiều năm làm gia sư cho người nước ngoài cho biết: “Có người hỏi tại sao trong sách viết vậy (sách học tiếng Việt dành cho người nước ngoài) nhưng khi giao tiếp người Việt không phát âm vậy? Đó là họ hỏi những từ sách dạy phát âm theo tiếng phổ thông nhưng trên thực tế, nhân viên của họ là người miền Tây, miền Trung lại phát âm khác. Thường thì nam giới dễ tính hơn phụ nữ, đặc biệt phụ nữ Hàn khá khó tính”. Địa điểm dạy và học cũng rất… ngẫu hứng. Nếu người học là SV thì thường địa điểm dạy và học là… ghế đá, quán cà phê, khu tự học. Nếu là doanh nhân, những gia đình người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam thì địa điểm là nhà họ, đến giờ người dạy đến nhà dạy. Một khác biệt so với người Việt Nam là người nước ngoài thường chú trọng việc học ở thực tế. Quỳnh Anh cho biết “Khi dạy bài ăn uống họ đưa mình đi nhà hàng, từ thực tế nhà hàng như gọi món ăn, kêu tính tiền… họ hỏi rất nhiều thứ”.
Làm chơi… ăn thiệt!
Đề cập đến thù lao, Quỳnh Anh cho biết “Thù lao 50-80 ngàn đồng/1 giờ”. Còn Minh bật mí “Em dạy một khóa là 12 buổi, một buổi một tiếng rưỡi, thù lao 1,4 triệu đồng. Cứ đến buổi thứ 12 là họ thanh toán tiền cho mình”. Với mức thù lao như vậy, xem ra thu nhập của những gia sư này cũng khá. Minh cho biết thêm “Hiện nay em dạy 5 suất. Trước tết em dạy đến mười mấy suất, dạy từ sáng đến tối, đầu tuần đến cuối tuần, lịch dạy kín mít. Thật ra, khi còn là SV em dạy để trau dồi vốn tiếng Hàn, nay ra trường rồi em dạy là để kiếm tiền. Không chỉ em, nhiều SV sau khi ra trường vẫn tiếp tục gắn bó với “nghề” này. Nhiều bạn đã xin được việc làm nhưng khi đi làm được vài tháng thấy vất vả quá nên trở lại đi dạy bởi “nghề” này nhàn hạ, lại có tiền”. Không chỉ là dạy và nhận thù lao, rất nhiều “thầy”, “cô” được học viên tin tưởng nên có thể trở thành bạn bè, người tư vấn, hướng dẫn viên cho họ. Thảo Nguyên – SV Trường ĐH Ngoại ngữ và Tin học là gia sư của một doanh nhân người Hàn Quốc cho biết: “Em đang định đi du học ở Hàn Quốc hay Úc để học ngành quản lý khách sạn. Khi dạy cho ông sếp người Hàn em học hỏi được rất nhiều. Khi biết em có ý định đi du học, ông ta đã cho em những lời khuyên, những phân tích rất sâu sắc. Đó là cái quý nhất khi làm gia sư cho ông ta”. Quỳnh Anh cũng vậy, hiện đang là SV năm cuối nhưng có hiện một trường ĐH ở Malaysia đã nhận sang dạy tiếng Việt sau khi cô tốt nghiệp. Chính quá trình làm gia sư giúp cô gái này tự tin hơn, nhiều kinh nghiệm giảng dạy hơn nên cô mới lọt vào “mắt xanh” của các nhà tuyển dụng nước ngoài.
Công Việt
“Cơ duyên” trở thành gia sư cho người nước ngoài cũng… khá ngẫu nhiên. Có bạn “bắt mối” khi trò chuyện với người nước ngoài ở khu tự học trong trường. Có bạn tìm mối dạy ở trung tâm dạy tiếng Việt. Có người nhờ bạn bè giới thiệu… Đối tượng học cũng rất đa dạng nhưng nhiều nhất là các doanh nhân người Hàn, người Nhật. Bởi khi sang làm việc ở Việt Nam, họ muốn trao đổi với nhân viên người Việt bằng tiếng Việt. |
Bình luận (0)