Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Làm lại các vỉa hè: Cần sự đồng bộ từ các sở – ngành

Tạp Chí Giáo Dục

Vỉa hè trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đào lên lát lại gạch.  Ảnh: Hà Anh

Người dân thành phố đang bức xúc vì những công trình đào đường thì gần đây lại phải chứng kiến các vỉa hè bị xới tung lên để thay gạch mới. Tình trạng này gây ảnh hưởng đến việc đi lại, môi trường sống và công việc kinh doanh của những hộ có nhà ở mặt tiền đường. Đáng nói hơn là công trình này đang gây lãng phí ngân sách của Nhà nước.
Phối hợp thi công để tránh lãng phí
Những vỉa hè như Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Thánh Tôn, Cao Bá Quát, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu đang hằng ngày phải gánh chịu bao điều vô lý như thế. Gần 2 tháng nay, vỉa hè đoạn đường Đinh Tiên Hoàng vẫn chưa thi công xong. Nhiều hộ dân cho biết doanh thu bị giảm sút, nhất là những hộ kinh doanh quán ăn. Bên cạnh đó tình trạng thi công còn gây ô nhiễm do bụi và tiếng ồn thi công mang lại. Anh Đinh Xuân Hiếu – chủ quán ăn Hà Nội cho biết trước kia một ngày nhân viên chỉ lau bàn ghế vài lần, còn bây giờ cứ 5 phút nhân viên phải lau lại mặt bàn bám đầy bụi xi măng, gạch đá. Vỉa hè đường Lê Thánh Tôn còn thê thảm hơn, 5 tháng qua, các vỉa hè liên tục bị xới tung lên do nhiều ngành thay phiên nhau thi công như giao thông, viễn thông, điện lực… Vì thế công trình thay gạch lát vỉa hè mới theo chủ trương thực hiện nếp sống văn minh đô thị lại trở thành công trình hành dân. Một người dân buôn bán tại đây nói: Làm việc kiểu không có trách nhiệm như thế này bắt người dân phải gánh chịu những ô nhiễm do chính những nhà thi công thực hiện, chúng tôi buôn bán kinh doanh, có đóng thuế thu nhập, thực hiện đúng nhiệm vụ người công dân, đóng thuế đầy đủ, thì làm việc phải có trách nhiệm một chút chứ”. Anh Võ Văn Hải – bảo vệ nhà hàng Hắc Đẩu cho biết thêm: Khi chúng tôi nói rằng chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành các công trình lát gạch vỉa hè trong tháng 12 này, anh Hải không tin vì vỉa hè trước nhà hàng nơi anh làm việc hơn 2 tháng nay chưa được thi công tiếp với lý do chủ đầu tư chờ điện lực và hệ thống chiếu sáng đi cáp rồi mới thực hiện tiếp. Việc chủ đầu tư công trình và các ngành điện, viễn thông, chưa phối hợp với nhau trong thi công công trình vỉa hè không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, cho đến bây giờ dường như vẫn mạnh ai nấy làm mà không có sự phối hợp đồng bộ. Hậu quả là công trình chậm tiến độ, gây ô nhiễm môi trường, cản trở công việc kinh doanh buôn bán của người dân, nhất là sự lãng phí ngân sách của Nhà nước.
Thi công để cải tạo thành phố
Sở Giao thông vận tải cho biết, UBND thành phố đã giao cho Viện nghiên cứu phát triển thành phố nghiên cứu phát triển các công trình ngầm để chấm dứt sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các ngành. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vỉa hè chưa thay lát gạch mới và có kế hoạch là sang năm sẽ thực hiện tiếp. Như vậy, người dân thành phố có lẽ sẽ tiếp tục chịu đựng điệp khúc đào xới của các ngành trên.
Theo Quyết định 1762 của Sở Giao thông vận tải, các quận trung tâm của thành phố như quận 1, 3, 5, 10 sẽ đồng loạt triển khai cải tạo nhiều hè phố nhằm chỉnh trang đô thị, tạo vẻ mỹ quan, đồng thời tạo sự thống nhất về kết cấu vỉa hè cây xanh trên các tuyến đường. Cho đến nay, đã có 57 công trình hoàn thành, 21 công trình đang ở giai đoạn thi công, 3 công trình dự kiến khởi công, 62 công trình đang ở giai đoạn chuẩn bị dự án. Trong đó một số tuyến đường chính ở trung tâm thành phố như Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm… sẽ được lát gạch granit và tăng cường mảng xanh. Việc tạo thêm mảng xanh là đáng hoan nghênh, nhưng người dân làm sao có thể vui trọn vẹn khi các công trình này lại gây ra một sự lãng phí quá sức vô lý. Kinh phí cho việc sử dụng gạch granit tăng gấp đôi so với gạch thông thường. Chi phí dự toán cho chỉnh trang vỉa hè của một quận trung tâm ước tính trên 100 tỷ đồng. Theo ông Đặng Đoàn Phi – Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quận 3 thì quận này không đủ kinh phí cho dự án nêu trên: Đá granit tuy có vẻ thẩm mỹ nhưng bề mặt trơn láng khi trời mưa sẽ khó khăn cho người đi bộ, kích thước đá lớn nên càng dễ bị bể nát nếu mặt vỉa hè chịu tải trọng nặng. Được biết, các vỉa hè của thành phố hiện nay không chỉ bị chiếm dụng để buôn bán, kinh doanh giữ xe mà khi có kẹt xe xảy ra, lượng xe gắn máy thi nhau chạy lên cũng là nguyên nhân khiến chất lượng vỉa hè mau xuống cấp.
Thiết nghĩ, sự đồng bộ trong thiết kế mỹ quan cho đô thị đâu nhất thiết phải là sử dụng vật liệu đẹp mắt, đắt tiền, chưa kể sự đồng bộ ấy còn thiên về những nơi trung tâm của thành phố. Và từ khâu thiết kế đến thi công giữa các ngành cần có sự liên thông đồng bộ trong quản lý hành chính. Tránh tình trạng mỗi năm thi công mỗi kiểu gây khó khăn cho người dân và lãng phí ngân sách của Nhà nước.
Lê Hữu

Bình luận (0)