Cô Thúy Nhài (thứ hai từ trái qua) cùng các thành viên thực hiện đề tài
|
Trăn trở với thực trạng dạy và học môn ngữ văn hiện nay, cô Phạm Thị Thúy Nhài – giáo viên dạy môn ngữ văn đã cùng một nhóm học sinh (HS) Trường THPT tư thục Ngôi Sao – thực hiện đề tài “Một số đề xuất về đổi mới cách thi cử, đánh giá môn học ngữ văn ở nhà trường phổ thông”.
Từ việc “mổ xẻ” các hình thức học tập và kiểm tra môn ngữ văn hiện nay, đề tài đã đưa ra “bệnh án” cụ thể về những hạn chế rất dễ thấy của môn này. Cô Thúy Nhài cho biết: “Hầu hết kiến thức môn ngữ văn đều được HS nhớ trong một thời gian nhất định, nhưng sau đó kiến thức ấy cứ rơi rụng dần. Bằng chứng là ít em nào nhớ lâu về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của những tác gia nổi tiếng như Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân… sau khi học.
Nặng kiến thức ghi nhớ
Theo cô Thúy Nhài, học vẹt làm cho HS thuộc trước quên sau. Cũng vì cách dạy khuôn mẫu của GV mà các em ít có cơ hội rèn luyện khả năng đọc của mình. Trong thực tế, các bài kiểm tra ở một góc độ nào đó chỉ đánh giá được mức độ tiếp nhận tri thức và khả năng viết của HS. Còn cơ hội giúp các em rèn luyện khả năng bằng giọng nói của mình thì vẫn còn thiếu “đất diễn”. Vì thế rất dễ dàng bắt gặp nhiều trường hợp HS lúng túng, ngập ngừng trước những câu hỏi của GV hay khi nói trước đám đông. Đáng buồn hơn khi điều này cũng xảy ra đối với HS có điểm cao môn ngữ văn. Không thể phủ nhận có nhiều GV rất nhiệt tình, có “lửa” và kiến thức uyên thâm nhưng do cách dạy theo phương pháp cũ nên chưa tạo được một đòn bẩy cho tính sáng tạo và nhạy bén ở người học. Các bài văn mẫu, cách kiểm tra theo công thức chung đã “bóp chết” cơ hội thăng hoa những cảm xúc và suy nghĩ độc đáo, mới lạ. Kết quả là bài văn nào cũng có một cách phân tích giống nhau và cảm xúc luôn bị “đóng khung”. Do đó, sản phẩm văn chương không tạo được phong cách dị biệt mà chỉ là “cái bóng” của nhau.
Trả lời cho câu hỏi: “Vì sao phải giới thiệu các bước thực hiện bài thi TOEFL iBT của bộ môn tiếng Anh vào đề tài?”, cô Thúy Nhài lý giải: “Như đề tài đã phân tích, bài thi dạng này đánh giá tốt khả năng sử dụng ngôn ngữ của thí sinh bao gồm bốn kỹ năng nghe, nói, đọc hiểu, viết trong kỳ sát hạch. Thông qua từng thử thách trong bài thi, HS có nhiều cơ hội rèn luyện kỹ năng cần thiết cho việc sử dụng ngôn ngữ một cách thuần thục”. Cô cho biết thêm, bài thi theo hình thức này đang được tất cả các trường ĐH, tổ chức trên thế giới sử dụng để xét tuyển sinh viên, nhân viên…
Đừng bỏ qua kỹ năng nói
Mặc dù đi sâu vào rất nhiều vấn đề bằng nhiều cuộc khảo sát khoa học và khách quan nhưng sức nặng của đề tài vẫn nghiêng về: Tính khả quan của việc áp dụng hình thức kiểm tra và rèn luyện trong bài thi TOEFL và SAT của Hoa Kỳ trong môn ngữ văn. Từ cơ sở đó, nhóm thực hiện đề tài đã mạnh dạn kiến nghị, thay đổi hình thức kiểm tra chung sẽ có tác dụng mạnh hơn là thay đổi phương pháp giảng dạy.
Với dạng bài kiểm tra này, HS không chỉ đạt được những phân tích tài liệu ngay khi đọc mà còn có thể viết tài liệu với cách lập luận chặt chẽ, dễ hiểu và có thể diễn đạt ý kiến của mình. Để làm được những bài kiểm tra với hình thức hiện tại, mỗi HS phải học bài với cách học thuộc lòng rất nhiều. Song lượng kiến thức ấy rất dễ bị quên đi. Như vậy, công sức đổ ra của HS thì nhiều nhưng hầu như không mang lại lợi ích gì.
Dựa vào những lợi ích và kết quả khảo sát, thử nghiệm, nhóm thực hiện nhận định đây là dạng kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn mang tính toàn diện, hiệu quả; đánh giá chính xác khả năng HS và có thể áp dụng vào các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Có thể nói, thay đổi hình thức thi cử là một trong những bước tiến quan trọng nhất trên con đường đổi mới giáo dục. Do đó, việc điều chỉnh hình thức thi cần được nghiên cứu kỹ nhưng lại phải mang tính cấp thiết để theo kịp nhu cầu thời đại.
Bài, ảnh: Hương Thủy
“Kiểm tra kĩ năng sử dụng tiếng Việt” theo hướng toàn diện – theo cô Nhài – là một hình thức đánh giá hiệu quả trong môn văn và đem lại nhiều lợi ích cho công cuộc đổi mới giáo dục. |
Bình luận (0)