Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Làm giàu từ rau mầm

Tạp Chí Giáo Dục

Câu chuyện của một bạn trẻ được xem là tấm gương khởi nghiệp đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ với mô hình nông nghiệp hiện đại.
Làm giàu từ rau mầm
Hàng trăm giá thể rau mầm hữu cơ trong trang trại của Tuấn ở huyện Hóc Môn – Ảnh: N.HIỂN

8g tối, Tuấn chở một xe máy rau mầm mang ra chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) chào hàng. Đến 3g sáng, rau còn nguyên xi, thương lái lắc đầu: “Rau thâm quá”. Một thời gian dài chào hàng ở chợ không khả quan, Tuấn mang rau vô chùa, vô nhà hàng mời dùng thử… miễn phí.

Trồng rau hữu cơ nhưng bán không được, cho không xuể nên phải nhổ rau đổ cho bò ăn khiến Tuấn buồn rầu như cắt từng khúc ruột… Sau những tháng ngày gian truân khởi nghiệp ấy, Lê Văn Tuấn (29 tuổi) giờ đây đã là giám đốc Công ty TNHH sản xuất công nghệ HB, cung cấp ra thị trường hơn tạ rau mầm mỗi ngày.

Kỹ sư chăn nuôi 
đi trồng rau

Trang trại của Tuấn ở xã Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn) rộng 9.000m2. Trong khu nhà ươm mát rượi rộng 400m2, hàng trăm giá thể rau cải, rau muống mầm sắp đều răm rắp từng hàng dài xanh mướt. Tuấn nói: “Rau sạch từ A đến Z, không phân hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật cũng chẳng chất kích thích, trồng hoàn toàn bằng hữu cơ, đến nước tưới cũng phải mang đi kiểm nghiệm đạt chuẩn rồi thì còn gì phải sợ nữa”. “Rau này có thể ăn sống ngay tại vườn” rồi ngắt một nhúm rau ăn ngon lành. Nhưng để có được cơ ngơi như bây giờ, Tuấn đã có những ngày tháng trầy trật thất bại.

Sau khi tốt nghiệp ngành chăn nuôi, Tuấn về nhà ở Q.12 nuôi heo. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, chăn nuôi thua lỗ nên Tuấn phải tìm một hướng đi khác. “Bà nội tôi chỉ thích ăn rau mà không ăn thịt cá, lúc đầu tôi thử trồng một ít cải mầm sạch để phục vụ gia đình. Những lứa đầu tiên rau phát triển rất thuận lợi nên tôi chợt nghĩ tại sao mình không rẽ hướng sang trồng rau hữu cơ bán ra thị trường, vừa ít vốn lại có chu kỳ thu hoạch liên tục” – Tuấn chia sẻ.

Từ đó, Tuấn gói ghém áo quần lên Đà Lạt, xuống Tiền Giang, đến những trang trại có trồng rau mầm để xin học nghề. Có trong tay chút kiến thức, Tuấn trở về Hóc Môn thuê miếng đất hoang, dựng trại trồng rau.

Từ năm 2012, Tuấn vừa trồng vừa nghiên cứu kỹ thuật và đưa giống rau cải và rau muống được nhập từ New Zealand về trồng trên đất được xử lý vi sinh từ xơ dừa lấy trực tiếp tại Bến Tre. Thế nhưng, những lứa rau hữu cơ đầu tiên vẫn hư tới hư lui, rau mọc lởm chởm, không đồng đều. Tìm hiểu ra mới biết quá trình ngâm hạt cải giống phải từ 4-6 tiếng, nếu ngâm ít hơn hạt sẻ không nảy mầm. Cải đã lên mầm nhưng cả mấy lứa cây thấp lụp xụp mà không tìm ra nguyên nhân.

Khi đó, chàng trai này lại khăn gói ra trường nông nghiệp ở Hà Nội hỏi han, mới lòi ra mái che để lọt ánh sáng vào bên trong nhiều quá. Được một thời gian, cải lại đột nhiên hư tới hư lui triền miên rồi không lên mầm trong suốt hai tháng liền. Tuấn lại đến các trang trại rau mầm tìm hiểu. Tuấn thử nghiệm cùng một loại hạt giống ở hai trang trại khác nhau thì ở trang trại Tuấn rau không mọc nhưng các trang trại khác vẫn tốt tươi.

Từ đó, Tuấn mới lần ra nguyên nhân chính là do giá thể bị nhiễm nấm nên phải thay mới toàn bộ. Ròng rã hai năm trời, Tuấn mới thở phào nhẹ nhõm khi những lứa rau mới phát triển tươi tốt.

Từ cho không đến hút hàng

Tuấn cho biết hai năm trời thử nghiệm trồng rau cũng là ngần ấy năm đổ bỏ rau sạch xuống mảnh đất đó cho bò ăn. “Có lúc tưởng chừng như sạt nghiệp, rau trồng ra chẳng ai mua, đi cho có người còn xua tay, xót xa lắm” – Tuấn chia sẻ.

Nhớ lại những ngày tháng một mình đi tiếp thị rau mầm, Tuấn cho biết khổ trăm bề nhưng vẫn kiên trì giao hàng khắp nơi. Đêm thì đem rau đến tiếp thị ở chợ đầu mối, ngày thì Tuấn lên xe buýt từ Hóc Môn vào trung tâm thành phố tiếp thị ở các nhà hàng, quán ăn, các cửa hàng bán lẻ rau sạch. Ai gọi điện đặt đôi ba ký Tuấn vẫn mang đến tận nhà dù có khi bị trả hàng.

“Mang rau vô chùa mời dùng thử miễn phí các thầy cũng chê rau xù xì, nhà hàng thì chê rau chát. Mình về thử bỏ vô một ít phân hóa học thì cải ngọt và xanh hơn trong khi mình trồng 100% bằng hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích nên rau mới như thế. Khách hàng chỉ cần rau đẹp, ngọt và rẻ là họ mua chứ không quan tâm đến độ an toàn nên nhiều khi thấy nản chí lắm” – Tuấn nói.

Để khách hàng tin, Tuấn mời các chủ cửa hàng, các mối lấy sỉ đến tận vườn tham quan mô hình trồng rau của Tuấn. Tận mắt chứng kiến vườn rau hữu cơ rất nhiều giun, cò về vườn của Tuấn dày đặc nên nhiều khách hàng bắt đầu tin tưởng. Dần dần, nhiều người trở thành mối quen. Bắt đầu có chút lãi, Tuấn thuê thêm nhân công để mở rộng trang trại và đầu tư thêm phòng lạnh để bảo quản rau trong quá trình thu thoạch, đóng bao.

Từ đó Tuấn lập công ty, mở website để giới thiệu toàn bộ thông tin, quy trình sản xuất rau mầm sạch của công ty để khách hàng tìm hiểu. Ở đâu có hội chợ nông sản, chàng trai này lại hăng hái đăng ký tham gia gian hàng để quảng bá các loại rau mầm: củ cải trắng, bắp cải tím, củ cải đỏ, hướng dương, rau muống…

Hiện nay, mỗi ngày trang trại của Tuấn cung cấp ra thị trường hơn 2 tạ rau mầm. “Chừng đó vẫn chưa đủ nhu cầu của thị trường nên hiện tại tôi đang nghiên cứu để thiết kế ba loại máy sàng, máy gieo và máy phân loại hạt để thay thế sức người, nâng cao năng suất. Dù vẫn gắn bó với nghề nông nhưng không thể lấy công làm lãi mãi được mà phải làm giàu từ nghề nông” – Tuấn chia sẻ.

Anh Thái Hưng Phát (tiểu thương chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức) cho biết ban đầu thấy một chàng trai dáng gầy gò đi tiếp thị rau mầm thấy thương nên lấy hàng bán thử. Sau đó, khách chuộng loại rau này nên anh Phát trở thành mối ruột, lấy rau của Tuấn hằng ngày hơn một năm qua.

“Người mua luôn chọn rau rẻ chứ không cần biết rau này sạch hay không sạch, có bơm xịt thuốc gì hay không. Nhưng mình là người bán sỉ, biết nguồn gốc rau của Tuấn rõ ràng, an toàn cho người dùng nên mình yên tâm, không sợ ảnh hưởng đến khách hàng” – anh Phát nói.

Anh Nguyễn Lê Trọng Tâm, chủ tịch Hội LHTN VN huyện Hóc Môn, thì nhận xét Tuấn là một tấm gương khởi nghiệp đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ với mô hình nông nghiệp hiện đại.

 

NGỌC HIỂN (TTO)

Bình luận (0)