Với hơn 100 ha nuôi trùn quế, một chủ trang trại ở Tiền Giang có được doanh thu hơn 4 tỉ đồng mỗi tháng…
Ở xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Công Vinh (SN 1986) nổi tiếng với việc làm giàu nhờ nuôi trùn quế.
Nghề khá đơn giản
Sau khi tốt nghiệp đại học, dù có việc làm với thu nhập hơn chục triệu đồng mỗi tháng nhưng ông Vinh vẫn quyết định bỏ việc về quê lập trang trại nuôi trùn quế.
Ông Vinh cho biết việc học cách nuôi trùn quế cũng khá đơn giản. Đầu tiên là phải biết cách xây chuồng. Chuồng nuôi phải thiết kế có chiều cao 4 – 6 cm, nền lót cát 5 cm, dưới lớp cát lại lót lưới.
"Hầu hết những cách xây dựng chuồng nuôi trùn quế tôi đều thử nghiệm. Cuối cùng, cách xây như hiện nay là hiệu quả nhất, cao gấp 4 lần so với chuồng thông thường bằng bạt, bê-tông…" – ông Vinh tự tin.
Cách nuôi trùn quế cũng không có gì phức tạp. Ông Vinh chọn các phế phẩm như rau quả bỏ đi đem xử lý bằng công nghệ lignin để thu đạm thực vật làm thức ăn cho trùn quế. Ông còn sử dụng thêm men vi sinh nhập từ Israel cộng với mật mía đường ủ hơn 3 tuần cho chúng ăn.
"Thức ăn của trùn quế rất đa dạng, như phân gia súc, gia cầm; rơm rạ, cỏ khô, rau quả…. Trong đó, phân tươi của bò, trâu là món "khoái khẩu" của trùn quế. Còn phân gà, heo, vịt… thì cần phải ủ trước khi cho trùn quế ăn vì chúng chứa hàm lượng đạm cao, có thể gây ngộ độc" – ông Vinh tiết lộ.
Trang trại của ông Vinh thường sử dụng phân bò nuôi lấy thịt để làm thức ăn chính cho trùn quế. "Dựa theo các nghiên cứu, nếu cho trùn quế ăn phân bò nuôi lấy thịt thì chúng sẽ cho ra phân có chất lượng tốt nhất" – ông giải thích.
Ông Vinh hướng dẫn sinh viên tham quan trang trại nuôi trùn quế của mình
"Thần dược" cho cây trồng
Theo ông Vinh, phân trùn quế có thể được sử dụng như một thành phần của đất ươm, vườn ươm hay phân bón hữu cơ cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng và cải tạo đất. "Phân trùn quế được xem như "thần dược" cho cây trồng" – ông ví von.
Phân trùn quế lỏng có tác dụng như loại phân bón lá rất tốt, có tác dụng ngăn ngừa sâu bệnh. Cách làm là cứ 1 kg phân trùn quế cho vào thùng nhựa cùng với 10 lít nước, dùng máy bơm ôxy cho hoạt động 24 – 36 giờ. Sau đó, lấy nước cho vào bình xịt, xịt cho tất cả các loại cây; bã còn lại làm phân bón.
Dùng phân trùn quế trộn với đất sẽ bảo đảm cho cây phát triển trong 3 tháng mà không cần bất cứ phân nào khác. Phân trùn quế có khả năng làm tăng tỉ lệ nảy mầm của hạt, giúp cây con phát triển nhanh và có tỉ lệ sống cao.
Một tác dụng khác của trùn quế là cải tạo đất. Ông Vinh lý giải: "Phân trùn quế chứa hàng ngàn kén trùn. Khi bón vào đất, gặp điều kiện thuận lợi, kén trùn sẽ nở ra và sinh sống trên chính mảnh đất canh tác đó. Nơi nào có trùn quế, sinh sống nơi đó đất luôn màu mỡ và tơi xốp".
Sản phẩm phân trùn quế do ông Vinh sản xuất cung cấp cho thị trường trong nước
Nhu cầu ngày càng cao
Ông Vinh cho biết trùn quế ngày càng được sử dụng rộng rãi làm thức ăn trong chăn nuôi. Nhu cầu của thị trường về trùn quế ngày càng cao.
Trùn quế sống khó lưu trữ và vận chuyển xa được. Vì thế, các hình thức lưu trữ trùn quế ngày càng đa dạng và phong phú, trong đó đông lạnh là phổ biến nhất. Trùn quế sống sau khi lấy sạch phân được rửa sạch, đem cất giữ ở chế độ đông lạnh. Trùn quế đông lạnh có ưu điểm là giữ tươi được lâu mà chất dinh dưỡng hầu như vẫn nguyên vẹn.
Ngoài việc nuôi trùn quế và lấy phân của chúng bán ra thị trường làm thức ăn nuôi cá (điêu hồng, bống tượng…) và trồng cây, ông Vinh còn làm ra gần 20 sản phẩm từ phân trùn: phối trộn tạo ra đất sạch, phân trộn, phân trùn nén viên, phân rơm…
Theo ông Vinh, mỗi tháng, trang trại của ông xuất bán trên 500 tấn phân trùn quế với giá 3,5 – 5 triệu đồng/tấn, trên 15 tấn trùn thịt với giá 50.000 – 60.000 đồng/kg. Ngoài ra, ông còn bán con giống và nhiều sản phẩm độc quyền khác do trang trại sản xuất từ phân trùn quế. Nhờ đó, doanh thu của trang trại mỗi tháng hơn 4 tỉ đồng.
Có thể nhân rộng mô hình
UBND xã Thân Cửu Nghĩa công nhận mô hình nuôi trùn quế quy mô lớn này đem lại hiệu quả kinh tế rất cao; hầu hết các phế phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm đều xử lý được hết. Hội Nông dân xã đã tổ chức cho hội viên tham quan học hỏi để có thể nhân rộng mô hình này, phát triển kinh tế địa phương.
Ông Vinh sẵn sàng bán con giống trùn quế với giá rẻ và chỉ cách nuôi cho nông dân. Ngoài ra, ông còn liên kết với hơn 200 hộ nông dân nuôi trùn quế ở các tỉnh, thành miền Tây, đồng thời mở thêm chi nhánh với quy mô lớn để phát triển nghề này.
Thời gian qua, hàng ngàn người trẻ, đa phần là sinh viên đam mê khởi nghiệp từ chăn nuôi, đã đến trang trại của ông Vinh tham quan, học hỏi. Ông Vinh cho biết sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết nuôi trùn quế đạt hiệu quả cho bất kỳ ai.
|
Minh Sơn (theo NLĐ)
Bình luận (0)