Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Làm nhạc kịch hướng đến công chúng trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Sự xuất hiện của nhạc kịch trong thời gian gần đây đã mang đến làn gió mới cho sân khấu kịch Việt Nam

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn – Giám đốc Sân khấu Kịch IDECAF (TP HCM) – cho biết trong đợt ra mắt sân khấu mới tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TP HCM, Sân khấu Kịch IDECAF sẽ công diễn một tác phẩm nhạc kịch kết hợp cải lương, lấy cảm hứng từ tác phẩm điện ảnh "Song lang" (đạo diễn Leon Lê, biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc, công chiếu năm 2018).

Nhạc kịch kết hợp cải lương

Trình diễn song song với "Song lang" tại sân khấu Nhà Văn hóa Thanh Niên TP HCM là tác phẩm nhạc kịch thuần Việt "Tiên Nga" (tái diễn lần 6). "Mục tiêu làm nghệ thuật của Sân khấu Kịch IDECAF là luôn sáng tạo những cái mới; hỗ trợ tối đa cho các đạo diễn, diễn viên trẻ có ý tưởng kịch bản mới và thuần Việt. "Tiên Nga" và "Song lang" là những sản phẩm nhạc kịch thuần Việt tâm huyết của Sân khấu Kịch IDECAF" – ông bầu Huỳnh Anh Tuấn bộc bạch.

Trước đó, vở "Alice in Wonderland" ("Alice ở xứ sở diệu kỳ") – một dự án sân khấu nhạc kịch của Nhà hát Kịch Việt Nam – cũng được đông đảo công chúng đón nhận. "Alice in Wonderland" do Nhà hát Kịch Việt Nam phối hợp với POP và AIM (Viện Âm nhạc Úc) thực hiện. Lê Diệu My – nữ sinh 21 tuổi – làm tổng đạo diễn, NSƯT Xuân Bắc chỉ đạo nghệ thuật cùng 2 cố vấn nghệ thuật là NSƯT Đặng Châu Anh và Nicholas Gentile.

Làm nhạc kịch hướng đến công chúng trẻ - Ảnh 1.

Một cảnh trong vở nhạc kịch “Alice in Wonderland”. Ảnh do Nhà hát Kịch Việt Nam cung cấp

Một số vở nhạc kịch khác là "Người cầm lái" (Nhà hát Công an Nhân dân) và "Sóng" (Nhà hát Tuổi Trẻ; biểu diễn tại Nhà hát Hòa Bình, TP HCM) đều thu hút sự quan tâm của khán giả.

NSND Trần Minh Ngọc cho rằng sự xuất hiện của các vở nhạc kịch trong thời gian gần đây đã mang đến những tín hiệu tích cực, tạo nên sắc màu mới cho sân khấu kịch Việt Nam; từ những thành công này sẽ tạo động lực cho các sàn diễn mạnh dạn đầu tư tác phẩm nhạc kịch để tham gia Liên hoan Sân khấu thể nghiệm quốc tế vào tháng 11-2022 tại TP Hà Nội.

Thủ pháp thuần Việt

Tác phẩm "Người cầm lái" được xây dựng theo hình thức giao hưởng – đại hợp xướng của nghệ thuật hàn lâm, đồng thời phát huy di sản từ sân khấu kịch hát dân tộc qua việc sử dụng các nhạc cụ dân tộc, chất liệu ngôn ngữ múa dân gian. Vì thế, nghệ thuật opera kinh điển của thế giới đã hòa quyện với thi pháp sân khấu truyền thống Việt Nam tạo nên bức tranh nhạc kịch Việt sinh động.

Biên đạo múa Tuyết Minh vừa là tác giả kịch bản kiêm tổng đạo diễn, biên đạo múa của nhạc kịch "Người cầm lái" cho hay: "Điểm nhấn của vở diễn là dàn nhạc giao hưởng giữ vai trò chủ đạo, tạo ra không gian âm nhạc hoành tráng nhưng vẫn có những thanh âm là bản sắc của văn hóa Việt Nam. Các ca khúc sáng tác cho "Người cầm lái" được thể hiện dưới hình thức những vần thơ".

Không chỉ nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả trong đợt công diễn chào mừng ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vở nhạc kịch "Người cầm lái" còn nhận được giải xuất sắc tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2022.

Vở nhạc kịch thuần Việt "Sóng" của Nhà hát Tuổi Trẻ lấy cảm hứng từ vẻ đẹp trong thơ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ, khi ra mắt khán giả TP HCM cũng đã nhận được lời khen ngợi và sự cổ vũ nồng nhiệt.

"Điều này mở ra cơ hội để các sàn diễn xã hội hóa đi tìm chất liệu đầu tư cho nhạc kịch. Khi đã được đầu tư về kịch bản, thủ pháp thì nhạc kịch TP HCM nói riêng và cả nước nói chung sẽ có những bước chuyển mới" – NSƯT Ca Lê Hồng nhận định.

Theo các nhà chuyên môn, đã đến lúc sàn diễn sân khấu cả nước cần chú trọng đầu tư và tiếp cận với nhạc kịch, có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, nâng tầm nhạc kịch Việt trong mặt bằng biểu diễn nghệ thuật để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu thụ hưởng văn hóa của cộng đồng.

Thanh Hiệp/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)