Ứng dụng CNTT trong dạy học môn công nghệ tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa |
Nhiều năm nay, cứ sau mỗi mùa thi tốt nghiệp THPT, ĐH-CĐ là dư luận lại “nóng” lên vì điểm số các môn xã hội của thí sinh quá thấp. Nguyên nhân thường được đổ lỗi cho ngành giáo dục, cho các thầy cô giáo không biết dạy nên học sinh chán học…
Để khắc phục tình trạng này, nhiều năm qua, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm làm “mềm” những môn học “cứng”…
Một tiết học thú vị
Khoảng 9 giờ ngày 13-9, chúng tôi ghé qua lớp 6A3 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Khác hẳn với không khí của một lớp học thông thường – thầy đứng trên bục giảng đọc, trò ở dưới hí hoáy ghi chép. Cũng chẳng thấy bảng đen và phấn trắng mà thay vào đó là màn chiếu Projector và máy chiếu. Còn giáo viên không phải cầm giáo án, sách giáo khoa hay đồ dùng dạy học mà chỉ đem theo một cái laptop – trong đó có tất cả kiến thức cần dạy.
Lúc này các em đang học bài Lựa chọn trang phục (môn công nghệ). Trên màn chiếu hiện lên dòng chữ “Đi dã ngoại thì mặc trang phục nào là phù hợp?”. Lập tức dưới lớp hàng chục cách tay giơ lên. Cô giáo Phạm Thị Mai Lựu mời từng em đứng dậy trả lời. Em thì nói “Phải mặc áo thun”, em khác trả lời “Phải đeo kính mát, đội mũ, đi giày đế bằng hay giày vải cho thoải mái”… Cô Lựu nói thêm: “Các con nên mặc thêm áo khoác chống nắng”. Cô vừa dứt lời thì trên màn chiếu hiện lên những kiểu quần, áo, giày, mũ phù hợp để đi dã ngoại.
Không khí lớp học càng lúc càng sôi nổi. Hoàn toàn không có học sinh thụ động chỉ biết ngồi nghe mà các em thay nhau đứng dậy nói lên những suy nghĩ của bản thân về trang phục phù hợp với mỗi dáng người, mỗi hoàn cảnh…
Với câu hỏi “Thế nào là ăn mặc đẹp?”, cô Lựu đưa ra 3 câu trả lời: a) Mặc quần áo mới model đắt tiền; b) Mặc quần áo phù hợp với vóc dáng, lứa tuổi, công việc và hoàn cảnh sống; c) Mặc quần áo giản dị, màu sắc trang nhã, may vừa vặn và biết cách ứng xử khéo léo. Và yêu cầu các em học sinh chọn câu trả lời phù hợp.
Những cánh tay lại giơ lên xin được trả lời câu hỏi. Các em không chỉ chọn câu trả lời đúng mà còn giải thích vì sao. Từ những câu trả lời của các bạn, từng học sinh trong lớp được bổ sung thêm kiến thức về cách lựa chọn trang phục. Đặc biệt, qua giải thích của cô giáo, các em có những suy nghĩ và cách ứng xử đúng đắn hơn. “Khi mặc đồng phục, các em nữ không nên thả hai dây váy xuống khỏi vai, các em nam phải bỏ áo vào quần. Buổi sáng được ba mẹ đưa tới trường, ngồi sau xe ăn bánh mì, ăn xong không được bỏ rác xuống đường…”, cô Lựu nhắc nhở.
Giáo viên nào cũng “mê” CNTT
“Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa có 64 lớp, tất cả đều được trang bị máy chiếu và màn chiếu Projector. Ngoài ra, nhà trường còn có 10 bộ máy chiếu, màn chiếu dự bị phòng khi máy ở các phòng học bị trục trặc có cái thay thế. Không chỉ vậy, nhà trường còn có ba bảng tương tác thông minh và nhiều trang thiết bị dạy học hiện đại khác… Phần lớn những thiết bị hiện đại này đều do xã hội hóa”, thầy Lâm Triều Nghi – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết.
Theo đó, hầu hết giáo viên trong trường, từ những thầy cô mới ra trường thành thạo về CNTT đến những thầy cô lớn tuổi sắp về hưu đều ứng dụng CNTT vào dạy học một cách nhuần nhuyễn. Những môn học “khô cứng”, ít thi tốt nghiệp THPT và ĐH-CĐ, thậm chí là không thi nên thường khó thu hút sự quan tâm của học sinh đã được các thầy cô ứng dụng CNTT làm “mềm” hóa. Từ đó học sinh không còn có sự phân biệt giữa môn chính và môn phụ. Với các em môn học nào cũng lý thú, cũng rất đáng học… Cụ thể như môn sinh. Nhờ bộ kính hiển vi có kết nối với máy tính mà mỗi khi quan sát những con côn trùng như kiến, ruồi, muỗi… các em không còn phải chờ đợi nhau để được nhìn qua kính hiển vi. Những con côn trùng bé tí tẹo đó qua kính hiển vi có kết nối với máy tính được phóng to lên trên màn chiếu Projector, tha hồ cho học sinh quan sát. Khi giáo viên phẫu thuật ếch, cũng được phóng to lên để học sinh quan sát… Với môn sử, khi học về chiến tranh thế giới lần thứ I, giáo viên cho học sinh từ 4-6 tuần để tìm kiếm tư liệu. Những bức ảnh, những thước phim được thầy và trò thu thập đã làm cho giờ học trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều.
Thậm chí ngay cả môn nhạc, môn họa, giáo viên cũng tích cực ứng dụng CNTT vào giảng dạy. Sự say mê CNTT của thầy cô đã nhanh chóng lan truyền tới học sinh.
“Mặc dù mới chỉ là học sinh lớp 6 nhưng các em đã biết ứng dụng CNTT trong việc thực hiện các đề tài. Chẳng hạn như ở đề tài “Lựa chọn trang phục phù hợp” (môn công nghệ), một nhóm học sinh chọn đề tài trang phục mùa Giáng sinh. Theo đó, các em tự làm người mẫu mặc những bộ trang phục phù hợp với tiết trời se se dịp Giáng sinh rồi chụp hình. Sau đó dùng phần mềm parabol thiết kế thành một bài thuyết trình vô cùng sinh động”, cô Lựu cho biết.
Bài, ảnh: Minh Anh
Bình luận (0)