Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Làm hiệu trưởng: Dễ hay khó?: KỲ I: Trăm dâu đổ đầu… hiệu trưởng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hiệu trưởng phải luôn đổi mới tư duy và nhận thức để đưa trường phát triển

Nhắc đến hiệu trưởng, nhiều người chỉ đơn giản nghĩ rằng: hiệu trưởng là người đứng đầu chịu trách nhiệm lãnh đạo một đơn vị trường học. Nhưng chịu trách nhiệm như thế nào thì chỉ những ai đã và đang trải qua công tác làm quản lý giáo dục một trường mới thấm thía hết những nỗi niềm đó.
Chuyện chẳng của riêng ai
“Trên đe dưới búa”, đó là cảnh tượng chung của những người làm hiệu trưởng. Câu nói “Hiệu trưởng là đầu tàu”, là điều mà bất cứ ai cũng có thể khẳng định về vai trò của người đứng đầu một trường học. Bản thân người làm hiệu trưởng cũng không có ý phủ định trách nhiệm lớn lao đó của mình. Và để xứng đáng với những gì cấp trên và dưới tin tưởng, họ phải gánh trên vai mình những trọng trách nặng nề. Làm hiệu trưởng không khó, nhưng để làm một hiệu trưởng tốt, đó quả không phải là điều dễ dàng. “Thượng vàng hạ cám” tất tật mọi công việc trong trường đều không thể thiếu trách nhiệm của họ. Thầy Nguyễn Bác Dụng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tâm sự: “Người hiệu trưởng bây giờ không chỉ là người quản lý giáo dục mà còn là một nhà lãnh đạo, vị quan tòa, nhà quản lý tài chính…. Cùng một lúc, người hiệu trưởng phải đảm nhận nhiều vai trò khác nhau. Tất cả mọi hoạt động trong trường, hiệu trưởng phải đứng ra quán xuyến và xử lý. Sự phân công trách nhiệm cho các bộ phận khác chỉ nằm trên một chừng mực nhất định. Phân công nhưng không có nghĩa là thiếu vắng bàn tay hiệu trưởng. Với tôi, người hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm cả về dĩ vãng lẫn tương lai của một ngôi trường chứ không riêng gì hiện tại”. Muốn làm được điều đó, người hiệu trưởng phải là người có bản lĩnh, có tâm huyết và phải có tầm nhìn chiến lược. Tùy từng giai đoạn, từng hoàn cảnh, từng thời điểm của trường mà người hiệu trưởng đưa ra vấn đề trọng tâm, vận dụng kế hoạch cấp trên đưa ra sao cho phù hợp với sự phát triển. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để thấy cái khó của người đứng đầu làm công tác quản lý giáo dục một ngôi trường. Phần nhiều trong số họ đều cho rằng, người làm hiệu trưởng giỏi phải là người kết hợp được ba chữ: tài, tâm và tầm.
Xin được lấy chuyện họp hành, tiếp khách, tiếp các cơ quan báo chí truyền thông làm ví du cụ thể. Đây có thể coi là công việc chiếm khoảng thời gian đáng kể của người quản lý. Một năm có tới hàng trăm cuộc họp, hàng trăm khách viếng thăm, làm việc với trường vì những mục đích khác nhau. Trách nhiệm của người hiệu trưởng là phải làm tốt công tác này bởi đây là ấn tượng khách quan đầu tiên để đánh giá tư cách làm việc của hiệu trưởng, đánh giá sự phát triển của một ngôi trường.
Nhưng dẫu sao, sau công việc, họ vẫn còn có một gia đình. Một vấn đề lớn thuộc về cá nhân đặt ra cho họ là làm sao để có thể cân đối giữa kinh tế, tình cảm gia đình mà vẫn có thể làm tốt công việc cấp trên giao xuống, cấp dưới đẩy lên? Đây không phải là bài toán dễ dàng tìm ra cách giải. Mỗi hiệu trưởng một suy nghĩ, một cách làm nhưng tựu trung lại, kết quả mới chính là điều khẳng định tài năng của họ. Cũng chính vì điều này nên không ít người rơi vào cảnh “đầu tắt mặt tối” mà vẫn làm không hết việc.
Mỗi người một cảnh
Trong trăm nghìn trọng trách mà người hiệu trưởng phải gánh vác, trách nhiệm nào cũng rất quan trọng. Nhưng phần lớn các hiệu trưởng đều cho rằng: trách nhiệm lớn nhất của người đứng đầu quản lý một ngôi trường là xây dựng, phát triển và chăm lo cho đội ngũ giáo viên cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong thời điểm kinh tế chưa thỏa mãn được đời sống của giáo viên, đồng lương còm cõi không đủ để họ lo cho cuộc sống gia đình nếu không có nguồn thu nhập “ngoài luồng” từ việc dạy thêm, buôn bán hay những công việc lặt vặt khác. Bên cạnh việc quan tâm tới đời sống vật chất và tinh thần cho giáo viên, người hiệu trưởng còn phải có trách nhiệm nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường để học sinh học tiến bộ, xây dựng thương hiệu, xây dựng niềm tin đối với học sinh cũng như với các bậc phụ huynh.
Trong cảnh “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, một lần nữa, họ lại phải vận dụng sự khéo léo của mình để vun vén sao cho tất cả đều được chu toàn. Nếu như với những người làm hiệu trưởng trường công lập thì “tất cả mọi thứ hầu như đều có sẵn, họ chỉ việc vận dụng sự khéo léo của mình để kết nối những cái có sẵn kia tạo thành cái của mình. Nhưng cũng chính vì điều đó mà họ bị ràng buộc trong những cái sẵn có đó” (theo cách nói của một hiệu trưởng trường dân lập). Và ngược lại, với những trường ngoài công lập, do không có được “cái sẵn có” nên họ được tự do, không bị bó buộc trong những chỉ tiêu, thành tích. Thuận lợi từ đó, nhưng khó khăn cũng đi ra từ đó. Hiệu trưởng các trường tư thục luôn phải sống trong sự phỏng đoán, thấp thỏm, không biết sang năm trường mình sẽ có bao nhiêu học sinh được tuyển, sẽ phải chi tiêu, cắt cử giáo viên ra sao để phù hợp với nguồn vốn mình có được.
Xét trên phương diện khác, lứa tuổi học sinh ở mỗi bậc học lại có sự chênh lệch cả về tuổi tác, trình độ kiến thức lẫn vấn đề tâm sinh lý. Phương thức giáo dục học sinh cũng phải theo từng loại đối tượng mà có sự thay đổi. Hiệu trưởng ở mỗi cấp học phải là một người nắm rõ tâm lý của học sinh trường mình đang đào tạo để từ đó đưa ra định hướng, phương thức phát triển cho trường mình. Bậc mầm non khác bậc tiểu học, khác THCS và THPT. Chính sự khác nhau đó đã khiến không ít hiệu trưởng tự thay đổi tính cách, thay đổi lối tư duy để có thể phù hợp với điều kiện, với xu thế phát triển chung của sự nghiệp giáo dục.
Ngọc Anh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)