Năm đó, tại một làng nọ, người dân đang sống yên ổn thì một cơn bão to ập đến. Do dự báo thời tiết chậm và sai lệch nên mọi người chống đỡ không kịp, đành phó thác thân phận cho bão. Sau cơn bão, sự thiệt hại về người và của không kể xiết. Rất nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm ủng hộ cho những gia đình thiệt hại nặng. Quần áo, lương thực, thực phẩm… và tiền cứu trợ được gửi ồ ạt từ tỉnh về huyện rất nhiều. Vị quan huyện có nhiệm vụ cho nhập kho để thống kê và sau đó gửi về xã. Sau khi nhập kho, quan cho gọi vợ và các con đến tha hồ mà chọn lựa những thứ tốt nhất mang về nhà. Vài ngày sau, trên tỉnh hối thúc quan huyện thống kê số tài sản thiệt hại là bao nhiêu để trích ngân sách cứu dân. Ông huyện tốt lắm, sợ không đủ chi cho dân nên kê khống gấp đôi số tiền bị thiệt hại. Ai dè, khi nhận được tiền ủng hộ, quan đã bỏ vào túi riêng của mình phân nửa. Xong đâu vào đấy, quan chuyển toàn bộ về xã.
Về đến xã, những việc này được lặp lại một lần nữa. Coi bộ quan xã cũng lâm vào cảnh “vườn không nhà trống” nên tự tay mình vét mót những thứ tương đối được đem về nhà dùng. Còn tiền ủng hộ quan không quên “diếm” lại một “mớ” gọi là thù lao.
Chính vì những lý do đó mà sau khi hàng cứu trợ đến tay người dân thì chỉ còn là những bộ đồ “cháo lòng”, vài gói mỳ, lon gạo và chút ít tiền còm cõi. Cơn bão qua đi, dân đã nghèo lại nghèo thêm. Còn các quan nhà ta đã giàu lại thêm nứt đố đổ vách. Hèn gì người dân cứ thắc mắc tại sao mấy quan tham lại mau giàu đến thế.
Quỳnh Nhất
Bình luận (0)