Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Làm giàu thêm cuộc sống của doanh nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Đặng Thành Tâm trong lễ ra mắt CLB CEO Việt Nam tại khách sạn Sheraton Hà NộiBảy giờ tối ngày 8/5 tại văn phòng Sài Gòn Invest ở TP.HCM, ông Đặng Thành Tâm, NChủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Kinh Bắc mới dừng cuộc nói chuyện hết sức sôi nổi với tôi về mục tiêu và hoài bão của Câu lạc bộ các Tổng Giám đốc Điều hành Việt Nam (Câu lạc bộ CEO) do ông làm chủ tịch.

– Thưa ông, đã có rất nhiều. Vậy Câu lạc bộ CEO ra đời giữ vai trò gì và tạo sự khác biệt thế nào?

Đây là một câu lạc bộ nhằm nâng đời sống tinh thần cho các doanh nhân Việt Nam. Hoạt động của câu lạc bộ ít phần nghi lễ, không nặng về công việc mà tập trung thiết kế các chương trình giải trí, hướng dẫn về giao tiếp, về văn hóa ứng xử, các chương trình đào tạo đặc biệt… Trong câu lạc bộ có thể hình thành các nhóm CEO yêu bóng đá, đánh golf, thích tìm hiểu thời trang, âm nhạc hay thích chính trị…

Đặc biệt, doanh nhân tham gia câu lạc bộ này không có nghĩa là sẽ ít có thời gian cho gia đình hơn bởi họ có thể mang theo cả gia đình hay bạn bè trong các buổi sinh hoạt.

– Liệu có thể nói Câu lạc bộ CEO giúp doanh nhân Việt Nam… học làm sang không?

Không phải là học làm sang nhưng khi hội nhập, ngoài trình độ quản lý, các CEO Việt Nam nên học những chuẩn mực về giao tiếp của CEO thế giới. Tôi thấy bản thân mình cũng còn phải học nhiều lắm. Như về ăn mặc chẳng hạn, có khi ăn mặc đơn giản quá gây hiểu lầm. Xuống xe đối tác tưởng tôi là lái xe và cứ ra bắt tay anh lái xe của tôi. Rồi nhiều khi mình còn quát mắng nhân viên nữa.

Tôi nhận thức đây phải là một quá trình chứ không đơn giản. Cha ông ta có câu “đói cho sạch, rách cho thơm,” tức là luôn luôn hướng tới những chuẩn mực trong cuộc sống.

Tóm lại Câu lạc bộ CEO nhằm mục tiêu nâng cao “chất” cho hàng ngũ CEO Việt Nam.

Nhiều người trong số các doanh nhân của ta giàu hơn các triệu phú nước ngoài, tức là “lượng” đã đạt rồi, nhưng về chất thì chưa chắc đã đạt. Chúng tôi còn mắc những lỗi về văn hóa giao tiếp, ăn nói, trang phục…

Nhiều doanh nhân tiếng Anh giỏi nhưng không hiểu gì về văn hóa ứng xử, ẩm thực của thế giới nên ngại giao tiếp…

– Nhận lời làm Chủ tịch Câu lạc bộ CEO, phải chăng ông tự tin vì mình đã chuẩn mực hơn các doanh nhân khác?

Anh Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch VCCI) động viên tôi làm lần đầu, và tôi nhận lời vì tôi cũng đã tham gia Tổ chức các CEO Trẻ Thế giới (YBO) nên cũng đã học hỏi, biết được mô hình tổ chức câu lạc bộ này trên thế giới, có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ. Tôi cũng là thành viên của Chương trình hành động WTO của Chính phủ, nên tôi nhận thấy việc này còn là trách nhiệm của chính mình.

YBO là tổ chức có khoảng 9.000 thành viên gồm các CEO “tầm cỡ” bởi những người này làm ra khoảng 40% GDP toàn cầu. Ở Mỹ có gần 400 tỷ phú thì 300 tỷ phú là thành viên YBO. Có 20 người Việt Nam là thành viên được kết nạp vào YBO, trong đó có nhiều thành viên là Việt kiều, rất ít doanh nhận trong nước.

Cái hay của YBO là các trong các buổi sinh hoạt, CEO được mang theo vợ con hoặc bạn. Trên mạng có những forum riêng dành cho vợ CEO, cho con cái, các forum về

các chủ đề chính trị, làm ăn…

Chẳng hạn nếu bị bệnh gì, thành viên thông báo lên mạng và lập tức các thành viên khác sẽ trả lời, tư vấn nên chữa trị ở bênh viện nào, bác sỹ nào là tốt nhất.

Hay khi đặt chỗ ở các khách sạn lớn mà YBO ký hợp tác, bạn sẽ được hưởng mức giá rẻ hơn 40% và được đón tiếp chu đáo hơn hẳn nếu bạn tự đặt. Khi tổ chức đào tạo, YBO cũng tìm những chuyên gia hàng đầu thế giới về những lĩnh vực khác nhau đến nói chuyện để đỡ mất thời gian học hỏi của các CEO.

Khi đi nước ngoài và có thời gian rảnh, nếu bạn muốn tìm hiểu về lĩnh vực gì, YBO sẽ liên hệ và sắp xếp ít nhất một thành viên trong lĩnh vực đó đến gặp bạn. Nói chung các sự kiện lớn do YBO tổ chức đều có các nguyên thủ quốc gia đến tham dự.

Khi tổ chức sự kiện ở bất kỳ nước nào, bên cạnh các chương trình học bao giờ cũng có hoạt động tìm hiểu về lịch sử nơi đến tham quan. Tôi nhớ ở Cộng hòa Séc, có cung điện chỉ dành để tiếp các tổng thống, người tham quan không được sờ vào hiện vật nhưng người ta lại cho YBO tổ chức gala dinner ở đó.

Ở Singapore và Hong Kong những câu lạc bộ mô hình YBO rất phổ biến. Có nhiều nhà hàng, câu lạc bộ chỉ phục vụ các thành viên CEO, tạo không gian giao lưu cho các CEO, tiết kiệm thời gian chờ đợi của CEO hơn nhiều so với ở các nhà hàng khác.

Vào những nhà hàng này CEO có quên tiền cũng chẳng sao vì người phục vụ biết rõ anh là thành viên của câu lạc bộ. Nhờ thế, các CEO có thêm thời gian trò chuyện, giải trí… Những giá trị mà câu lạc bộ mô hình YBO mang lại cho các thành viên rất nhiều. Câu lạc bộ CEO Việt Nam cũng theo mô hình của YBO là làm giàu thêm cho cuộc sống của các CEO.

Ở Việt Nam, khi CLB CEO ra đời thì những nhân vật nổi tiếng thế giới, các đoàn lớn của nước ngoài vào sẽ mở tiệc mời họ đến giao lưu.

Ngay tháng 9 tới, một người bạn tôi sẽ đưa đoàn gồm 50 quỹ đầu tư quản lý tới 11.000 tỷ USD vào Việt Nam. Câu lạc bộ sẽ mời các hội viên đến giao lưu. Người có khả năng sẽ tìm kiếm được cơ hội hợp tác lớn. Người khác có cơ hội học hỏi kinh nghiệm.

– Vậy Câu lạc bộ CEO có vai trò và có thể đóng góp gì cho xã hội không, thưa ông?

Sinh hoạt trong một Câu lạc bộ mà ở đó các tấm gương về trách nhiệm công đồng được đề cao, các doanh nhân sẽ học hỏi nhau.

Ngay như cả việc làm từ thiện, không phải doanh nhân cứ bỏ tiền ra cho các tổ chức từ thiện là đã tròn trách nhiệm. Còn phải biết tiền đó được sử dụng như thế nào. Các doanh nhân thế giới họ rất kỹ về việc này, thậm chí còn lập ra bộ phận theo dõi các hoạt động từ thiện, thực hiện trách nhiệm với cộng đồng.

Tôi còn nhớ câu chuyện hồi tôi còn đi tàu biển. Trên tàu có hai anh là con sếp lớn lên tàu cứ trốn việc. Ông thuyền trưởng không thể kỷ luật được bèn nghĩ ra một kế, bảo: “Thôi công việc trên tàu vất vả, hai cháu được gửi gắm cho bác nên bác cho hai cháu nghỉ ngơi cho khỏe.”

Hai anh này lúc đầu thích lắm nhưng sau đó không làm gì cả nên bị anh em trên tàu tẩy chay, không nói chuyện, không mời nhậu cùng. Chỉ hai tuần sau, hai anh này phải… lạy ông thuyền trưởng để xin làm lại. Sau đó họ làm rất hăng say, không ngại việc gì cả.

Vai trò của xã hội, cộng đồng rất quan trọng. Tham gia vào câu lạc bộ cũng là để tự điều chỉnh bản thân. Hồi tôi mới vào YBO cũng lúng túng lắm. Doanh nhân là những người thành đạt trong xã hội nhưng không có nghĩa “ngon rồi” muốn làm gì thì làm, có những nguyên tắc cần phải học. Bây giờ không còn tư tưởng cá lớn nuốt cá bé nữa, anh nào mà hiểu như thế thì bị những con cá nhỏ cắn trước tiên.

Trong một Câu lạc bộ mà các doanh nhân học hỏi nhau, mỗi CEO cố gắng thêm một chút sẽ tạo thêm được nhiều công ăn việc làm cho xã hội. Tôi hy vọng rằng, Câu lạc bộ CEO ra mắt trước tiên ở Hà Nội sẽ hoạt động hiệu quả và sau đó thu hút thêm thành viên ở tỉnh thành khác trên cả nước tham gia.

Xin cảm ơn Ông.

                                                                               Thu Hương (baodiendandoanhnghiep.vn)

 

Bình luận (0)