Naoe (Cao Danh) và Noriko (Vân Anh) trong vở Đèn không hắt bóng – Ảnh: T.Hội |
Thành Hội – Ái Như không chỉ là cặp bài trùng trong biên kịch, dàn dựng và diễn xuất trên sân khấu, mà còn ăn ý với nhau trong việc đào tạo thế hệ trẻ kế thừa.
Có dịp xem sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật TP.HCM làm vở tốt nghiệp mới thấy rõ nỗi lòng của những thầy cô giáo như thế. NSƯT Thành Hội chỉ nhắc học trò mình một câu: “Hãy làm nghề tử tế!”, nhưng đủ làm hành trang đi suốt con đường chông gai của nghệ thuật.
Không biết rồi sau này những gương mặt trẻ ấy có trở thành người nổi tiếng, chỉ biết hôm nay, các bạn đang rất tử tế với chính mình và với người xem. Tử tế trong một vở bi kịch đẹp như một bài thơ. Đèn không hắt bóng từng được những đàn anh, đàn chị gạo cội như Tấn Thành, Tú Trinh, Minh Trí, Hoàng Trinh… diễn tại 5B (Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM), nhưng hôm nay những Cao Danh, Hoài Thương, Vân Anh, Thế Hải, Vân Trang, Khánh Duy vẫn đem lại một cảm xúc trong trẻo qua sự hết mình cùng nghệ thuật, không toan tính.
Cho nên đã có nhiều người chảy nước mắt theo nhân vật của các bạn. Giọt nước mắt quý giá giữa thời buổi sân khấu thị trường lên ngôi, tiếng cười lên ngôi. Và vở diễn cũng quý giá trong bối cảnh ấy, lung linh cái đẹp chân thực của sân khấu. Lâu lắm rồi mới được trở lại với kiểu sân khấu thơ mộng, không ồn ào. Những giai điệu Nhật da diết, những hoa tuyết rơi nhẹ nhàng, những tâm cảm con người mong manh, những cái chết và tình yêu bất tử… Sân khấu không nhất thiết phải lộng lẫy, đắt tiền, vậy mà vẫn cuốn hút, làm người xem xúc động.
Tất cả đều là “sản phẩm học trò”, các bạn trẻ lao vào tự chế tạo, lắp ráp, vẽ vời, bởi thầy Thành Hội và cô Ái Như bắt các học trò phải cảm nhận được toàn bộ gian khổ của nghề, để sau này biết ơn các anh chị lao công, hậu đài… đứng phía sau ánh hào quang của mình. Đó cũng là cách làm nghệ thuật tử tế.
Bước đi đầu tiên đã được rèn luyện tử tế, thì hy vọng những gương mặt trẻ ấy sau này sẽ trở thành những nghệ sĩ không phụ lòng khán giả.
Hoàng Kim (Theo TNO)
Bình luận (0)