Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Làm giàu cuộc sống

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nếu biết khai thác thì mỗi một con người là một “quặng mỏ”. Ảnh: Như Hùng
Giáo dục ngày nay không chỉ là việc truyền thụ kiến thức đơn thuần nữa mà có nhiệm vụ cao hơn: khơi gợi, kích thích những khả năng sáng tạo vô hạn trong mỗi con người.
Ngày nay, sự phát triển kinh tế – xã hội mà mọi quốc gia đang theo đuổi đều hướng tới một mục tiêu cuối cùng là làm cho cuộc sống con người tốt hơn, hay nói ngắn gọn là để phục vụ con người. Giáo dục cũng không nằm ngoài mục tiêu đó. Nhưng khác với các ngành kinh tế, kỹ thuật làm ra các sản phẩm vật chất để cuộc sống con người ngày càng đầy đủ và tiện nghi, giáo dục có nhiệm vụ làm giàu về kiến thức và tâm hồn của con người. Nói cách khác các ngành kinh tế, kỹ thuật làm giàu thế giới vật chất bên ngoài thì giáo dục làm giàu thế giới bên trong của con người.
Mỗi người đều có một “quặng mỏ”
Mặt khác, trong nền kinh tế tri thức, giáo dục còn có sứ mạng cao hơn. Giáo dục không chỉ cung cấp một chiều kiến thức mà còn có nhiệm vụ tác động vào bên trong con người để con người sản sinh ra những giá trị mới cung cấp ngược lại làm giàu cho xã hội, làm phong phú cho cuộc sống nhưng vẫn giữ được nét văn hóa riêng của mình. Các nhà khoa học giáo dục ngày nay quan niệm rằng mỗi con người, không phân biệt giàu sang hay nghèo hèn, sinh ra trong một gia đình quý tộc hay dân dã đều sở hữu một “quặng mỏ” vô giá bên trong bản thân mình. Ai cũng có và bình đẳng như nhau. Trước đây, người ta cho rằng có người giỏi người dở, có người có năng khiếu có người không có. Năng khiếu là do “trời cho”. Ngày nay, dưới ánh sáng của khoa học giáo dục, người ta khám phá ra rằng mỗi con người (không bị khuyết tật, sức khỏe bình thường) đều có một số năng khiếu nào đó. Có người giỏi về tính toán nhưng cũng có người giỏi về âm nhạc, hội họa, thể dục thể thao…
Ai cũng biết Albert Einstein, cha đẻ của thuyết tương đối, lúc nhỏ được đánh giá là học sinh “chậm tiếp thu bài vở”. Nhà văn Charles Dicken có bộ não nhẹ cân so với người bình thường nhưng để lại những tác phẩm văn học lớn cho nhân loại… Có thể dẫn ra đây nhiều ví dụ để cho thấy rằng lý luận trong mỗi bản thân con người đều có một “quặng mỏ” vô giá là đúng đắn.
Quặng mỏ của mỗi người là toàn bộ năng lực mọi mặt còn ở dạng tiềm tàng. Qua cỗ máy giáo dục đào xới, những vỉa quặng tâm hồn được đánh thức. Có hai thứ vỉa quặng, loại thứ nhất là khả năng nhận ra và cảm thụ vẻ đẹp cuộc sống muôn màu chung quanh. Vẻ đẹp không chỉ có trong thế giới tự nhiên mà còn trong các lĩnh vực nghệ thuật khác như âm nhạc, hội họa, thơ ca… Loại thứ hai là khả năng sáng tạo ra những giá trị mới làm cho cuộc sống con người thêm tiến bộ. Những giá trị mới có thể là sự khám phá ra các quy luật trong tự nhiên (như Newton khám phá ra định luật vạn vật hấp dẫn chẳng hạn); những phát minh, sáng chế (như Edison làm ra bóng đèn dây tóc) hoặc những tác phẩm văn học nghệ thuật.
Trao đổi hai chiều
Ngày nay, Tổ chức UNESCO khuyến nghị các nước không chỉ lo cái ăn mà còn tìm cách nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Đó là làm sao cho mỗi một con người có một đời sống tinh thần phong phú, có cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa hơn. Xét cho cùng, những khám phá, phát minh khoa học kỹ thuật; những bài thơ, bản nhạc, bức tranh… do con người làm ra cũng là để phục vụ cho mục tiêu ấy. Vấn đề còn lại là làm sao khai thác tốt nhất quặng mỏ đó để làm giàu cho bản thân mình và cho xã hội. Lịch sử loài người cho thấy con người đã biết cách khai thác một cách hiệu quả nhất các quặng mỏ trong lòng đất hay dưới lòng đại dương. Thậm chí nhiều quặng mỏ đã bị vắt kiệt. Thế nhưng, quặng mỏ trong mỗi chúng ta thì có thể nói chưa khai thác được bao nhiêu. Bởi vì việc khai thác quặng mỏ này không phải theo cách thông thường mà theo cách rất đặc biệt. Đó không đơn thuần là quá trình khai thác một chiều mà là quá trình trao đổi hai chiều: bên ngoài tác động vào và bên trong tiếp nhận, phản hồi và tác động ngược trở lại. Đó là quá trình đánh thức mọi giác quan, mọi cảm xúc, mọi nhận thức trong từng tế bào của con người đó để chúng tiếp nhận. Đó là một công việc vô cùng phức tạp và đòi hỏi phải có một quá trình lâu dài. Và đến một lúc nào đó “chín muồi”, tự bên trong bản thân con người đó lại sản sinh ra những giá trị mới, những ý tưởng mới đóng góp làm phong phú thêm cho cuộc sống con người. Giúp con người có cuộc sống hạnh phúc hơn và có ý nghĩa hơn. Ở bậc cao hơn là sáng tạo ra những giá trị mới vừa mang tính vật chất vừa mang tính tinh thần.
Giáo dục ngày nay không chỉ là việc truyền thụ kiến thức đơn thuần nữa mà có nhiệm vụ cao hơn: khơi gợi, kích thích những khả năng vô hạn trong mỗi con người. Đến lượt con người sáng tạo ra những giá trị mới, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn tác động trở lại sự phát triển của kinh tế, khoa học kỹ thuật. Bởi vậy, thật khó hình dung con người không có giáo dục trong thế giới ngày nay.
Từ Nguyên Thạch

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)