Không ít người chọn công việc gia sư sau khi ra trường và đã có một công việc làm ổn định. Theo họ, dù không đứng trên bục giảng nhưng làm gia sư để tích lũy kinh nghiệm sống, thỏa mãn ước mơ làm thầy giáo và để giữ lửa nghề…
Chuyện dở khóc dở cười
Nghề gia sư là “cần câu cơm” của nhiều sinh viên (SV) và cả giáo viên (GV). Chính nhờ công việc này mà nhiều SV trang trải cuộc sống cho đến ngày ra trường. Không chỉ vậy, gia sư còn là môi trường để nhiều SV “đứng lớp” tích lũy kinh nghiệm sống rất bổ ích. Thầy Nguyễn Văn Tiệm, người có thâm niên làm gia sư cho biết: “Mình có nhiều việc kiếm tiền để trang trải thêm việc học nhưng đi dạy vẫn là lựa chọn số một. Gia sư tuy ít tiền nhưng mình được sống với nghề, tích lũy kinh nghiệm và biết mình có phù hợp với nghề giáo hay không”.
Nghề gia sư cũng gập ghềnh, lắm vui nhiều buồn. Thế Việt, người từng gắn bó với nghề gia sư từ thời SV, nói về “sự cố” khi nhận dạy em học sinh lớp 9 ở quận Bình Thạnh: “Không hiểu gia đình ấy thế nào, con cái học hành không ra gì nhưng phụ huynh không hề quan tâm. Mình đến dạy hết giờ rồi về, không thấy hỏi thăm tình hình học tập của con họ. Có khi mình dạy đến một tháng rưỡi mà vẫn không thấy phụ huynh trả lương, khi trả lương thì tỏ thái độ khó chịu.”
Thầy Việt từng gặp tình huống… xấu hổ khi vào vai một GV “dỏm”: “Khi mới vừa ra trường chưa có bằng cấp gì, đến trung tâm gia sư và được giới thiệu đến nhận lớp ở quận Phú Nhuận. Vì trong giấy giới thiệu ghi rõ mình là “thầy giáo đang dạy tại trường X” nên ngay buổi đầu, gia đình yêu cầu mình cho xem bằng cấp, giấy tờ chứng minh mình là GV. Thế là “quê độ”, lủi thủi… rút quân”.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Ánh, giáo viên Thể dục Trường THPT Tân Bình cho biết: “Tôi là GV dạy môn thể dục nhưng môn này thì làm sao dạy thêm được. Nên khi đi dạy thêm tôi không dám nhận mình là GV thể dục. Tôi giới thiệu mình là SV Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM (thực tế cô Ánh là SV năm cuối khoa Ngữ văn Anh). Vì lên lớp mình quen xưng “cô” và gọi học sinh là… “con” nên khi dạy kèm thằng bé lớp 6 mình cũng xưng cô – con là nó phản ứng nên đôi khi phụ huynh nghi ngờ mình”.
Làm gia sư để giữ lửa nghề
Cô Ánh kể: “Khi nhận ra con mình học môn tiếng Anh rất yếu, phụ huynh mới tìm gia sư. Mình dạy cháu được mấy tháng, thi học kỳ môn tiếng Anh cháu được 9,75 điểm. Thế là gia đình cháu tin tưởng, còn cháu cứ bắt cô khao. Mình cảm thấy vui vui”. “Nghề” gia sư cũng đủ vui buồn, gian nan và khi thấy trò ham học, phụ huynh đánh giá đúng công sức mà gia sư bỏ ra cũng là nguồn động viên lớn.
Thầy Tiệm tâm sự: “Mình nhận dạy học trò nữ lớp 12 của một gia đình ở quận 2. Đây là gia đình khá giả, con cái ham học, lễ nghĩa. Khi dạy, mình thường đặt vấn đề, trò tranh luận sôi nổi, mình thích lắm nên có hôm say sưa giảng bài đến nỗi hết giờ lúc nào không hay. Phụ huynh cũng vậy, rất tử tế. Tiền lương thì họ cho vào phong bì lịch sự, tháng nào họ cũng gửi thêm cho mình vài trăm ngàn “biếu thêm để thầy uống nước”. Gặp những trường hợp như vậy mình rất tự tin như đang đứng trên bục giảng vậy”. Thầy Việt, người có duyên mà không có nợ với nghề giáo, tiếc nuối: “Từ nhỏ tôi rất thích đi dạy. Khi học ĐH cũng nghĩ sau này mình đi dạy nhưng khi ra trường không xin đi dạy được đành tìm việc trái ngành. Bây giờ nghề tay trái đang rất tốt nhưng vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để nhận lớp dạy kèm. Như vậy mình còn được cái cảm giác làm thầy giáo. Biết đâu, từ công việc gia sư, sau này mình lại được đi dạy”.
Công Việt
Bình luận (0)