Người sử dụng không tiếc lời khen ngon lành, bổ dưỡng, đẹp da, tăng cường sinh lực, chữa được nhiều thứ bệnh mà không cần uống thuốc; Người trồng hào hứng trước khoản lợi lớn bất ngờ…
Măng tây ở vườn chị Thu tại khối 7 TP BMT. |
Chỉ cần vào Google, gõ “Măng tây”, sẽ thấy hằng hà sa số kết quả, cho biết từ nguồn gốc, kỹ thuật gieo trồng chăm sóc, địa chỉ giá cả thu mua cho đến thực đơn cả nghìn món ăn chế biến từ măng tây. Món nào cũng ngon, bổ, dễ làm.
Ngoài vô số món xào, luộc, nướng, hấp cho đến nấu súp, nhúng lẩu v.v… còn có thể trụng sơ xay chung với kem đậu phộng, đường, sữa thành loại sinh tố tuyệt vời cho phục hồi sức khỏe, nhưng đến nay chưa thấy có cửa hàng nào phục vụ, có lẽ vì chưa tạo được thói quen sử dụng cho số đông người tiêu dùng, và vì … giá Măng tây khá đắt, tùy loại tùy mùa tùy chỗ dao động từ 100-200 nghìn đồng/ ký, mà không phải nơi nào cũng có để mua.
Asparagus-chồi non của một loại cỏ khi theo chân người Pháp du nhập vào Việt Nam đã được gọi là “măng tây” để phân biệt với “măng ta”- chồi của các loài tre nứa. Do cực giàu dược tính, từ trước công nguyên, măng tây đã được người Hy Lạp và người La Mã cổ đại sử dụng làm thuốc trị bệnh táo bón và suy gan, thận.
Dược điển xác nhận măng tây dùng để chế biệt dược Sirop Descinq Raciness tác dụng lợi tiểu; có dược chất Asparagin rất cần thiết cho sự xây dựng và phân chia tế bào, được sử dụng trong điều trị bệnh tim mạch và bệnh goutte.
Dùng măng tây thường xuyên có tác dụng giảm stress, tăng cường sinh lực và sức dẻo dai khi làm việc, chống lão hóa, chống béo phì, giảm cholesteron, ổn định huyết áp, ngừa đột quỵ, giảm đau bàng quang, suy thận , suy gan mật, tiểu đường, ung thư kết tràng v.v…
Ở nhiều nước, từ lâu măng tây được dùng phổ biến trong bữa ăn hàng ngày, được đông lạnh, đóng hộp dự trữ cho bếp ăn mùa tuyết giá hoặc chế biến thành dược mỹ phẩm xuất khẩu khắp thế giới. Tại Việt Nam, nhiều nơi một số nhà vườn cũng trồng để… cắt cành cắm hoa mà không biết những bụi cỏ nhánh mềm như liễu ấy sẽ nẩy măng tây, nếu chăm đúng kỹ thuật.
Dăm năm trở lại đây, măng tây với giá trị đặc biệt về dinh dưỡng và lợi ích kinh tế bắt đầu thu hút sự chú ý của nhà nông nước ta, được trồng nhiều nhất ở Ninh Thuận khoảng 30ha, tiếp đến là Bạc Liêu, Bình Phước, Nghệ An, Củ Chi v.v…
Chưa có thống kê chính thức nào về diện tích măng tây đang được trồng rải rác ở một số tỉnh thành từ Nam ra Bắc. Nhưng theo ước tính của kỹ sư Lê Hồng Triều, giám đốc Cty Việt Hoa Mỹ chuyên cung cấp hạt giống, hướng dẫn kỹ thuật và thu mua măng tây có trụ sở giao dịch tại TP Hồ Chí Minh, thì con số này chỉ khoảng chừng 50-70 hecta, chưa đủ bán ăn tươi cho thị trường nội địa, hoàn toàn bỏ lỡ các gợi ý cung cấp hàng cho những đối tác lớn chuyên thu mua phân phối măng tây với nhu cầu khổng lồ từ các quốc gia giàu có.
Riêng Cty VHM, khả năng thu mua đã là … vô hạn định với đại diện nhận hàng về từ các tỉnh tại Bến xe Miền Đông. Ví dụ măng tây tươi nguyên không sây xước, đường kính thân măng từ 9 mm trở lên được xếp loại I với giá 65.000đ/ ký. Loại II đường kính từ 6-9 mm giá 45.000đ/ ký.
Thực tế canh tác cho thấy cây măng tây có biên độ thích hợp khá lớn với nhiều địa phương, từ tỉnh đồng bằng nóng nhất như Ninh Thuận đến tỉnh miền núi mát lạnh, ôn hòa như Lâm Đồng, Đắk Lắk.
Tuy nhiên, để trồng măng tây thành công đòi hỏi phải có lực lượng lao động chuyên cần, nắm vững kỹ thuật chăm sóc. Đặc biệt, là loại rau sạch gần như tuyệt đối, măng tây đòi hỏi chất đất canh tác cũng như nguồn nước dưỡng ẩm phải luôn được loại trừ mọi nguồn ô nhiễm.
Sau khi trồng nửa năm, măng tây đã cho hái bói đợt đầu tiên. Trong vòng đời khá dài từ 6-10 năm tùy chất lượng chăm sóc, với giá bán bình quân 50 nghìn đồng/ ký như hiện nay, chỉ cần năng suất bình quân đạt từ 15-20 tấn măng/ năm, thì trừ mọi chi phí, ước tính một hecta măng tây có thể cho lãi ròng năm, bảy trăm triệu đồng/năm.
Cái khó thường vấp trong việc phát triển măng tây ở ta, là nông dân khó kết nối được với những đầu ra ổn định, còn nhà đầu tư và tiêu thụ lại chưa gặp được nông dân chí thú.
Chị Thu, một trong những chủ vườn trồng Măng tây đầu tiên trên Tây Nguyên với sự hỗ trợ đặc biệt của Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đắk Lắk cho biết: Gia đình chị đang tích cực mở rộng diện tích Măng tây, hy vọng sau mùa mưa này, khi sản lượng Măng tây trở nên ổn định thì cửa hàng Rau sạch đầu tiên ở Buôn Ma Thuột sẽ không lo thiếu nguồn cung cho quý khách hàng sớm nghiện Măng tây nữa.
Hoàng Thiên Nga
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)