Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Làm giảvà vấn đề tương tác thông tin

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2010, xuất hiện bản báo cáo phân tích “dởm” về cổ phiếu KSS (khoáng sản Na Rì Hamico) mạo danh Công ty chứng khoán Thăng Long và vị Phó tổng giám đốc là TS. Quách Mạnh Hào. Mới đây, bà Vũ Thị Kim Liên, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng bị làm giả tên, chữ ký và con dấu để tạo ra một công văn yêu cầu điều tra việc làm giá cổ phiếu SRC (Cao su Sao Vàng).

Túng làm liều

Cách đây khoảng 5 năm, việc làm giả cả website của một doanh nghiệp (DN) nhằm để bán cổ phiếu OTC đã râm ran trong giới đầu tư. Sự liều lĩnh và tinh vi của các đối tượng làm giả đã tăng lên theo thời gian, với chất “xúc tác” là tình hình khó khăn của thị trường chứng khoán.

Lúc này, DN công bố tin tốt chưa chắc cổ phiếu đã tăng, nhưng với tin xấu, sự bi quan có thể đẩy lên mức cùng cực, dẫn đến việc nhà đầu tư (NĐT) xả hàng và bán tháo.

Thay vì “đánh” lên, giờ đây đã có thêm công cụ bán khống, các tay đầu cơ có thể “đánh” xuống dễ dàng với việc đưa ra thông tin tiêu cực.
Trong giờ giao dịch, khi tập trung cao độ, rất khó để xác minh được mức độ khả tín của thông tin, nhiều NĐT sẽ hành động theo kiểu “tin xấu à, thôi cứ bán cho lành rồi tính sau”.
Theo anh P, một NĐT kỳ cựu, thị trường vẫn còn nhiều thứ có thể làm giả, chẳng hạn báo cáo tài chính. Với những phần mềm chỉnh sửa ảnh, tập tin như hiện nay, thì việc thay đổi một vài con số rồi tung lên diễn đàn để lung lạc mọi người rất dễ xảy ra.
NĐT am hiểu về tài chính có thể đến ngay nguồn là website của Sở giao dịch chứng khoán hoặc của DN để kiểm chứng. Nhưng NĐT không biết đọc báo cáo tài chính thì đành “bó tay” trong việc chứng thực, có muốn học cũng phải mất nhiều thời gian.
Tương tác ba bên
Cách đơn giản nhất để xác định thông tin thật hay giả là đi hỏi chính những người, những DN được đề cập trong đó, nhưng thực tế lại không đơn giản chút nào. Lâu nay, vai trò người công bố thông tin của DN đã bị bỏ lửng.
Nhiều NĐT đặt câu hỏi không biết người công bố thông tin là công bố những cái gì? Cho ai? Khi nào công bố? Nhiều DN than rằng, cổ phiếu (CP) của mình lên xuống thất thường là do bên ngoài làm giá, chứ lãnh đạo vô can, nhưng lại không sẵn sàng chia sẻ thông tin một cách rộng rãi.
Một nguyện vọng đơn giản nhất mà không ít người mong muốn là khi DN có chuyện, CP có dấu hiệu làm giá, hoặc có tin đồn nào xuất hiện, có thể gọi điện thẳng đến DN để hỏi, đều chưa được đáp ứng.
Có những DN công bố tên người công bố thông tin lại chính là chủ tịch hội đồng quản trị, hoặc tổng giám đốc. Chắc chắn những vị này không thể có thời gian để ngày ngày tiếp nhận điện thoại của NĐT để giải đáp thắc mắc.
Mặc dù không nói ra, nhưng tại các quỹ đầu tư lớn, đều phân công một số nhân viên quản lý các tin đồn liên quan đến DN. Nói là “đồn” nhưng nhiều tin sau đó đã trở thành thực, làm sao không quan tâm cho được.
Vô hình trung, điều này đã khiến cho NĐT bị lệ thuộc vào tin đồn, và có cầu ắt có cung. Đặt vấn đề ngược lại, nếu thông tin chính thức được đáp ứng đầy đủ, nhu cầu về tin đồn liệu có lớn như vậy hay không?
Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Môi giới Công ty chứng khoán MHBs, cho biết: Tại các thị trường chứng khoán phát triển, các cơ quan quản lý đều có một bộ phận chuyên “phục” tại các diễn đàn, hoặc bên ngoài thị trường để nghe ngóng những tin đồn. Nếu DN nào bị đồn đại, sẽ được yêu cầu giải trình ngay lập tức".

Mô hình này không khó để áp dụng đối với thị trường nước ta. Chỉ khi nào sự tương tác thông tin giữa NĐT, DN và cơ quan quản lý trở nên chặt chẽ, lúc đó những tin đồn, hoặc những hành động trục lợi mới có thể bị loại bỏ.

ĐỨC TÂM / DNSG

 

Bình luận (0)