Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Làm mất kinh hoàn toàn có an toàn?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều phụ nữ sợ có kinh vì ra máu nhiều hàng tháng, đau bụng kinh, cảm giác chướng bụng và nhức đầu. Nhưng giảm tần suất có kinh hay thậm chí hoàn toàn không hành kinh nữa – một việc trái tự nhiên, liệu có an toàn?

Làm hết hẳn kinh nguyệt là vấn đề nóng, Hội Sản phụ khoa Mỹ không chính thức ủng hộ phương pháp này nhưng có nhiều bác sĩ đã tham gia bàn luận về những mặt lợi và bất lợi của thực hành này.
Những lí do khiến phụ nữ muốn có kinh thưa hơn hoặc mất kinh hoàn toàn?

– Kinh nguyệt nhiều, kéo dài, kinh mau hay hành kinh đau.
– Vú cương đau, trướng bụng hay khí chất thay đổi khoảng 10 ngày trước kỳ kinh.
– Có khó khăn về thể chất và kinh tế (dùng băng vệ sinh tốn kém).
– Kỳ kinh làm cho nhiều chứng bệnh nặng lên như lạc nội mạc tử cung, thiếu máu, hen, nhức nửa đầu (migrain) hay động kinh – nhức đầu, đau do co thắt tử cung hay nhiều triệu chứng liên quan đến tuần lễ dùng viên thuốc vờ (placebo) của vỉ thuốc.
– Giảm tần suất có thai chắc chắn cũng là một sự lựa chọn đối với các em gái tuổi vị thành niên và các em gái hay phải nghỉ học hay bỏ lỡ các hoạt động thể thao vì có những chu kỳ kinh mau, không đều và đau.
Ngoài ra, đôi khi cần trì hoãn có kinh chỉ vì đó là một phiền phức, một trở ngại nếu xảy ra vào ngày cưới hay tuần trăng mật hoặc vào những ngày thi cử, thi đấu thể thao…
Việc có kinh hàng tháng có quan trọng không?
Nữ giáo sư về nội tiết và chuyển hoá Trường đại học British Columbia, Jerilyn C. Prior nói về ý muốn “làm mất kinh cho sạch” của một số phụ nữ:
Kinh nguyệt bình thường có ý nghĩa rất quan trọng với sức khỏe phụ nữ và chu kỳ kinh bình thường có một cơ chế cực kỳ phức tạp, do những hoạt động thần kinh của não tạo ra và có tác dụng đến sức khỏe toàn thân, chứ không chỉ vì mục đích sinh sản.
Kinh nguyệt bình thường có lợi ích đến xương và hệ tim mạch của phụ nữ. Nếu giảm các kỳ kinh đến mức không còn nữa là phản khoa học.

Làm mất kinh hoàn toàn có an toàn?

Cho tới nay chưa có đủ dữ liệu để khẳng định làm mất kinh là an toàn. Cần có những nghiên cứu sâu và rộng hơn nữa về ảnh hưởng đến sức khỏe của thực hành này, kể cả ảnh hưởng đến xương, những nguy cơ tạo thành cục máu và đột quỵ, tác động đến khả năng sinh sản và nhiều vấn đề khác.
Mối quan tâm hàng đầu là nếu dùng thuốc tránh thai (TTT) liên tục thì có tăng nguy cơ ung thư vú không vì theo sinh lý bình thường thì vú cần có thời gian nghỉ, không chịu tác động của hormon mỗi tháng.
Chính vì thế mà trong những ngày ra kinh nồng độ estrogen và progesterone thấp. Với việc cung cấp thường xuyên hormon, vú không bao giờ được nghỉ.
Có những tác dụng phụ gọi là chấp nhận được khi dùng TTT hormon, ví dụ tăng nguy cơ bị cục máu đông (một sự thỏa hiệp để đạt mục đích tránh thai) nhưng nếu không để tránh thai mà chỉ vì không muốn có kinh nữa thì đó là sự lựa chọn về lối sống và cần phải nhìn nhận về nguy cơ với cách nhìn hoàn toàn khác, có đáng để làm như thế không.
Hiệu quả của thuốc làm mất kinh?
Làm mất kinh không phải là chuyện chắc chắn, không phải bao giờ cũng có hiệu quả. Rất hay bị ra máu bất thường, nhất là trong 3 – 6 tháng đầu, đó là khó khăn với phụ nữ.
Sau khoảng 6 tháng, 70% phụ nữ dùng TTT dài hạn không còn ra máu nữa; sau 1 năm tăng lên 90%. Các nhà nghiên cứu vẫn cố gắng tìm cách giảm sự ra máu bất thường. Những phụ nữ nào không muốn bị ra máu có thể không muốn dùng loại thuốc mới.
Tuổi nào có thể bắt đầu uống thuốc ngừng kinh nguyệt lâu dài?
Nhiều thầy thuốc chưa có sự đồng thuận về chuyện sau bao nhiêu năm có kinh bình thường thì có thể làm cho mất kinh.
Tuổi vị thành niên có được dùng không cũng là vấn đề khó trả lời vì chưa có hướng dẫn chính thức, chưa có nhiều nghiên cứu nhưng điều quan ngại là TTT dùng kéo dài có thể ảnh hưởng đến tỷ trọng xương. Điều quan trọng này ngày càng được quan tâm.
Về lý thuyết, có thể tác động đến thời điểm ra kinh ở bất kể tuổi nào nhưng nhóm tuổi dùng TTT hầu hết là từ 18 – 22.
Có những loại thuốc nào có thể gây ra kinh thưa?
Trên thị trường Mỹ có một số loại TTT có thể kéo dài chu kỳ kinh:
– Seasonale dùng trong 91 ngày, mỗi năm chỉ tạo ra 4 kỳ kinh. Các viên thuốc có tác dụng dùng liên tục 84 ngày hay 12 tuần, sau đó dùng tiếp 1 tuần các viên thuốc không có tác dụng (tuần lễ 13) và kinh sẽ ra trong tuần lễ này, khoảng 3 tháng 1 lần.
– Seasonique đã được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) công nhận vào năm 2006, có công thức tương tự như thuốc trên, 3 tháng mới có kinh một lần.
Dùng các viên thuốc có tác dụng trong 84 ngày, 7 ngày sau dùng những viên có hàm lượng estrogen rất thấp thay thế cho những viên thuốc vờ và kinh sẽ ra trong tuần 13 này với hiện tượng giảm bớt ra máu, trướng bụng hay các tác dụng phụ khác.
– Lybrel là thuốc đang được nghiên cứu cũng là viên TTT uống, dạng phối hợp, có hàm lượng thấp cả progesterone và estrogen, dùng liên tục trong một năm. Dùng hàng ngày, không có giai đoạn nào không có hormon.
– Yaz là TTT ít gây hội chứng tiền mãn kinh, vỉ 28 viên mỗi tháng, 24 viên có tác dụng và 4 viên chỉ là thuốc vờ. Các kỳ kinh ngắn hơn, máu kinh ít và các chu kỳ đều hơn.
– Yasmin là TTT ít gây hội chứng tiền mãn kinh, ít gây trứng cá, vỉ 28 viên mỗi tháng, 21 viên có tác dụng và 7 viên chỉ là thuốc vờ. Các kỳ kinh nhẹ ít ra máu và đều hơn.
Tóm lại, mọi phụ nữ dùng viên TTT đều cần được thầy thuốc khám định kỳ hàng năm, kiểm tra huyết áp, làm phiến đồ tế bào cổ tử cung, khám vú và tiểu khung. Vì hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu về TTT dùng dài hạn để không có kinh hoàn toàn hoặc để kinh thưa nên tốt nhất chỉ dùng trong một số trường hợp nhất định và theo chỉ dẫn của thầy thuốc chứ không thể dùng theo sự mách bảo nhau hoặc tự ý.
 
Theo Sức Khỏe & Đời Sống
 

 

Bình luận (0)