Trong nỗ lực đưa lịch sử trở thành môn học thú vị, ý nghĩa, năm học này nhiều trường học ở TP.HCM đã mạnh dạn có những cách “biến hóa” môn lịch sử khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, mang lại nhiều hứng thú cho học sinh khi tiếp cận môn học.
Học sinh Trường THPT Trưng Vương với những sản phẩm ấn tượng khi học lịch sử qua dự án
Bước sang năm thứ 2 thực hiện Chương trình GDPT 2018, năm nay lần đầu tiên Tổ lịch sử, Trường THPT Trưng Vương (quận 1) mạnh dạn triển khai dự án học tập Sắc màu Đông Nam Á cho học sinh khối 10, 11. Sản phẩm dự án được thay thế cho bài kiểm tra giữa học kỳ 1.
33 lớp ở 2 khối sẽ làm các sản phẩm tái hiện lại thành tựu, công trình kiến trúc tiêu biểu, trang phục cũng như quá trình đấu tranh giành độc lập của các quốc gia Đông Nam Á.
Cô Hoàng Vân – Tổ trưởng Tổ lịch sử, Trường THPT Trưng Vương cho biết, trong chương trình mới, môn lịch sử ở cả 2 khối 10 và 11 đều học về Đông Nam Á nhưng ở 2 giai đoạn khác nhau. Khi tham gia vào dự án, các lớp sẽ chia theo từng nhóm (6-8 học sinh/nhóm), mỗi nhóm sẽ lựa chọn các hình thức như poster, đồ họa, trang phục, mô hình kiến trúc, borchure… để thiết kế sản phẩm.
“Tôi khá bất ngờ với sự sáng tạo của học sinh khi vượt ra ngoài kỳ vọng của giáo viên. Các em đầu tư những mô hình rất giống thực tế, như kiến trúc Chùa Ngọc (Hà Nam), cầu Long Biên, chùa Một Cột, Đại Nội Huế, Chùa Vàng… Đặc biệt, để giới thiệu về mô hình, nhiều nhóm còn ứng dụng công nghệ thông tin, thiết kế các mã QR để giới thiệu. Với các sản phẩm trang phục, từ vật liệu tái chế, các em đã sáng tạo ra những trang phục truyền thống rất ấn tượng…” – cô Vân đánh giá.
Theo cô, để tạo ra những sản phẩm tái hiện lịch sử, học sinh phải có sự đầu tư chăm chút rất nhiều. Do vậy, thông qua dự án, các em không chỉ hệ thống lại kiến thức mà còn phát triển được thêm nhiều kỹ năng, năng lực như cộng tác, sáng tạo, mỹ thuật, công nghệ…
Nhân vật lịch sử được học sinh tái hiện “sân khấu hóa” khiến môn học trở nên thú vị
“Trong chương trình cũ, thời lượng tiết học là “cứng”, giáo viên rất khó để hướng dẫn học sinh làm các sản phẩm. Với chương trình mới, môn học có những tiết thực hành, giáo viên được chủ động thiết kế chương trình – là thuận lợi để giáo viên đổi mới, tạo thêm trải nghiệm cho học sinh trong môn học. Đặc biệt, chương trình mới cho phép giáo viên linh hoạt các hình thức kiểm tra đánh giá, giảm áp lực cho học sinh. Khi được trao quyền đổi mới, nếu giáo viên mạnh dạn, chịu khó đổi mới phương pháp thì sẽ phát huy được những điểm mạnh của học sinh, phát triển cho các em nhiều kỹ năng ngoài sách giáo khoa, biến môn học trở nên hấp dẫn…” – cô Hoàng Vân chia sẻ.
9 trường THPT trên địa bàn quận 1, quận 3 vừa cùng nhau thực hiện dự án môn lịch sử mang tên “Việt Nam anh hùng”. Đây là dự án lịch sử quy mô, lần đầu tiên được các trường cùng bắt tay thực hiện với Chương trình GDPT 2018.
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du – Tổ trưởng Tổ lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) cho biết, khi triển khai dự án, giáo viên lịch sử gặp nhiều khó khăn. Bởi, hiện nay môn lịch sử trong Chương trình GDPT 2018 vẫn còn nhiều tranh cãi, nhiều giáo viên cho rằng chương trình khô khan, khó khăn, học sinh khó tiếp thu, học sinh kêu chán. Chính vì thế, dự án hướng đến “gỡ khó” những phần kiến thức mà học sinh kêu khó nhất, than chán nhất, để nhằm chứng minh rằng khó khăn không phải ở kiến thức sách giáo khoa, vì nếu như giáo viên có phương pháp dạy học đúng đắn thì học sinh rất ham mê học môn lịch sử.
Tham gia vào dự án, học sinh có thể sử dụng các hình thức như làm poster, sa bàn, mô hình… để thể hiện phần kiến thức của mình. Đặc biệt, mỗi trường sẽ góp thêm một tiết mục hoạt cảnh về một nhân vật lịch sử mà các em yêu thích nhất nằm trong chương trình lịch sử lớp 11.
Với 9 hoạt cảnh sân khấu hóa, kết hợp với các mô hình, poster tái hiện những kiến thức học sinh học trong chương trình, thầy Đăng Du đánh giá, học sinh đã nắm rất chắc kiến thức bài học. Nhiều sản phẩm thể hiện sự hoàn mỹ về mặt nghệ thuật. Riêng tái hiện các nhân vật lịch sử, gồm Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung – Nguyễn Huệ, Nguyễn Trung Trực – những tiết mục sân khấu hóa rất đa dạng phong phú, từ kịch, nhạc kịch, sân khấu hóa cho đến múa, thậm chí còn đọc rap. Hình thức thể hiện do chính học sinh tự nghĩ, tự tạo ra nên thu hút học sinh cùng độ tuổi, sự lan tỏa cao.
Từ hiệu ứng mà dự án mang lại, thầy Du đánh giá: lịch sử có chán hay không phụ thuộc nhiều vào cách truyền đạt, phương pháp giảng dạy của giáo viên. Việc học sinh chú ý vào môn học có rất nhiều cách thể hiện, điều quan trọng nhất là người giáo viên phải khơi gợi được sự chú ý của học sinh vào môn học.
“Hiện nay, phương pháp thầy giảng và trò nghe đã trở nên rất lạc hậu, thế hệ học sinh hiện nay luôn mong muốn được thể hiện chính bản thân mình. Nếu như có sự kết hợp của giáo viên với vai trò định hướng và học sinh có khả năng thể hiện thì sẽ cho ra được sự kết hợp rất tốt trong việc dạy và học lịch sử. Với Chương trình GDPT 2018 hướng đến việc lấy học sinh làm trung tâm, mỗi giáo viên phải nhìn thấy được điểm mới của chương trình để thực hiện những phương pháp đổi mới để thu hút học sinh đến với môn lịch sử”.
“Việt Nam anh hùng” được khởi động từ tháng 10, kéo dài trong 1,5 tháng. Mục tiêu lớn nhất của dự án là cơ hội để mỗi giáo viên học hỏi từ đồng nghiệp, được đồng nghiệp nâng đỡ để thay đổi phương pháp dạy học. Với học sinh, dự án giúp học sinh được thể hiện khả năng của mình ở nhiều mặt trong môn học, và lịch sử hiện diện ở xung quanh học sinh và hoàn toàn không nhàm chán.
“Với dự án này, các thầy cô sẽ cùng dìu nhau để đi, để cùng đổi mới môn học hướng đến mục tiêu của chương trình. Thông qua dự án cũng là cú hích để thay đổi tư duy của cán bộ quản lý, cùng giáo viên đổi mới, hỗ trợ giáo viên đổi mới”.
Đỗ Khương Yến
Bình luận (0)