Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Làm mới những tiết học nghề khô khan

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ sau một tiết học 45 phút, người học hoàn toàn có thể thành thạo kỹ năng của nghề mình học, như trưng bày hàng hóa siêu thị, kê khai thuế giá trị gia tăng, lắp ráp mạch xung cho dàn đèn… với sự hứng thú.
Giáo viên Đỗ Phú Hoàng bên mô hình lắp ráp mạch xung   /// Ảnh: Đ.P

Giáo viên Đỗ Phú Hoàng bên mô hình lắp ráp mạch xung. ẢNH: Đ.P

Đó là cái “tài” của những giáo viên giỏi nghề, giỏi phương pháp sư phạm đạt giải cao trong hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc vừa qua.
Làm được việc chỉ sau một tiết học!
Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc được tổ chức định kỳ 3 năm một lần. Năm 2018 có 56 tỉnh, thành phố trong cả nước với số lượng nhà giáo tham dự có bài thi là 373 thuộc 244 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tham gia thi ở 90 nghề. 

Đỗ Phú Hoàng là giáo viên nghề điện tử Trường CĐ Nghề TP.HCM, vừa đoạt giải nhất Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc. Nghề của thầy Hoàng có tổng cộng 23 giáo viên giỏi được tuyển chọn từ các trường CĐ, trung cấp trên khắp toàn quốc.

Thầy Hoàng bốc thăm trúng bài tích hợp thuộc môn lắp ráp mạch xung, với các kiến thức giúp người học có thể tạo ra sự nhấp nháy của đèn điện. Cái khó là làm sao vừa đáp ứng các tiêu chí của ban tổ chức, vừa có sự sáng tạo để mang đến cho người học một kỹ năng hoàn thiện chỉ sau 45 phút.
Thầy Hoàng đã dành ra 2 tháng để làm mô hình bo mạch chạy ứng dụng trong thực tế phục vụ cho bài thi. Nhờ có tính trực quan sinh động và được cập nhật những cái mới nhất từ thực tiễn, bài giảng của thầy Hoàng đã được đánh giá xuất sắc, giúp người học có thể làm được một công việc cụ thể ngay sau tiết học.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Ngân, giáo viên Khoa Kế toán – Tài chính Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM, lại giúp môn học tưởng như khô khan của mình trở nên tươi mới, sinh động nhờ cách giảng bài duyên dáng, hài hước. Cô Ngân đoạt giải nhất khi tham gia bài giảng thực hành có nội dung “Kê khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ” của ngành kế toán. “Đây là một kỹ năng mà doanh nghiệp luôn đòi hỏi cao từ nhân viên kế toán. Trước khi dự thi, mình đã cho các nhóm học sinh thảo luận để mình tìm hiểu sự tiếp thu của các em, từ đó thiết kế ra quy trình bài giảng sao cho đạt hiệu quả cao nhất”. Bài giảng của cô Ngân được đánh giá cao, có tính sáng tạo vì đã triển khai được việc khai thác thuế điện tử, sơ đồ tư duy và ứng dụng tốt công nghệ thông tin.
Lê Thị Thanh Nhàn, giáo viên nghề quản lý siêu thị của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, lại mang đến hội thi cả một quầy kệ, bảng từ và các sản phẩm mô phỏng nước giải khát để làm dụng cụ trực quan cho bài giảng. Bài giảng tích hợp “Trưng bày hàng hóa trên quầy kệ” của cô Nhàn đoạt giải nhì vì không chỉ giúp người học có kỹ năng lập kế hoạch, thiết kế bố trí hàng hóa đẹp mắt mà còn cảm thấy yêu thích, say mê với công việc ấy.
Phải giỏi thực tế mới có bài giảng hay
Cô Lê Thị Thanh Nhàn cho rằng giảng viên trường nghề khác rất nhiều với một giảng viên trường ĐH. “Phương pháp dạy nghề là phải cầm tay chỉ việc, vì thế giáo viên trước tiên phải là người giỏi nghề, có trải nghiệm, kinh nghiệm thực tiễn. Mỗi bài giảng phải được xây dựng từ thực tế, giúp người học hình thành được một kỹ năng cụ thể. Tiết học kết thúc là giáo viên có thể kiểm soát, đánh giá, “đo đếm” được kết quả”, cô nhận định. Được biết, cứ mỗi dịp nghỉ hè, cô Nhàn lại xin vào một siêu thị làm việc như một nhân viên thực thụ nhằm trải nghiệm thực tế phục vụ cho các bài giảng của mình.
Trước khi trở thành giáo viên Trường CĐ Nghề TP.HCM, Đỗ Phú Hoàng đã có thời gian làm việc tại doanh nghiệp về bảo trì thiết bị. Thầy Hoàng cho biết: “Có nhiều trải nghiệm thực tiễn, giáo viên mới có thể nắm bắt được những thay đổi để đưa kiến thức mới nhất vào bài học, giúp bài học thú vị, hấp dẫn hơn”.
Cô Nguyễn Thị Ngân trước đây cũng từng có 6 năm làm việc tại Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương. Không chỉ liên tục cập nhật thực tiễn, cô còn rất chú trọng tới phương pháp sư phạm. “Học sinh của tôi có cả các em vừa tốt nghiệp THCS rất trẻ, hay bị thiếu tập trung nên tôi luôn tìm cách làm cho bài giảng thu hút bằng những ví dụ, mô hình trực quan sinh động. Ngoài ra, tôi coi học sinh như bạn bè, sử dụng ngôn ngữ hài hước, dễ hiểu, gần gũi để chia sẻ kiến thức với các em. Những tiết học kế toán cực khô khan nên phải khiến các em vui cười mới tránh được sự nhàm chán”, cô Ngân chia sẻ.
Mỹ Quyên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)