Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Làm mẹ an toàn: Cần thay đổi từ nhận thức

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Hiện nay, do chưa nhận thức hết tầm quan trọng của chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), nhiều phụ nữ chưa biết tự chăm sóc bản thân mỗi khi thai nghén và sinh nở. Đây cũng là khó khăn tiên quyết trong công tác CSSKSS ở hầu hết các địa phương trong cả nước.
Từ thực tế…
Theo TS. Nguyễn Duy Khê, Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, đến cuối năm 2010, công tác CSSKSS có nhiều tiến bộ. Nhận thức của người dân về CSSKSS ngày càng được nâng lên, tỷ lệ phụ nữ có thai được quản lý 5 năm gần đây có sự cải thiện đáng kể, đạt 95% vào năm 2010. Ở Tây Bắc, Tây Nguyên tỷ lệ này cũng lên tới mức 88 – 89%. Số lần khám thai trung bình năm 2010 đã đạt 4 lần cho một phụ nữ đẻ so với năm 2009 là 3,3 lần. Tỷ lệ phụ nữ đẻ do cán bộ được đào tạo đỡ cũng liên tục tăng và đạt ở mức 95,7% năm 2010. Về chăm sóc sau sinh, năm 2010 đã đạt 92,8%, tăng 3,4% so với năm 2009. Nếu chỉ tính riêng tỷ lệ được chăm sóc trong tuần đầu sau sinh cũng đã đạt 81,9%.
 
 Ảnh minh họa. Nguồn: angiang.gov.vn
Tuy nhiên, tỷ lệ này lại không đồng đều ở các vùng, miền trong cả nước. Theo thống kê, thì nhiều địa phương, tỷ lệ phụ nữ có thai được thăm khám 3 lần/3 kỳ, khám sau sinh trong vòng 1 tuần thấp hơn nhiều so với bình quân chung cả nước.
Ở tỉnh Lạng Sơn, trong năm 2010, tỷ lệ bà mẹ khám thai 3 lần/3 kỳ trong thai kỳ  chiếm 73%, 94% bà mẹ sinh con tại cơ sở y tế, 76% bà mẹ được chăm sóc sau đẻ. Ở huyện Cao Lộc, một huyện còn nhiều xã điều kiện còn khó khăn, dân trí hạn chế, giao thông không thuận lợi, thì nhiều phụ nữ chưa hiểu biết về làm mẹ an toàn cũng như chưa được tiếp cận với các dịch vụ CSSKSS. Nhiều nơi, tỉ lệ phụ nữ được khám thai đủ 3 lần trong thai kỳ hàng năm dao động ở mức 30-40% và cũng chỉ chừng 40% bà mẹ đẻ tại cơ sở y tế.
Tại Hướng Hoá (Quảng Trị), nhận thức của người dân chưa cao, chưa tự giác đi khám và thực hiện các biện pháp tránh thai. Việc chăm sóc phụ nữ trước, trong và sau đẻ đạt tỷ lệ thấp. Trong 6 tháng đầu năm 2011, tỷ lệ phụ nữ khám thai 3 lần trong 3 thời kỳ chỉ 33,5%, thăm khám bà mẹ sau đẻ còn thấp, đặc biệt thăm khám bà mẹ trong tuần đầu chỉ 86,25%.
Đến sẻ chia kinh nghiệm…
Nhằm tăng tỷ lệ phụ nữ có thai được chăm sóc và quản lý thai nghén, thay đổi nhận thức của mọi người đối với công tác CSSKSS, trang bị kiến thức về chăm sóc thai kỳ cũng như chăm sóc sau sinh, nhiều trung tâm CSSKSS trên cả nước đã sáng tạo và đa dạng hoá các hoạt động chuyên môn, bước đầu đạt kế quả khả quan. Bác sĩ Bùi Thị Chi, Giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: “Muốn CSSK bà mẹ tốt, trước hết là, giúp họ làm mẹ an toàn. Trung tâm đã phối hợp cùng các tuyến y tế tỉnh, huyện, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra giúp cơ sở thực hiện tốt việc khám thai, quản lý thai sản, thực hiện chăm sóc trước sinh, trong sinh và sau sinh theo tiêu chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tăng cường giám sát đào tạo chương trình làm mẹ an toàn cho các cán bộ CSSKSS bằng việc tập huấn, đào tạo cán bộ cung cấp dịch vụ về cấp cứu sản khoa, làm mẹ an toàn, đào tạo cô đỡ thôn bản… 
Thực hiện nhiều biện pháp giúp phụ nữ mang thai làm mẹ an toàn, trung tâm đã góp phần cải thiện tình hình khám thai, sinh đẻ, tai biến sản khoa, mẹ tử vong tại các tuyến y tế cơ sở. Tỷ lệ các bà mẹ được cán bộ y tế đỡ đẻ đạt 100%. Tỷ lệ các bà mẹ được chăm sóc sau khi sinh là 98,8 %. Năm 2009 có 4 trường hợp mẹ tử vong thì năm 2010 chỉ có 1 trường hợp. 9/9 trung tâm y tế đều thực hiện kỹ thuật mổ cấp cứu sản khoa.
Một biện pháp nữa mà trung tâm áp dụng là tăng cường công tác truyền thông, thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ dưới 5 tuổi, nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng và bà mẹ mang thai về tầm quan trọng chăm sóc thai nghén và dinh dưỡng nên số trẻ em suy dinh dưỡng bào thai ở mức thấp, giảm nhiều so với các năm trước. Năm 2009, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng bào thai là 2,09%, năm 2010 là 2,08%.
Còn ở Quảng Ninh, sau 3 năm hoạt động, câu lạc bộ (CLB) "Làm mẹ an toàn" tại 8 xã của 8 huyện, thị miền núi khó khăn đã phát huy hiệu quả. Mỗi CLB “Làm mẹ an toàn” có từ 20 đến 25 hội viên. Chủ nhiệm CLB là những tuyên truyền viên, hội viên tích cực của Hội kế hoạch hóa gia đình ở cơ sở. Các CLB họp mỗi tháng một lần, thành viên CLB là những chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, những chị em còn trẻ, mới lập gia đình… Mỗi tháng, các CLB chọn một chủ đề sinh hoạt khác nhau, nhưng đều xoay quanh vấn đề "làm mẹ an toàn", nhằm chia sẻ kinh nghiệm khi mang thai. Chị em được hướng dẫn, được học những kiến thức chăm sóc bản thân khi mang thai, trước và sau khi sinh con, từ cách ăn uống, lao động sao cho thai nhi được an toàn, đến việc tiêm phòng, khám thai định kỳ, chăm sóc trẻ sơ sinh… Những kiến thức này thực sự cần thiết và hỗ trợ rất nhiều cho các thành viên, đặc biệt khi các chị sống ở miền núi, vùng khó khăn, xa các trung tâm y tế, bệnh viện…
Bên cạnh đó, có CLB dùng nhiều hình thức tuyên truyền như: phát các bài viết liên quan đến sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, các nuôi daỵ con khoẻ, con ngoan, CSSKSS trên loa đài truyền thanh các xã; kết nạp các thành viên là bí thư, phó bí thư đoàn thanh niên và tổ chức nhiều buổi sinh hoạt xoay quan các nội dung: Giáo dục giới tính tuổi vị thành niên, chuẩn bị hành trang sức khỏe sinh sản cho các bạn trẻ trước khi bước vào hôn nhân….; lồng ghép tư vấn SKSS/SKTD (sức khỏe tình dục) cho các đôi nam nữ trước khi đăng kí kết hôn… Nhờ đó, ngày càng nhiều phụ nữ hiểu biết về CSSKSS.
Còn ở Cao Lộc (Lạng Sơn), để nâng cao tỷ lệ phụ nữ được chăm sóc thai nghén, Trung tâm y tế huyện đã chú trọng xây dựng, củng cố mạng lưới cán bộ y tế; thường xuyên tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác CSSKSS; đẩy mạnh công tác tuyên truyền “làm mẹ an toàn”. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác CSSKSS với 23 y sản nhi, 200 nhân viên y tế thôn, bản, 30 bà đỡ, cô đỡ…. Bác sĩ Nguyễn Thị Bút- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Nhờ công tác tuyên truyền được đẩy mạnh và đội ngũ cán bộ làm công tác CSSKSS được nâng lên mà người dân đã nhận thức đúng và thay đổi hành vi trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em như đảm bảo các bà mẹ được khám thai, quản lý thai nghén; có chế độ lao động, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý; chọn nơi sinh để sinh nở an toàn… Hiện tại, tỉ lệ bà mẹ được khám thai đủ 3 lần trong thai kỳ được nâng lên khoảng 70-80%; tỉ lệ bà mẹ sinh ở cơ sở y tế đạt 80%. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được cải thiện rõ nét: số ca tử vong sơ sinh giảm xuống dưới 10 trường hợp, 2 năm trở lại đây không có tử vong mẹ. Trong 9 tháng đầu năm 2011, toàn huyện Cao Lộc không có tử vong mẹ; chỉ có 8 trường hợp tử vong sơ sinh hầu hết là do đẻ non, dị tật bẩm sinh; 96% phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ,77% bà mẹ được chăm sóc sau sinh.
Như vậy, thực tế chứng minh, nếu được các cấp chính quyền quan tâm, bằng nhiệt huyết của những người làm công tác CSSKSS và bằng những hành động, việc làm sáng tạo, nhiệt tình, công tác CSSKSS sẽ được cải thiện rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng dân số, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.
Theo Thu Hà
(CPV)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)