Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Làm nhạc không lời có lời không?

Tạp Chí Giáo Dục

Vẫn là câu chuyện "biết rồi… nói mãi" về việc mang nhạc cổ điển đến gần hơn với khán giả đại chúng, nhưng gần đây, hành trình ấy trở nên sinh động và "sắc màu" hơn.

Cùng với những chương trình định kỳ của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO), thời gian qua khán giả TP.HCM có nhiều lựa chọn khi "thực đơn" biểu diễn âm nhạc cổ điển đa dạng hơn.

Có thể kể đến đầu tiên là các chương trình do La – A Different Way Of Music (nhóm các nghệ sĩ theo đuổi nhạc cụ cổ điển, với mong muốn mang đến những buổi diễn trong không gian vừa đủ để âm nhạc thực sự được lắng nghe) tổ chức, và mới nhất là The Century – Kể về lịch sử với âm nhạc cổ điển giữa tháng 3 tại Nhà hát VOH Music One (Q.1, TP.HCM). Âm nhạc được đạo diễn bởi TS Phạm Vũ Thiên Bảo cùng Th.S Lê Minh Hiền, qua phần thể hiện của 12 nghệ sĩ đàn dây. Những tác phẩm âm nhạc chọn lọc trong mỗi thời kỳ phát triển của nhạc cổ điển được trình diễn, như nhóm mong muốn: "Hướng đến việc khán giả sẽ nhận ra đặc điểm của từng thời kỳ âm nhạc, không chỉ bằng cách hiểu nền tảng mà còn bằng cách cảm nhận âm nhạc".

Làm nhạc không lời có lời không? - Ảnh 1.

Hòa nhạc The Century của nhóm La – A Different Way of Music. LA

Đầu tháng 3, La cùng các đối tác mang đến buổi hòa nhạc cổ điển Folia tại Trường nghệ thuật Artiste, với sự tham gia của Giáo sư – violinist Christophe Poiget từ Nhạc viện quốc gia Paris, Pháp. Hôm đó, có những người lần đầu đi nghe nhạc cổ điển, nhưng các bạn chia sẻ "bị thuyết phục hoàn toàn", bởi: "Sự kỳ diệu của hòa tấu thính phòng là bản chất âm thanh nó đã rất đẹp khi các nhạc cụ hòa cùng nhau, sự hòa âm đó có khả năng tự tạo cho người nghe cảm giác lâng lâng yên bình". Sau chương trình, họ còn chủ động ở lại để được trò chuyện với nghệ sĩ. Cũng cần nói thêm, Folia là buổi hòa nhạc đầu tiên mà Giáo sư Poiget và các học trò VN biểu diễn cùng nhau; nhóm nhạc Folia chính là nhóm sinh viên và giảng viên trẻ của Nhạc viện TP.HCM do Giáo sư Poiget lựa chọn để đi trao đổi học vụ với Nhạc viện quốc gia Paris vào tháng 4 tới.

Trước đó, đêm nhạc Dear Ghibli, My Friend do Imagine Philharmonic Orchestra (IPO) tổ chức, được dẫn dắt bởi Dustin Tiêu – nhạc trưởng của IPO, diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình (Q.10, TP.HCM) cũng tạo được sự quan tâm của đông đảo khán giả, khi các nghệ sĩ lần đầu biểu diễn hòa nhạc giao hưởng Ghibli kết hợp trình diễn 3D Mapping. Dù có vài "sơ sót" không mong muốn trong khâu tổ chức, nhưng như chia sẻ của IPO, các bạn đã dành nhiều tâm sức để xây dựng mô hình hòa nhạc này bằng những cách truyền thông trẻ hóa khác nhau để tiếp cận gần hơn với đại chúng.

Được đón nhận đầy hào hứng có thể kể đến chương trình Saigon Classical: Winterreise (Đường vào sương tuyết) của Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn. Đường vào sương tuyết thuộc dự án From Alpha to Opera – giới thiệu các vở opera nổi tiếng có phần phụ đề tiếng Việt và tiếng Anh, với sự hỗ trợ từ Hội đồng Nghệ thuật Thụy Sĩ Swiss Arts Council Pro Helvetia, Viện Goethe TP.HCM, Bechstein VN. Chương trình được xem như một "phóng tác" thoại – diễn vừa gần gũi, quen thuộc nhưng không làm "thường hóa" những giá trị cổ điển vốn có cho gần 1/2 trên tổng số 24 ca khúc trong tập ca khúc này của nhà soạn nhạc Schubert, khi được dẫn giải qua đúc kết các tư liệu, sử liệu xoay quanh tác phẩm cùng bề dày kiến thức uyên bác của nhà nghiên cứu văn hóa Á – Âu Trần Như Vĩnh Lạc. Gần 4 tiếng đồng hồ diễn ra (có giải lao), nhưng khán giả vẫn ngồi lại đến cuối vì sự thú vị từ câu chuyện lẫn thông tin diễn giả phát hiện qua tìm hiểu của mình dành cho một tác phẩm cổ điển đồ sộ, được đặt vào vị trí tối thượng trong toàn bộ sáng tác ca khúc nghệ thuật Đức cũng như cho chính nhà soạn nhạc Franz Schubert.

Làm nhạc không lời có lời không? - Ảnh 2.

Chương trình Đường vào sương tuyết lôi cuốn bởi sự dẫn giải của nhà nghiên cứu Trần Như Vĩnh Lạc (trái). N.V

Để nét văn hóa này được nối tiếp

Theo Lê Duy Khương, đồng sáng lập From Alpha to Opera và sáng lập dự án Reading Classical, sự sôi động của các chương trình biểu diễn như hiện nay có lẽ là cần thiết; các tổ chức mới này tự sinh ra, cạnh tranh và sinh tồn xem ai trụ lại lâu nhất, bằng chất lượng (và bằng các tài nguyên khác, bao gồm tài chính). Nhưng "nếu là khán giả tiêu thụ, tôi sẽ vẫn chọn những nhạc mục biểu diễn hay, nghệ sĩ giỏi, và nội dung chỉn chu, thu hút".

Như nhìn nhận của một nhà sản xuất: "Hình thức giao hưởng, hòa tấu thính phòng hay nhạc cổ điển đã có khoảng thời gian hoàng kim của nó rồi. Theo quy luật, nó phải nhường chỗ cho cái mới. Cái mà mọi người đang làm hiện tại, nếu tốt nhất có thể, có 2 mục đích: giữ gìn nét đẹp văn hóa đó, bảo tồn nó hoặc tự nâng cao giá trị của người nghệ sĩ, cũng vừa nâng cao chất lượng âm nhạc, nâng cao sự trân trọng từ khán giả. Đó là cái "lời" mà loại hình âm nhạc này mang lại".

Lâm Thi, đồng sáng lập La, cho biết những chương trình của nhóm được phân rõ làm 2 loại: Thứ nhất, tiếp cận thị trường bằng âm nhạc quen thuộc, những bài hát, tác phẩm gần với đại chúng được phối theo hình thức giao hưởng hoặc hòa tấu thính phòng. Thứ hai, bảo tồn và nâng giá trị thông qua những chương trình thuần cổ điển.

Nhóm La và một số nhóm, đơn vị tổ chức khác cũng cho hay vì chú trọng nội dung hoặc đầu tư hình thức để thu hút khán giả đến với loại hình này mà lắm lúc "lỗ sấp mặt". Theo nhạc trưởng Trần Nhật Minh, muốn làm các chương trình cổ điển, các bạn thường phải tìm tài trợ hoặc có sự hỗ trợ từ nhãn hàng, đơn vị nào đó. Nếu các chương trình chỉ đơn thuần bán vé thì khó có lời, trừ khi người tổ chức hay nghệ sĩ bỏ tiền túi vì quá đam mê và vẫn còn đầy nhiệt huyết. Cá nhân anh cũng đang tìm tài trợ để chuẩn bị cho một dự án âm nhạc riêng – món ăn tinh thần dành cho sinh viên ở các trường đại học hoặc ở những địa điểm quen thuộc với khán giả trẻ. "Với âm nhạc cổ điển, cần thêm sự quan tâm nhiều hơn dành cho loại hình này, có thể là sự hỗ trợ về điểm diễn, hay "xa hơn" một chút, có thể có những chính sách về thuế tốt hơn cho các nhà tài trợ nghệ thuật", nhạc trưởng Trần Nhật Minh nói.

Theo Nguyên Vân/TNO

 

Bình luận (0)