Mỗi người một hoàn cảnh sống song ở họ đều có chung một điểm: Luôn luôn khát khao vươn lên, không ngừng tìm tòi, sáng tạo để làm giàu cho bản thân và xây dựng quê hương.
Biến “đồ bỏ” thành tinh dầu
Trong căn nhà rộng khoảng bốn chục mét vuông ở gần biên giới Campuchia (thuộc phường An Thạnh, thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp), cô kỹ sư sinh học 27 tuổi Đoàn Ngọc Minh Thùy, Giám đốc Cty TNHH tinh dầu Hương Đồng Tháp ngày nào cũng cắm cúi làm việc từ sáng đến tối. Cô kỹ sư sinh học này đã gây bất ngờ cho nhiều người khi tận dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương như: vỏ quýt, vỏ bưởi, gạo sen, các loại lá cây tràm, hương thảo, bạc hà, sả, chanh…chưng cất các loại hương thơm để chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp.
Minh Thùy tiết lộ, cô kết hợp giữa quy trình ly trích tinh dầu truyền thống và quá trình tinh sạch hiện đại giúp loại bỏ hoàn toàn các tạp chất để thu được tinh dầu tinh khiết. Hiện Minh Thùy đã sản xuất được 23 sản phẩm tinh dầu, như: Tinh dầu Bưởi Cao Lãnh, Tinh dầu Tràm gió Tràm Chim, Tinh dầu Quýt Lai Vung, Tinh dầu Hương Thảo Sa Đéc, Tinh dầu Bạc Hà Sa Đéc, Tinh dầu Sả Chanh Sa Đéc, Tinh dầu Sả Java Hồng Ngự… Các sản phẩm tinh dầu của cô đều được kiểm nghiệm đạt các tiêu chuẩn an toàn cho người sử dụng. Ngoài bán tại địa phương, sản phẩm của Thùy đã có mặt trên cả nước thông qua kênh bán hàng online các phiên chợ sạch cuối tuần ở TPHCM.
Minh Thùy cho biết, khi theo học ngành sinh học tại trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, cô thường tham gia phụ phòng thí nghiệm thực vật của trường rồi nghiên cứu chuyên về tài nguyên thực vật có tinh dầu. Có lần về quê nội ở Lấp Vò (Đồng Tháp) tìm nguồn nguyên liệu, Thùy nhận thấy nguồn nguyên liệu nơi đây rất dồi dào và phong phú nhưng không được tận dụng triệt để. Cứ đến vụ, hàng tấn quýt, bưởi và cam non bị chặt tỉa bớt để nuôi các trái còn lại to tròn và chín mọng hơn. Những thứ này ít khi được sử dụng và thường bỏ đi. Cây sả cũng vậy, nông dân chỉ thu hoạch lấy phần củ đem bán, còn phần lá vứt đi. Còn rừng tràm bạt ngàn, những cành cây chặt tỉa không được tận dụng, lá rụng lớp lớp trên mặt đất rất hoang phí… Điều này khiến Minh Thùy ấp ủ ý tưởng sẽ biến những đồ bỏ đi ấy thành tinh dầu. Sau khi ra trường, Minh Thùy trở về quê quyết tâm biến ý tưởng thành hiện thực và gặt hái được nhiều thành công.
Không chỉ dừng lại ở việc chưng cất tinh dầu, Minh Thùy đang ấp ủ dự định xây dựng một khu vườn nguyên liệu “Hương Đồng Tháp”, khu vườn sẽ là một mắt xích trong chuỗi du lịch sinh thái, du lịch của tỉnh. Với khu vườn này, khi du khách đến với Đồng Tháp sẽ được trải nghiệm thu hái những sản vật của địa phương, đem chưng cất thành những giọt tinh dầu quý báu và mang về như một món quà kỷ niệm.
Bí thư Đoàn làm giàu từ trồng nhãn
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo, tốt nghiệp cấp 3 đúng lúc mẹ bệnh nặng nên Nguyễn Duy Khanh (ở phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) phải gác lại ước mơ đến trường để ở nhà phụ giúp gia đình. “Lúc này, gia đình có 0,5 ha chủ yếu trồng lúa, rau màu cho thu nhập thấp nên tôi nghĩ phải tìm một loại cây trồng nào đó phù hợp thổ nhưỡng, năng suất cao và đầu ra ổn định để cải thiện cuộc sống”, anh Khanh chia sẻ.
Nói là làm, năm 2010, anh Khanh quyết định mua gần 300 gốc nhãn Idor từ Tiền Giang về trồng. Năm đầu trồng nhãn do chưa nắm vững kỹ thuật nên cây chậm phát triển. Sau đó, anh Khanh tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc nhãn, đồng thời nghiên cứu thêm sách báo, thông tin trên mạng Internet để tích lũy kinh nghiệm. Áp dụng đúng kỹ thuật học được, vườn nhãn phát triển xanh tốt, đến năm thứ 3 năm đã cho trái và thu hoạch được hơn 10 tấn. “Năm 2016, tôi thu hoạch được gần 20 tấn trái, thương lái đến tận vườn thu mua với giá từ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết các khoản chi phí, tôi thu lời gần 500 triệu đồng”, anh Khanh nói và cho biết đã mua thêm đất tiếp tục đầu tư trồng nhãn.
Là người tích cực tham gia công tác đoàn tại địa phương, anh Khanh đã được bầu làm Bí thư Chi đoàn khu vực Thới Trinh (phường Thới An). Anh tích cực tham gia và vận động đoàn viên thanh niên thực hiện các phong trào xây dựng, sửa chữa cầu, đường giao thông, đặc biệt là tìm mô hình làm ăn để nâng cao đời sống.
Anh Bùi Ngọc Tính, Bí thư Đoàn phường Thới An (Ô Môn, TP Cần Thơ) đánh giá: Anh Khanh là người siêng năng, cần cù, luôn cố gắng vươn lên làm giàu trên mảnh đất nghèo khó quê nhà. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Khanh còn giúp đỡ nhiều thanh niên khác trên địa bàn thông qua các buổi tập huấn kỹ thuật, tọa đàm tại nhà anh cho các bạn trẻ khác học tập.
“Thời gian tới, Đoàn phường sẽ phối hợp với các đoàn thể thành lập hợp tác xã nhằm bảo đảm đầu ra cho nông sản của thanh niên. Thành công của anh Khanh đã gợi mở giúp thanh niên địa phương học hỏi tìm hướng đi thích hợp trong tiến thân lập nghiệp và làm giàu chính đáng trên quê hương của mình”, anh Tính nói.
Anh Huỳnh Minh Thức, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đồng Tháp đánh giá cao ý tưởng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương để sản xuất hương liệu của Minh Thùy. Điều này không chỉ giúp người dân tăng thêm thu nhập từ phụ phẩm mà còn thể hiện tính sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp của tuổi trẻ tỉnh nhà. Anh Thức cho biết, thời gian tới, Tỉnh Đoàn sẽ giới thiệu và nhân rộng mô hình này để các bạn đoàn viên thanh niên khác học tập.
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)